Thứ 7, 01/02/2025, 10:43[GMT+7]

Bánh cáy làng Nguyễn: Kết tinh hương đất, hương đồng

Thứ 7, 25/01/2025 | 09:19:31
575 lượt xem
Những ngày tết không thể không nhắc đến bánh cáy làng Nguyễn, xã Nguyên Xá (Đông Hưng). Món bánh kết tinh hương đất, hương đồng, thảo thơm, chứa nặng chân tình của người dân làng Nguyễn từ xa xưa đã là đặc sản tiến vua, nay là lễ vật dâng cúng tổ tiên, biếu cha mẹ, người thân, món quà quê tặng khách phương xa.

Bánh cáy OCOP 4 sao sản xuất từ làng Nguyễn (Nguyên Xá) được nhiều người tin dùng.

Đặc sản tiến vua 

Chị Nguyễn Thị Hiền, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) chia sẻ: Lần đầu tiên được người bạn quê Thái Bình tặng một hộp bánh cáy làng Nguyễn vào dịp tết, tôi đã mang về Quảng Bình. Sau khi dâng cúng tổ tiên, tôi cắt bánh cáy cùng các thành viên trong gia đình nhâm nhi với chén trà nóng. Hương vị ngọt thanh của mạch nha, cay cay của gừng, béo ngậy của mỡ lợn, ngọt, bùi của gạo nếp và vừng quyện với vị đắng của trà cho ta cảm giác thật tuyệt. Từ đó đến nay, ẩm thực không thể thiếu của gia đình tôi mỗi khi tết đến xuân về là bánh cáy làng Nguyễn. Lần đầu ăn, tôi và mọi người đều có chung thắc mắc tại sao lại gọi là bánh cáy? Trong một lần về thăm làng Nguyễn, đặc biệt là nhà thờ tổ nghề bánh cáy, tôi đã được các cụ cao niên ở đây kể cho nghe về nguồn gốc của bánh cáy là do bà Nguyễn Thị Tần (1725 - 1800), làng Nguyên Xá, tổng Cổ Cốc, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng) sáng chế. Vốn là người thông minh, học giỏi, năm 1739, bà được tuyển vào cung phụ trách dạy bảo công chúa và các phi tần. Trong cung được thưởng thức nhiều của ngon vật lạ, nhưng vốn xuất thân nơi thôn dã nên bằng chính những nguyên liệu sẵn có từ quê hương, bà đã sáng chế ra một loại bánh mới có tên là bánh ngũ vị. Khi tiến vua, được vua Lê Hiển Tông khen ngon, đặt tên là bánh cáy vì nhìn miếng bánh đan xen nhiều màu sắc bắt mắt trông giống trứng con cáy. Từ đó, làng Nguyễn trở thành “cái nôi” của nghề làm bánh cáy, được lưu truyền, nhân rộng, phát triển thành làng nghề truyền thống nổi tiếng của xã Nguyên Xá đến ngày nay. Nhờ thế đặc sản tiến vua giờ là món quà quê ai cũng có thể thưởng thức, ăn một lần nhớ mãi tấm chân tình mộc mạc người dân làng Nguyễn gửi gắm vào từng miếng bánh. 

Hương vị độc đáo 

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, cơ sở bánh kẹo Trường Hằng, nét độc đáo của bánh cáy làng Nguyễn chính là sự hòa quyện, kết hợp nhuần nhuyễn của các nguyên liệu bình dị trong đời sống như: gạo nếp, mỡ lợn, gấc, quả dành dành, mạch nha, vừng, đậu phộng, mứt dừa... tạo nên thứ bánh dẻo thơm có hương vị đặc trưng. Để làm ra chiếc bánh cáy thơm ngon đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ của người thợ làm bánh. Mỡ lợn ướp từ trước đó 15 ngày, chế biến thái thành hạt lựu, xào lên cho đến khi chuyển màu vàng giòn. Gạo nếp chia làm 3 phần: hai phần nấu xôi (một nửa trộn gấc để thành xôi đỏ, một nửa nấu với nước quả dành dành để thành xôi vàng tươi), một phần gạo rang thành nẻ. Khi xôi chín, mang giã nhuyễn sau đó sấy khô. Lạc, vừng rang chín. Cà rốt xào với nước đường, nước gừng và vỏ quýt tươi. Trộn đều tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị với đường mía rồi đun trên chảo mỡ cho đến khi đạt tới mùi thơm quyến rũ, đổ vào khuôn gỗ đã lót vừng rang thơm nhồi nén thành bánh, cắt thành miếng hình khối trụ hoặc chữ nhật với kích cỡ khác nhau. 

Ông Trần Văn Quyết, thợ làm bánh cáy nhiều năm chia sẻ: Một mẻ bánh cáy thành công phải có đủ ngũ sắc (đỏ, xanh, vàng, trắng, đen) và bát vị (đắng, cay, chua, mặn, ngọt, bùi, ngậy, béo). Khi ăn, mọi người phải cảm nhận được vị ngậy ngậy của mỡ lợn, vị thơm của gạo nếp, vị bùi của vừng, lạc hòa quyện cùng vị cay cay của gừng.

Mỗi cơ sở sản xuất đều có một bí quyết riêng để làm ra những phong bánh cáy thơm ngon song với ông Trần Văn Đức, chủ xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo Thiên Đức thì quan trọng nhất là chọn nguyên liệu đầu vào. 

Ông Đức cho biết: Tất cả nguyên liệu đầu vào đều được xưởng chọn lựa kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng; chế biến chuẩn quy trình và luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Xưởng tiên phong đầu tư hàng tỷ đồng mua máy móc công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất bánh cáy và các loại bánh kẹo khác. Năm 2020, bánh cáy Thiên Đức đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Mỗi năm xưởng sản xuất và cung ứng ra thị trường trong nước và các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc gần 300 tấn bánh kẹo các loại, trong đó trên 50% là bánh cáy, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động với thu nhập ổn định. 

Do nhu cầu đa dạng của thị trường, sản phẩm bánh cáy ngày càng phong phú về mẫu mã, cải tiến về hương vị. Ông Hoàng Duy Thắng, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Duy Thắng cho biết: Mọi người giờ ăn ngon hơn, vì vậy công thức của các cụ truyền lại chúng tôi bổ sung thêm dầu chuối vào cho thơm, cắt miếng nhỏ, đóng túi, bánh ngọt vừa chứ không ngọt đậm như ngày xưa, rất dễ ăn. Hộp đựng bánh cáy nhiều kích cỡ, kiểu dáng bắt mắt, đẹp, sang trọng cho mọi người làm quà biếu tết. 

Được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, bánh cáy làng Nguyễn luôn bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Mang tết đến mọi nhà 

Ẩm thực của tết nay đã khác nhiều so với tết xưa, nhiều người lựa chọn bánh kẹo ngoại, bánh kẹo được sản xuất bằng công nghệ hiện đại thay bánh kẹo sản xuất truyền thống. Trước những thay đổi đó, một số làng nghề sản xuất bánh kẹo truyền thống không thể trụ vững giữa xoay chuyển của thị trường. Vậy nhưng, nghề sản xuất bánh kẹo làng Nguyễn có tuổi đời gần 300 năm dù cũng có lúc thăng trầm song vẫn duy trì, phát triển đến tận bây giờ với khoảng 1.500 hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo. Làng nghề tất bật nhất là vào dịp lễ, tết, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.  

Anh Bùi Đức Chính, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Việt Hương cho biết: Cũng có lúc cơ sở gặp khó khăn, nhưng đó là nghề cổ truyền của các cụ để lại con cháu phải duy trì, phát triển, nghĩ vậy nên tôi cùng một số người tâm huyết đã đầu tư máy móc hiện đại, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho bánh cáy làng Nguyễn. Rất mừng đến nay đã có sản phẩm bánh cáy của 3 cơ sở được công nhận OCOP 4 sao, trở thành sản phẩm đặc trưng không chỉ của làng Nguyễn mà của Thái Bình, sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng, được nhiều người Việt lựa chọn và cũng đã được xuất ngoại sang một số nước bạn. 

Vì cuộc sống mưu sinh, người Thái Bình bôn ba khắp các tỉnh, thành cả nước và ở cả nước ngoài, đi đến đâu họ cũng mang theo phong bánh cáy làm quà như một lời giới thiệu về “Quê hương năm tấn”. 

Chị Nguyễn Hải Hà, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Tôi được ăn bánh cáy khi về làm dâu ở Thái Bình. Bánh cáy không phải loại ăn lấy được mà là vừa ăn vừa nhẩn nha, cắn từng chút, từng chút một để thưởng thức hương vị độc lạ của miếng bánh. Bạn bè tôi cũng nhiều người thích ăn bánh cáy làng Nguyễn, vì vậy mỗi lần về Thái Bình tôi lại mua tặng họ. Dịp tết Nguyên đán mọi người nhờ tôi mua hộ để về dâng cúng tổ tiên và mời khách. Giờ bánh cáy được công nhận sản phẩm OCOP, mẫu mã rất đẹp, ăn ngon hơn. 

Với chị Nguyễn Quế Anh - một người con Thái Bình đang làm ăn tại Nhật Bản, năm nay là năm thứ hai không thể về ăn tết với gia đình. Ăn tết nơi xa, niềm vui không trọn vẹn nhưng chị cho rằng mình còn may mắn vì được nhận quà từ quê nhà, trong đó có bánh cáy. 

“Khi còn ở Việt Nam, bánh cáy là món mình hay dâng cúng tổ tiên và mời bạn bè ăn ngày tết. Giờ nhớ quê cũng chỉ nhớ vị bánh cáy truyền thống ngọt, bùi, béo đan xen giòn, dẻo của làng Nguyễn. Tết này gia đình vất vả lắm mới gửi được món quà đậm đà vị quê này sang đây cho tôi. Tôi sẽ mời các bạn ở cùng ăn để thỏa mùi vị của tết quê hương” - chị Quế Anh bộc bạch. 

Một mùa xuân nữa đang về, tiết trời se lạnh quây quần trong không khí sum họp đầm ấm bên gia đình, người thân hay bạn bè, nhâm nhi miếng bánh cáy thơm nồng cùng cốc trà ấm nóng chúng ta như cảm nhận thấy hương thơm của đồng nội, của đất trời đang lan tỏa, hòa quyện như nhắn gửi lời chúc năm mới an lành, ấm áp và thịnh vượng đến tất cả mọi người, mọi nhà. 

Đặc sản tiến vua xưa giờ là lễ vật dâng cúng tổ tiên, quà biếu người thân, bạn bè dịp tết cổ truyền của dân tộc. 

Thu Hiền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày