Thứ 2, 01/07/2024, 17:17[GMT+7]

Bức tranh sáng tối làng nghề xã Mê Linh

Thứ 2, 21/10/2013 | 09:44:43
2,118 lượt xem
Mê Linh (Ðông Hưng) vốn là xã có nhiều nghề truyền thống, tuy nhiên do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế đã tác động không nhỏ đến lĩnh vực này. Nhiều nghề bị mai một như làm mi mắt giả, lưỡi câu... Riêng nghề làm dũa cưa, cạm chuột vẫn được duy trì, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người dân trong xã.

Làm cạm chuột tại gia đình ông Nguyễn Ðức Hội (Mê Linh, Ðông Hưng) đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 120 triệu đồng/năm.

Nghề làm dũa xã Mê Linh có từ những năm 60 của thế kỷ XX. Ông tổ nghề làm dũa là ông Nguyễn Văn Tiến, người có công đưa nghề làm dũa về làng, hướng dẫn con cháu và bà con lối xóm làm dũa. Không những thế ông còn thu gom dũa của bà con, tìm đầu mối trực tiếp bán hàng đi các tỉnh, chủ yếu là bán cho các thương lái các tỉnh giáp biên giới Lào, Campuchia. Nghề làm dũa trước đây, chủ yếu làm thủ công, nhưng nay được thay thế bằng máy móc, làm dũa nhanh hơn và đẹp hơn trước.

 

Quy trình làm dũa khá phức tạp: đưa sắt nguyên liệu vào máy rút thành thanh dài, cắt thành từng đoạn, đưa vào khuôn đánh thành từng phôi, ủ cho mềm, sau đó đưa ra mài phẳng, đưa dũa vào tôi lấy độ già, độ cứng vừa phải, lau khô nước, sơn một lớp sơn chống gỉ, đóng gói  xuất xưởng. Sản phẩm dũa của làng chủ yếu là dũa cưa, không làm dũa công nghiệp. Giá bán một chiếc dũa tại chợ 2.000 đồng, dũa thợ (dũa có chất lượng hơn) giá khoảng 3.000 - 4.000 đồng/chiếc tùy theo kích cỡ. Ngày công làm dũa cao nhất là 150.000 đồng/người/ngày.

 

Theo lời kể của anh Nguyễn Xuân Ðĩnh, con trai của ông tổ nghề mài dũa: Trước đây có đến 70% hộ gia đình làm nghề dũa, một tháng làm được mấy vạn chiếc, làm đến đâu bán hết đến đó. Ngày nay, do gặp phải khó khăn về đầu ra, về vốn đầu tư mua máy móc, nâng cấp nhà xưởng mà một số hộ không trụ lại được với nghề.  

 

Theo chân anh Ðĩnh, chúng tôi đến thăm những hộ gia đình làm dũa, khi được hỏi về khó khăn gặp phải hiện nay, hầu hết đều tâm sự: đang rất thiếu vốn, phải vay ngoài với lãi suất cao, nếu được vay vốn ưu đãi, sẽ đầu tư mua sắm thêm máy móc, cải tạo nhà xưởng để nâng cao chất lượng sản phẩm, sản lượng, vừa giữ lấy nghề, vừa tạo việc làm cho bà con lối xóm. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã cũng đã liên hệ với Sở Công Thương tạo điều kiện giúp đỡ quảng bá thương hiệu làng nghề, đưa sản phẩm của làng nghề Mê Linh tham dự các hội chợ. Cùng với đó, xã cũng đã tạo điều kiện, giúp đỡ cho các hộ về thủ tục hồ sơ vay vốn ưu đãi.

 

Bên cạnh những khó khăn của nghề làm dũa, một điểm sáng tạo ra tia hy vọng mới cho người dân Mê Linh, đó chính là nghề làm cạm chuột. Người có công đầu tiên gây dựng nghề là ông Nguyễn Ðức Hội cho biết: Mới đầu chỉ có 3 hộ làm nghề này, sau đó lan tỏa ra nhiều hộ khác. Nhà ông Hội hiện có 2 cơ sở  tạo công việc ổn định cho 15 người, thu nhập từ nghề làm cạm chuột của gia đình khoảng 120 triệu đồng/năm. Nhờ có nghề mà ông đã xây được nhà, nuôi các con ăn học trưởng thành. Sản phẩm làm ra chủ yếu là cạm chuột, thông dụng, dễ sử dụng.

 

Không chỉ tiêu thụ tốt tại địa phương, mà còn bán đi các tỉnh từ Bắc vào Namon>, xuất đi cả Lào, Campuchia. Công việc làm cạm chuột nhẹ nhàng, đơn giản, già, trẻ, gái, trai đều có thể làm được mà làm ngay tại nhà, tranh thủ thời gian rảnh rỗi kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ở xã Mê Linh không ít gia đình tự nhận đơn đặt hàng về nhà đầu tư công cụ, mua nguyên liệu sắt cuộn, thuê thêm nhân công, đảm nhiệm từ khâu đầu cho đến khâu hoàn thành sản phẩm sau đó xuất bán đi. 

 

Hiện tại, toàn xã có 147 hộ dân làm nghề sản xuất cạm chuột, thu hút 480 lao động.  Ước tính tổng thu nhập từ nghề dũa cưa và cạm chuột của xã Mê Linh 6 tháng đầu năm 2013 đạt 16,931 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Làng nghề ở xã Mê Linh tuy có lúc thăng, lúc trầm nhưng đã góp phần không nhỏ phát triển kinh tế cũng như trong xây dựng nông thôn mới.

Thái Dương

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày