Chủ nhật, 25/05/2025, 19:42[GMT+7]

Thăng trầm nghề thêu Minh Lãng

Thứ 4, 27/11/2013 | 16:12:51
4,889 lượt xem
Nghề thêu truyền thống đã mang lại cho xã gần 100 tỷ đồng mỗi năm, chiếm hơn 60% tổng giá trị sản xuất của Minh Lãng.

 

Minh Lãng (Vũ Thư) nổi tiếng bởi có nghề thêu truyền thống từ hàng trăm năm nay. Nghề thêu của Minh Lãng ra đời giữa những năm đầu của thế kỷ XIX. Trong quá trình tồn tại và phát triển, nghề thêu Minh Lãng  đã trải qua biết bao thăng trầm. Mười năm trở về trước, nghề thêu Minh Lãng rất hưng thịnh. Ngày đó, nhà nào cũng có ít nhất một khung thêu, rất nhiều nhà có từ 2 - 3 khung thêu. Từ nam thanh, nữ tú và cả người già đều biết thêu.

 

Hàng thêu của Minh Lãng nhờ sản phẩm đa dạng về mẫu mã, đẹp nên có mặt cả trong và ngoài nước. Thời điểm đó hàng chục công ty và cơ sở sản xuất, tổ hợp thêu nối tiếp nhau ra đời, tạo việc làm cho trên 4.000 lao động trong xã. Hàng chục nghìn lao động không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà ở cả các tỉnh, thành như: Hải Phòng, Hưng Yên, Namon> Ðịnh... đều được truyền dạy nghề thêu. Nổi bật nhất là doanh nghiệp thêu Mỹ Long với gần 500 thợ thêu, đứng đầu các doanh nghiệp, tổ hợp của làng nghề, kim ngạch xuất khẩu lúc thịnh vượng đạt trên 2 triệu USD/năm. Nghề thêu truyền thống đã mang lại cho xã gần 100 tỷ đồng mỗi năm, chiếm hơn 60% tổng giá trị sản xuất của Minh Lãng. Kinh tế phát triển góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, phát triển đời sống văn hóa, UBND tỉnh đã cấp bằng công nhận xã nghề cho Minh Lãng. Ðảng bộ và nhân dân Minh Lãng đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trong thời kỳ đổi mới.

 

Tổ hợp thêu Ninh – Nhuần  (Minh Lãng – Vũ Thư) tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động trong độ tuổi trung niên.

 

Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, cùng “cơn bão” suy thoái kinh tế nên trong những năm gần đây, làng nghề từng hưng thịnh một thời này đang gặp không ít khó khăn và thách thức. Sản phẩm thêu Minh Lãng mất dần chỗ đứng, không còn nhiều thương lái đến ký hợp đồng mua sản phẩm. Một số doanh nghiệp còn bám trụ được với nghề thêu chỉ ký được những đơn hàng nhỏ lẻ, thu nhập thấp và đầu ra bấp bênh. Còn lại nhiều doanh nghiệp tư nhân chuyển sang nghề may mặc, họ không còn mặn mà với nghề thêu truyền thống.

 

Qua trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Minh Lãng, chúng tôi được biết, hiện nay Minh Lãng chỉ còn lại 19 doanh nghiệp (cao điểm Minh Lãng có 27 doanh nghiệp hoạt động nghề thêu), trong đó 2 doanh nghiệp chuyển sang may mặc, còn lại một số doanh nghiệp đăng ký hoạt động cả thêu và may.

 

Ðặc biệt, hiện nay hàng của Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt với hàng thêu Việt Namon>. Các doanh nghiệp Trung Quốc ký hợp đồng với giá rẻ hơn nhiều so với hàng thêu của Minh Lãng. Thu nhập của tay kim tại Minh Lãng cao nhất hiện đạt trên 2 triệu đồng/người/tháng, trung bình khoảng 1,6 - 1,8 triệu đồng/người/tháng. Ðồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của địa phương có tăng (năm 2010 đạt 69,98 tỷ đồng; năm 2011 đạt 85,7 tỷ đồng; năm 2012 đạt 104,6 tỷ đồng; 10 tháng năm 2013 giá trị sản xuất ước đạt 85,9 tỷ đồng).

 

Nghề thêu truyền thống xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư đã tạo việc làm cho nhiều lao động.

 

Tuy nhiên, đây không phải giá trị nghề thêu truyền thống đem lại mà là giá trị sản xuất của các cơ sở  may mặc và những ngành nghề khác. Những cơ sở may mặc đã thu hút một lượng lớn lao động trẻ, khỏe, đây là tín hiệu vui cho sự phát triển kinh tế của địa phương nhưng cũng là nỗi trăn trở của cấp ủy đảng Minh Lãng về thiếu hụt lực lượng lao động kế cận đối với nghề thêu truyền thống của địa phương. Hiện có trên 1.500 lao động thêu đã chuyển sang làm may cho các công ty, các khu công nghiệp. Xã chỉ còn Doanh nghiệp Thành Namon>, Tiến Ðạt đang làm hàng thêu cao cấp xuất khẩu cho khách hàng truyền thống từ nhiều năm nay.

 

Còn lại các tổ hợp chủ yếu nhận các đơn hàng thêu tranh của các đại lý, cửa hàng trong nước do đó số lượng của những đơn hàng hạn chế, không thường xuyên. Các tổ hợp duy trì được là nhờ lực lượng lao động nữ trong độ tuổi 35 - 55. Chủ tổ hợp Ninh – Nhuần, thôn Súy Hãng chia sẻ: “Những lao động trẻ làm thêu ngày càng ít đi, không còn đội ngũ kế cận, đây là thực trạng chung của làng nghề, như tổ hợp của chúng tôi tạo việc làm cho gần 80 lao động nhưng số lao động trẻ có tay nghề cao chỉ chiếm khoảng 15%. Nguyên nhân do đơn đặt hàng ngày càng giảm, ngày công thấp, mức thu nhập chỉ phù hợp đối với những lao động trung niên không chuyển sang làm may mặc được. Mỗi tháng tổ hợp chỉ nhận được 2 - 4 đơn đặt hàng”.

 

Theo ông Lê Xuân Hồi, Chủ doanh nghiệp thêu xuất khẩu Thành Namon>: Ðể bảo đảm mức thu nhập cho người lao động, các doanh nghiệp thêu đã phải giảm bớt các khâu trung gian, ký hợp đồng trực tiếp với từng tổ, giảm bớt mọi chi phí, phân chia lại lợi nhuận. Những năm trước đây, thu nhập thợ thêu khoảng 1,5 triệu đồng/tháng họ có thể chấp nhận nhưng nay 2 triệu đồng/tháng chi tiêu vẫn eo hẹp, khó khăn, nhiều lao động có tay nghề cao đã chuyển sang làm may mặc thu nhập cao hơn. Hàng thêu kinh doanh theo mùa vụ, thường tập trung vào tháng 2, khách về đặt hàng, tổ chức làm thử hàng mẫu, tháng 3 doanh nghiệp đi vào sản xuất đại trà. Những thời điểm như thế, thợ đã nghỉ tìm việc khác, doanh nghiệp lo không bảo đảm tiến độ giao hàng nên thường hạn chế số lượng đơn đặt hàng.

 

Anh Lê Xuân Hồi cho biết thêm, hiện nay thị trường các nước Tây Âu vẫn sử dụng các mặt hàng thêu cao cấp như khăn trải bàn, ga trải giường trong các khách sạn, nhà hàng, nhưng các doanh nghiệp làng nghề khó tiếp cận. Một trong những khó khăn nữa hiện nay của các doanh nghiệp tư nhân bao tiêu sản phẩm làng nghề đó là 100% các đơn hàng xuất theo đường tiểu ngạch nên độ rủi ro rất cao. Mong rằng cơ quan chức năng từ tỉnh, huyện tăng cường xúc tiến thương mại, liên kết với các công ty có uy tín để các doanh nghiệp làng nghề thêu giới thiệu sản phẩm, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, giúp nghề thêu có điều kiện phát triển trở lại.

 

Mạnh Thắng – Thành Tâm

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày