Thứ 6, 26/07/2024, 16:28[GMT+7]

Quang Lịch Đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề

Thứ 3, 03/12/2013 | 08:19:11
1,578 lượt xem
Trong những năm qua, phát triển nghề và làng nghề luôn được xã Quang Lịch (Kiến Xương) xác định là giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động của địa phương.

Hoàn thiện sản phẩm đệm ghế cói xuất khẩu.

Đặc biệt là năm 2009, thôn Luật Ngoại 2 được công nhận làng nghề chuyên sản xuất đệm ghế cói xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động trong và ngoài xã lúc nông nhàn. Giá trị sản xuất từ nghề và làng nghề năm 2012 của xã đạt 25 tỷ đồng.

Anh Phạm Văn Tú, cán bộ khuyến công xã Quang Lịch cho biết: Hiện nay xã có 1.800 hộ với 5.300 nhân khẩu, trong đó tổng số hộ tham gia làm nghề khoảng 500 hộ. Vốn là một trong những xã có nghề thủ công rất sớm, những năm 90 trở về trước chiếu cói Quang Lịch đã nổi danh một vùng với thương hiệu chiếu Thanh Quang, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước Đông Âu.

Tuy nhiên, những năm gần đây khi khoa học kỹ thuật phát triển, nghề làm chiếu cói thủ công dần mai một, chiếu cói Thanh Quang cũng dần mất đi thị trường xuất khẩu truyền thống, cho tới nay chỉ có một vài hộ sản xuất với số lượng ít, cầm chừng, còn lại người dân chủ yếu chuyển sang làm nghề đan đệm ghế cói xuất khẩu. Hàng năm, UBND xã thường xuyên phối hợp với các trung tâm của huyện mở các lớp dạy nghề cho người dân, nhằm nâng cao tay nghề và thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, UBND xã còn tạo điều kiện để chủ các cơ sở có thể tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để đầu tư mua máy móc và mở rộng quy mô sản xuất.

Chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất ghế cói xuất khẩu của gia đình anh Nguyễn Tiến Duật, một trong những cơ sở tạo việc làm cho nhiều lao động nhất trong xã tại thôn Luật Ngoại 2 khi anh đang cùng với 30 nhân công của xưởng tất bật hoàn thiện những khâu cuối cùng của sản phẩm để kịp thời gian giao hàng, anh vui vẻ cho biết, nghề làm chiếu cói đã có ở gia đình anh rất lâu, đến anh đã là đời thứ 3.

Khi anh quyết định theo nghề cũng là lúc nghề làm chiếu cói rơi vào tình trạng khó khăn nhất, nhiều gia đình không xuất được sản phẩm đành phải bỏ nghề, bươn trải đi làm thuê ở nhiều nơi kiếm sống. Không đành lòng nhìn nghề truyền thống bị mai một, anh đi tham quan học hỏi các làng nghề ở nhiều địa phương khác nhau. Nhận thấy thị trường làm ghế cói xuất khẩu rộng mở, anh quyết định đầu tư máy móc, sửa chữa nhà xưởng, đưa một số người dân trong xã đi học nghề và làm việc tại xưởng.

Trải qua bao khó khăn vất vả ban đầu, đến nay anh đã là chủ của 1 xưởng sản xuất rộng hàng trăm m2, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động tại xưởng và hơn 1.000 lao động vệ tinh trong xã và các xã lân cận. Ngoài ra, anh còn là đầu mối thu mua và cung cấp nguyên vật liệu cho các gia đình khác trong xã. Mỗi năm, cơ sở sản xuất của gia đình anh xuất đi khoảng 500.000 sản phẩm với doanh thu gần 10 tỷ đồng.

Không chỉ riêng cơ sở sản xuất đệm ghế cói xuất khẩu của anh Duật mà hiện nay trong xã còn xuất hiện thêm nhiều cơ sở sản xuất khác, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động với mức thu nhập dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng như cơ sở sản xuất tăm hương xuất khẩu của gia đình bà Trần Thị Hoan, thôn Luật Nội Đông; cơ sở sản xuất bánh đa nem của gia đình ông Phạm Văn Bài, thôn Luật Nội Đông; cơ sở sản xuất mộc dân dụng của gia đình anh Chu Công Trung, thôn Luật Trung…

Chị Trần Thị Hoan, chủ cơ sở sản xuất tăm hương xuất khẩu thôn Luật Nội Đông cho biết, từ thực tế lao động dư thừa sau mùa vụ của địa phương rất lớn, năm 2010, gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc đưa nghề làm tăm hương xuất khẩu về địa phương tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, chủ yếu là phụ nữ với mức thu nhập từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Thắm, thôn Luật Nội Đông đã gắn bó với xưởng sản xuất tăm hương xuất khẩu của gia đình chị Hoan tròn 5 năm vui vẻ tâm sự: Trước kia, chị cũng như bao gia đình khác ngoài làm nông nghiệp còn có nghề dệt chiếu cói truyền thống, tuy nhiên những năm gần đây khi sản phẩm chiếu cói mất dần chỗ đứng trên thị trường, gia đình chị cũng đành phải ngừng sản xuất.

Cũng từ đó cuộc sống của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, sinh hoạt của gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, thu nhập bấp bênh. Khi cơ sở sản xuất của gia đình chị Hoan đi vào hoạt động, tranh thủ thời gian lúc nông nhàn sau mùa vụ chị lại đến làm việc tại xưởng. Với tay nghề như hiện nay, chị thu nhập ổn định khoảng 2 triệu đồng/tháng, khoản tiền không phải là cao nhưng cũng giúp chị có thêm chi tiêu hàng ngày, có điều kiện nuôi con cái học hành, bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống...

Qua trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thế Chuyền, Chủ tịch UBND xã Quang Lịch cho biết, phát triển nghề và làng nghề đang là mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất, tổ chức đưa thêm nhiều nghề mới về nông thôn nhằm đa dạng hóa ngành nghề, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, xã sẽ tiếp tục phối hợp mở các lớp dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng tay nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn lúc nông nhàn. Qua đó giúp xóa đói, giảm nghèo tăng thu nhập cho người lao động nông thôn.

Phạm Hưng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày