Thứ 5, 25/07/2024, 00:19[GMT+7]

Phát triển nghề và làng nghề ở Đông Hưng

Thứ 6, 07/03/2014 | 09:27:49
5,369 lượt xem
Mặc dù gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nhưng từ năm 2010 đến nay huyện Đông Hưng đã phát triển thêm 5 làng nghề mới, nâng tổng số lên 27 làng nghề, tăng 21 làng nghề so với năm 2001. Trong đó có 10 làng nghề phát triển tốt, 11 làng nghề phát triển ổn định và 6 làng nghề suy giảm. Hàng năm, giá trị sản xuất ở khu vực nghề và làng nghề thường chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất CN - TTCN của huyện.

Sản phẩm dũa truyền thống của cơ sở sản xuất Nguyễn Văn Đoan xã Mê Linh.

Kết quả đó đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế ở địa phương, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn có thu nhập trong lúc nông nhàn. Từ phát triển nghề, đời sống của người dân ngày càng cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Nhiều làng nghề phát triển mạnh, thu hút hàng nghìn lao động với mức thu nhập bình quân đạt 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng, giá trị sản xuất của làng nghề đạt hàng chục tỷ đồng/năm như làng nghề chế biến lương thực - thực phẩm xã Nguyên Xá, xã nghề Đông La.

Để các làng nghề phát triển nhanh, bền vững, những năm qua Đông Hưng đã có nhiều cơ chế chính sách thông thoáng thuận lợi, đặc biệt là về mặt bằng, vốn cho các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề. Hàng năm huyện đều tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp tiêu biểu để nghe những đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, nguồn vốn, thủ tục hành chính. Do đó tới nay toàn huyện đã có tới 225 cơ sở sản xuất và doanh nghiệp hoạt động trong làng nghề. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để cung ứng nguồn nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trong làng nghề.

Tuy nhiên, thời gian qua một số làng nghề của huyện đã suy giảm, không trụ vững trước những khó khăn tác động từ nhiều phía. Điển hình là 3 làng nghề đan rổ rá ở xã Hồng Châu, 2 làng nghề mây tre đan và thêu ren ở xã Đông Lĩnh, nghề dệt chiếu xã Đông Vinh. Những làng nghề này đều có số lao động thụt giảm mạnh, chỉ còn số ít người dân duy trì nghề. Nguyên nhân chính là do nhiều mặt hàng không còn phù hợp với thị trường, không tìm được đầu ra cho sản phẩm, hầu hết lao động trong làng nghề đều chuyển sang làm các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn. Do đó tỷ lệ lao động ở một số làng nghề giảm tới trên 50%.

Hồng Châu là xã có số làng nghề suy giảm nhiều nhất huyện Đông Hưng. Trước đây có khoảng 500 - 600 lao động tham gia làm nghề đan rổ rá với thu nhập bình quân từ 800 - 900 nghìn đồng/người/tháng. Từ năm 2007, Công ty may Vijone xuất hiện trên địa bàn, trả công người lao động bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng đã thu hút được hàng nghìn lao động nông thôn tham gia, trong đó có trên 400 lao động là con em của xã. Chỉ đơn giản làm những việc như nhặt chỉ, nhiều lao động ngoài 40 tuổi vẫn có thể làm được với mức thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều lao động dệt chiếu ở Ðông Vinh đã chuyển vào làm trong các cơ sở may gia công có thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, ở Hồng Châu còn phát triển mạnh nghề buôn ếch, lươn, rắn để bán cho các tỉnh lân cận với trên 100 hộ tham gia, thu nhập bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/hộ/tháng. Trong xã còn có hàng trăm lao động tham gia làm các nghề thợ xây, hàn xì, mộc cho thu nhập ổn định. Đặc biệt, hầu hết các gia đình hiện nay đều chuyển sang dùng rổ, rá inox hoặc nhựa thay thế đồ bằng tre như trước kia nên nghề này đã bế tắc về thị trường đầu ra cho sản phẩm. Do vậy sự suy giảm ở 3 làng nghề xã Hồng Châu cũng là phù hợp với sự phát triển tất yếu của xã hội ngày nay.

Trước đây có những thời kỳ xã Đông Lĩnh đã vươn lên đỉnh cao về phát triển nghề mây tre đan và đã xuất hiện tới 3 cơ sở, thu hút khoảng 500 lao động tham gia làm nghề với thu nhập bình quân đạt 800 nghìn đồng/người/tháng. Đến cuối năm 2011, đầu năm 2012 do gặp khó khăn về khâu tiêu thụ sản phẩm nên nghề này đã chững lại. Hơn nữa, cùng thời điểm đó, các xã xung quanh lại xuất hiện nhiều cơ sở may gia công, sản xuất gạch tuynel với mức thu nhập đạt bình quân 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng đã thu hút khá đông lực lượng lao động trẻ tham gia nên tỷ lệ lao động làm nghề mây tre đan ở xã đã giảm tới trên 40%.

Ở một số địa phương, mặc dù không nằm trong danh sách làng nghề suy giảm nhưng tỷ lệ lao động cũng giảm nhiều so với trước đây. Điển hình như nghề làm dũa cưa xã Mê Linh. Trước đây, tất cả các công đoạn đều làm thủ công, thu hút khoảng 70% số hộ tham gia làm nghề, trung bình xuất ra thị trường hàng vạn cái/tháng. Tới nay, do các hộ đều đầu tư máy móc, công suất tăng gấp nhiều lần so với trước nhưng thị trường tiêu thụ lại chậm nên chỉ còn trên 10 cơ sở duy trì làm nghề. Vì vậy số lượng dũa cưa cũng giảm tới gần 8.000 sản phẩm/ngày so với trước. Tuy nhiên, thu nhập của người dân trong làng nghề vẫn ổn định nhờ làm các sản phẩm khác như bẫy chuột, may gia công. Làng nghề dệt bao đay ở xã Đông Quang cũng tương tự. Từ khi các hộ đầu tư máy móc đi vào hoạt động thay thế sức lao động của con người và có gần 40% lực lượng lao động của xã vào làm trong Khu công nghiệp Gia Lễ thì lượng lao động tham gia dệt bao đay cũng giảm tới 40%.

Như vậy một số làng nghề truyền thống ở Đông Hưng mặc dù đã suy giảm nhưng thu nhập của người dân lại tăng cao. Để giữ vững và phát huy nghề truyền thống, Đông Hưng tiếp tục tuyên truyền, tạo điều kiện cho các cơ sở trong làng nghề duy trì phát triển. Tăng cường tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm. Bố trí hợp lý các nguồn vốn khuyến công để đào tạo lao động, đầu tư máy móc cho các hộ sản xuất trong làng nghề.   

 Thu Thủy 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày