Thứ 3, 13/08/2024, 00:23[GMT+7]

Quanh năm tất bật với nghề truyền thống

Thứ 2, 15/09/2014 | 08:54:38
1,496 lượt xem
Là xã nội đồng nhưng nhiều năm nay Tân Hòa (Hưng Hà) đã vươn lên phát triển kinh tế từ nghề truyền thống. Theo ông Nguyễn Hữu Tuyến, Chủ tịch UBND xã, nhờ phát triển nghề mà kinh tế Tân Hòa đã có bước chuyển dịch tích cực, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Ðặc biệt, nghề làm bánh đa và nghề mộc phát triển mạnh ở làng Me và làng Riệc.

Nghề làm bánh đa ở làng Me (xã Tân Hòa, Hưng Hà). Ảnh: Thành Tâm

 

Hai làng này có dân số đông, chiếm tới 3/4 dân số toàn xã đã kéo theo sự phát triển chung của cả xã. Từ thời còn làm thủ công cách đây hàng chục năm, người dân ở trong và ngoài tỉnh đã biết tới bánh đa làng Me. Ngày đó nhà nào cũng có một cối xay tay, người dân giã gạo và tráng bánh bằng bếp than, bình quân mỗi nhà xuất ra thị trường khoảng 60 - 70kg bánh đa/ngày. Tới khi có điện lưới, người dân đã cải tiến công nghệ để thay thế một phần sức lao động của con người bằng việc lắp mô tơ để xay bột. Khoảng 10 năm trở về đây, mọi công đoạn đã hoàn toàn được dùng bằng máy do đó số lượng và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên. Ðến nay toàn thôn đã có 24 máy tráng bánh, bình quân mỗi máy sản xuất 700kg bánh đa/ngày, tăng gấp 10 lần so với trước.

 

Hiện tại toàn thôn có 354 hộ, trong đó có 149 hộ tham gia làm bánh đa, tạo việc làm cho hơn 500 lao động với thu nhập bình quân đạt khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm bình quân các hộ trong làng tiêu thụ khoảng 40.135 tấn gạo, sản xuất ra gần 40.000 tấn bánh đa với giá bán dao động từ 16.000 - 17.000 đồng/kg, có thời điểm bán với giá 19.000 - 20.000 đồng/kg. Hàng ngày các hộ đều tận dụng tất cả các khu vực có ánh nắng để phơi sản phẩm, bình quân mỗi hộ có từ 300 - 400 phên phơi bánh đa. Ðặc biệt, trong 3 tháng cuối năm sản phẩm trên thị trường tiêu thụ mạnh, các hộ phải tăng công suất từ 15 - 20%. Năm 2013, giá trị sản xuất từ nghề của làng Me đạt 42,517 tỷ đồng, tăng hơn 3 tỷ đồng so với năm 2012, chiếm 88% tổng giá trị sản xuất của làng. 8 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất của làng nghề tiếp tục tăng cao, đạt khoảng 30 tỷ đồng.

 

Do là mặt hàng truyền thống có uy tín trên thị trường nên bánh đa làng Me làm tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Ða số các hộ dân đều cho rằng, nếu có sức thì sẽ còn làm được nhiều hơn số lượng hiện tại. Ông Nguyễn Duy Ao là một trong những hộ sản xuất bánh đa có tiếng của làng cho biết: Ngày nào cũng như ngày nào chúng tôi đều dậy từ 2 giờ sáng và làm tới tầm 10 giờ trưa mới được nghỉ, buổi chiều lại tiếp tục các công đoạn chuẩn bị cho ngày hôm sau. Bình quân mỗi ngày gia đình tiêu thụ 2 tạ gạo, sản xuất ra 1,8 tạ bánh, phơi 400 phên hàng. Ngoài ra còn cho thuê máy tráng bánh bình quân khoảng 1,5 tạ bánh/ngày với giá 120.000 đồng/tạ. Với tốc độ làm như vậy, bình quân mỗi tháng gia đình ông Ao thu lãi từ 6 - 8 triệu đồng. Ðể có số lượng sản phẩm như trên, 10 năm về trước ông Ao đã đầu tư 15 triệu đồng mua máy tráng bánh và các loại máy cắt bánh để phục vụ nhu cầu khách hàng.

 

Cũng duy trì nghề làm bánh đa hàng chục năm nay, ông Vũ Văn Màu cho biết: Không chỉ tráng 2 tạ bánh/ngày, tôi còn cho 2 hộ cùng thôn thuê máy tráng bánh với tổng công suất khoảng 7 tạ bánh/ngày, thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Ðể làm ra sản phẩm bánh đa ngon, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, chúng tôi không chỉ đầu tư máy móc, lựa chọn gạo ngon, xay bột nhuyễn, mịn, bóng mà người tráng bánh cần phải có kinh nghiệm và bí quyết riêng của mình. Theo ông Màu, làm bánh đa là nghề vất vả, người làm nghề bận rộn cả ngày lẫn đêm. Ðặc biệt đây là nghề phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, nếu không cẩn thận sản phẩm sẽ bị hỏng phải bỏ đi do không chạy kịp khi trời đổ mưa bất thường.

 

Ðể phục vụ cho nghề làm bánh đa, ở Tân Hòa còn có 6 hộ làm nghề xay xát thóc gạo, cung cấp cho các hộ bình quân khoảng 3.500 tấn gạo/năm. Ngoài ra, Tân Hòa còn phát triển mạnh nghề mộc ở làng Riệc. Trước đây làng Riệc đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề với khoảng 80% số lao động trong thôn tham gia làm nghề, giá trị sản xuất đạt khoảng 30 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây nghề này đã bị suy giảm, không được công nhận là làng nghề do hầu hết lao động của làng đã đi làm ở các tỉnh ngoài. Tuy vậy, thu nhập của người dân vẫn không ngừng tăng cao, bình quân từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng do các lao động ở tỉnh ngoài đem lại.

 

Nhờ có nghề mộc và nghề làm bánh đa nên tỷ trọng ngành công nghiệp của Tân Hòa hàng năm đều chiếm 50% cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,7%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,9%. Trong thời gian tới, để giữ vững tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế, Tân Hòa sẽ tiếp tục hỗ trợ về mặt bằng, nguồn vốn, đầu tư hệ thống xử lý nước thải bảo đảm môi trường, tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ sản xuất, kinh doanh.

 Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày