Thứ 2, 01/07/2024, 03:26[GMT+7]

Phường Trần Lãm Phát triển nghề truyền thống

Thứ 5, 23/10/2014 | 08:58:29
1,251 lượt xem
Những năm gần đây, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) có tốc độ đô thị hóa cao, các hoạt động thương mại và dịch vụ phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, trên địa bàn phường có 85 doanh nghiệp lớn nhỏ cùng 2 chợ là chợ Ðậu và chợ Lạc Ðạo. Ngoài phát triển thương mại, dịch vụ, cấp ủy, chính quyền phường Trần Lãm còn chú trọng phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có nghề truyền thống mây tre đan.

Xưởng sản xuất mây tre đan của Công ty Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Hữu Nghị.

 

Ông Bùi Ðình Ứng, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Nghề mây tre đan được duy trì và phát triển từ lâu tại địa phương, hiện trên địa bàn  phường có một số công ty và gần 10 cơ sở sản xuất mây tre đan hoạt động, thu hút gần 400 lao động trực tiếp của địa phương và hàng nghìn lao động vệ tinh. Hiện nay, nghề mây tre đan sản xuất chủ yếu ở tổ 19, tổ 2 và tổ 6 của phường. Nghề mây tre đan đang tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân địa phương.

 

Công ty Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Hữu Nghị là một trong những doanh nghiệp sản xuất mây tre đan của phường Trần Lãm. Hiện nay, Công ty có gần 20 lao động  trực tiếp và hàng trăm lao động vệ tinh, thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của Công ty được làm từ các nguyên liệu như mây, tre, đay, tạo ra các đồ dùng trang trí trong gia đình và ngoài trời. Mỗi năm Công ty sản xuất hàng vạn sản phẩm mây tre đan xuất khẩu sang thị trường châu Âu như: Ðức, Ý, Anh, Canadaon>. Những năm qua, Công ty không ngừng sáng tạo ra những mẫu sản phẩm mới, có giá thành rẻ và phù hợp với thị trường tiêu thụ, tìm kiếm các thị trường mới và ổn định nguồn nguyên liệu cho sản phẩm. Hiện Công ty đang sản xuất ổn định với quy mô lớn, tiếp tục nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm, tìm kiếm các thị trường mới cho sản phẩm mây tre đan.

 

Trên địa bàn phường Trần Lãm hiện nay còn tập trung nhiều hộ gia đình sản xuất mây tre đan truyền thống. Ðiển hình như gia đình ông Phạm Như Bản, 65 tuổi, ở tổ 19 có hơn 40 năm làm nghề. Ông Bản cho biết: Nghề mây tre đan ở phường Trần Lãm phát triển mạnh vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường các nước Ðông Âu. Sau khi thị trường truyền thống này không còn nhu cầu sản phẩm mây tre đan như trước, nghề truyền thống của địa phương có phần suy giảm, tới đầu những năm 90 mới khôi phục và phát triển tới ngày nay. Hiện nay, cơ sở sản xuất mây tre đan của gia đình ông Bản có 10 lao động trực tiếp và gần 100 lao động vệ tinh, thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm trừ hết chi phí gia đình ông Bản thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.

 

Năm 2013, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và xây dựng của phường Trần Lãm đạt hơn 300 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ nghề mây tre đan. Cấp ủy, chính quyền phường tiếp tục khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của làng nghề truyền thống và các doanh nghiệp để phát triển tiểu thủ công nghiệp. Có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm, phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hộ gia đình có nhu cầu vay vốn.

 

Những chủ trương, giải pháp thiết thực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thời gian tới sẽ là đòn bẩy quan trọng để nghề truyền thống ở phường Trần Lãm tiếp tục phát triển, góp phần tăng nguồn thu cho địa phương và nâng cao thu nhập cho người lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội của phường ngày càng phát triển.

Trần Tuấn

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày