Thứ 6, 02/08/2024, 15:17[GMT+7]

Ðưa nghề gia công lưỡi câu về làng

Thứ 5, 30/10/2014 | 08:38:04
7,215 lượt xem
Thấy nghề sản xuất gia công lưỡi câu nhẹ nhàng, không đòi hỏi tay nghề cao, thu nhập cũng khá nên bác Nguyễn Thị Hoàn (xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Phụ) đã nhận nguyên liệu và mở cơ sở sản xuất mặt hàng này tại địa phương.

Chị Nguyễn Thị Đượm (thôn Cẩn Du, xã Quỳnh Sơn, Quỳnh Phụ) với nghề quấn lưỡi câu.

Những ngày này, hàng trăm gia đình ở xã Quỳnh Sơn sau khi thu hoạch vụ lúa mùa xong lại quây quần bên chiếc bàn, cặm cụi quấn dây và móc vào lưỡi câu. Chị Nguyễn Thị Đượm, thôn Cẩn Du cho biết: Gia đình tôi nhận gia công cho cơ sở của bác Nguyễn Thị Hoàn; nghề gia công lưỡi câu được bác Hoàn đưa về làng gần 20 năm nay, bây giờ cả làng đều tham gia làm nghề này; nghề này giúp gia đình tôi có thêm thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng. Theo chỉ dẫn của chị Đượm, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất gia công lưỡi câu của bác Nguyễn Thị  Hoàn. Đây là cơ sở sản xuất, cung cấp nguyên liệu và thu nhận sản phẩm lưỡi câu của người dân. Bác Hoàn cho biết: Những năm 1997, khi nhận thấy những nghề truyền thống trước đây của địa phương không mang lại thu nhập ổn định cho người dân, tôi đã nung nấu ý định phải tìm nghề mới phù hợp và mang lại thu nhập cao hơn cho người dân.

Qua tìm hiểu ở một số địa phương, tôi đã tìm đến Công ty Xuất nhập khẩu Minh Khai (thành phố Thái Bình) để xin được học nghề. Khi ấy, Công ty chuyên sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp để xuất khẩu, thấy nghề gia công lưỡi câu phù hợp mà thu nhập cũng khá cho người làm nghề nên tôi đã học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, nhận nguyên liệu và mở cơ sở sản xuất, dạy nghề cho người dân địa phương. Hiện nay, người dân địa phương chủ yếu sản xuất hai loại móc câu chính: loại quấn sợi cáp sắt vào lưỡi câu bằng mô tơ và loại quấn sợi cước bằng tay. Nguyên liệu được cơ sở nhận trực tiếp từ Công ty Xuất nhập khẩu Minh Khai. Trung bình một tháng cơ sở sản xuất gia công lưỡi câu của bác Hoàn làm được 3 triệu chiếc, tương ứng với 3 tấn hàng móc câu của các hộ sản xuất mặt hàng này. Móc câu sau đó được đóng thùng và được Công ty Xuất nhập khẩu Minh Khai xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Trong những năm qua, với nỗ lực và kinh nghiệm của một người đã có nhiều năm sản xuất nghề truyền thống ở địa phương, bác Hoàn đã vận động, khuyến khích cũng như hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nghề gia công lưỡi câu cho hàng trăm hộ gia đình ở địa phương. Ông Bùi Sỹ Xuyền, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Sơn cho biết: Hiện nay, nghề sản xuất gia công lưỡi câu tập trung ở thôn Cẩn Du với hơn 150 hộ với hơn 400 lao động tham gia sản xuất. Ngoài ra còn thu hút được hàng trăm lao động ở các thôn khác trong xã với thu nhập bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2005, làng nghề gia công lưỡi câu ở thôn Cẩn Du được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Đây là vinh dự lớn cho người dân xã Quỳnh Sơn nói chung, thôn Cẩn Du và cơ sở sản xuất gia công lưỡi câu của bác Hoàn nói riêng. Ghi nhận đóng góp của bác Hoàn trong việc du nhập, phát triển nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, những năm qua bác Hoàn được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Hiện nay, ngoài nghề gia công lưỡi câu, trên địa bàn xã Quỳnh Sơn còn phát triển thêm một số nghề thủ công khác như: làm lông mi giả, làm giấy tiền xuất khẩu, may công nghiệp… Năm 2013, tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của địa phương ước đạt hơn 32 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ nghề gia công lưỡi câu. Nhờ sự phát triển nghề và làng nghề trong đó có nghề gia công lưỡi câu mà những năm gần đây, diện mạo nông thôn xã Quỳnh Sơn không ngừng đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 4%, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, góp phần đưa Quỳnh Sơn vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới.

  Trần Tuấn

  • Từ khóa

Mai phuong loan - 4 năm trước

Toi muốn liên lạc với cong ty minh khai

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày