Chủ nhật, 18/05/2025, 16:51[GMT+7]

Sôi động nghề ở Thụy Dương

Thứ 6, 14/11/2014 | 07:59:44
1,343 lượt xem
Những năm qua, xã Thụy Dương đã tập trung giữ vững và phát triển nghề truyền thống, đồng thời du nhập nghề mới, trở thành xã phát triển nghề trong tốp đầu của huyện Thái Thụy. Đến nay, Thụy Dương không chỉ nổi tiếng với nghề làm hương truyền thống mà còn phát triển đa dạng ngành nghề, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.

Hộ chị Nguyễn Thị Doanh thôn Lai Triều sản xuất 2 vạn hương/ngày.

Ông Phạm Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thụy Dương vốn là xã có thế mạnh về nuôi cá nước ngọt và nghề làm hương ở thôn Lai Triều đem lại thu nhập chính cho người dân. Tuy nhiên, sau những biến động của thị trường, nghề nuôi cá đến nay đã sụt giảm hẳn. Riêng nghề làm hương được duy trì và phát triển mạnh đến ngày nay. Hàng năm, Thụy Dương duy trì tổ chức lễ hội làng nghề truyền thống, động viên, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình tích cực du nhập nghề mới, tạo việc làm cho người dân trong lúc nông nhàn. Đến nay, trên địa bàn xã có 2 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó Công ty May Vinap Shin Hwa thu hút hơn 100 lao động vào làm với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng, Công ty TNHH Hạc Dương chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tạo việc làm cho trên 30 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Thụy Dương còn có 10 cơ sở may, 10 cơ sở đồ gỗ, bình quân mỗi cơ sở tạo việc làm từ 20 - 40 lao động với thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Từ phát triển nghề và làng nghề đã góp phần đưa cơ cấu kinh tế của xã ngày càng chuyển biến theo hướng tích cực. Đến nay, tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 37%, tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 5 - 7%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,86%.

Tới thăm các hộ làm hương thôn Lai Triều, chúng tôi được biết nghề làm hương có cách đây trên 400 năm. Hiện toàn thôn có 170 hộ, trong đó nghề làm hương thu hút 120 hộ sản xuất theo thời vụ, khoảng 10 hộ duy trì sản xuất thường xuyên, xuất bán khoảng 600 vạn hương/tháng, thu nhập bình quân đạt từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Theo đánh giá của các hộ, nghề làm hương bận rộn quanh năm nhưng bận nhất là vào khoảng tháng 9 âm lịch tới tháng 3 năm sau. Hiện tại bắt đầu tới thời điểm các hộ tập trung sản xuất hương phục vụ nhu cầu của người dân những tháng cuối năm. Để giữ được thương hiệu cho sản phẩm của làng nghề, mỗi hộ đều có bí quyết riêng. Hương Lai Triều vừa thơm vừa không có hóa chất nên sức tiêu thụ mạnh. Hai loại hương nén và hương sào có giá từ 10.000 đồng/nắm đến hơn 100.000 đồng/nắm.

Cơ sở may Tuấn Nhàn, thôn Đông tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Chị Nguyễn Thị Doanh, người làm hương ở thôn Lai Triều đã hơn 20 năm nay cho biết: Nhờ phát triển nghề truyền thống nên tới nay không chỉ riêng nhà tôi mà bà con trong thôn đã có cuộc sống khấm khá, no đủ. Hiện nay, bình quân mỗi ngày chị Doanh sản xuất ra 2 vạn hương, thu nhập đạt trên 10 triệu đồng/tháng. 40% lượng sản phẩm được sản xuất theo hợp đồng của khách hàng. Ông Đoàn Văn Thạo, một trong những người làm hương nổi tiếng ở thôn Lai Triều khẳng định: Cứ tới dịp gần tết Nguyên đán là công suất sản xuất và số lượng người lao động phải tăng gấp ba lần so với những tháng giữa năm thì mới đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Hiện nay, nhà ông Thạo sản xuất 3 vạn hương/ngày xuất đi các tỉnh lân cận và cho 6 đại lý, 3 chợ trong tỉnh. Để có được công suất như hiện nay, từ những năm 2000 ông đã đầu tư hàng chục triệu đồng để đưa các loại máy vào sản xuất như máy xay, máy nghiền. Tuy nhiên, riêng công đoạn se hương thì người Lai Triều vẫn làm thủ công để giữ được hương thơm vốn được coi là nét đặc trưng của làng nghề.

Tới thôn Đông, chúng tôi được chứng kiến sự phát triển nghề ở đây cũng nhộn nhịp không kém. Trong không gian 100m2 nhà xưởng của Cơ sở may Tuấn Nhàn, 20 lao động trong và ngoài thôn đang bận rộn hoàn thiện sản phẩm áo khoác cho kịp đơn đặt hàng. Anh Đoàn Thanh Tuấn, chủ cơ sở cho biết: Làm nghề đã 6 năm, tôi thấy đây là nghề rất phù hợp với chị em vùng nông thôn. Các chị vừa duy trì cấy lúa, trồng cây vụ đông lại vẫn làm được nghề phụ với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Cũng nhờ tính cần cù, chịu khó của người lao động, bình quân mỗi tháng cơ sở đã sản xuất được 3.000 sản phẩm, đem lại lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng/tháng.

 Để tiếp tục duy trì nghề truyền thống và du nhập nghề mới, thời gian tới Thụy Dương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, tầm quan trọng của việc phát triển nghề. Tích cực tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm, nhất là việc trưng bày, bán hàng trong các hội chợ ở trong và ngoài tỉnh. Xã cũng sẽ quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả.

                                                                Quốc Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày