Thứ 5, 25/07/2024, 00:28[GMT+7]

Nghề và làng nghề ở An Hiệp

Chủ nhật, 30/11/2014 | 09:25:46
3,453 lượt xem
An Hiệp là 1 trong 3 xã nghề của huyện Quỳnh Phụ, nhiều năm qua luôn duy trì và phát triển ổn định nghề truyền thống. Bên cạnh nghề dệt chiếu cói và làm nón lá thì những năm gần đây địa phương còn du nhập và phát triển thêm nghề may xuất khẩu. Nhờ việc mở rộng và phát triển đa dạng ngành nghề nên giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của xã luôn tăng trưởng mạnh qua từng năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tích cực.

Nghề làm nón lá ở xã An Hiệp, thu hút hơn 1.200 lao động tham gia trong lúc nông nhàn.

 

Hiện nay, An Hiệp có 4.800 nhân khẩu với gần 3.000 lao động,  trong đó có 80% số lao động làm nghề truyền thống. Nhận thức được vai trò của nghề truyền thống trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên những năm qua xã luôn chú trọng đẩy mạnh hoạt động sản xuất hai nghề truyền thống làm nón lá và dệt chiếu cói. Nghề làm nón lá ở An Hiệp có từ rất lâu đời và hiện được tập trung sản xuất ở 5 thôn (từ Nguyên Xá 1 đến Nguyên Xá 5). Những năm gần đây, nghề làm nón lá luôn được duy trì và phát triển, hiện thu hút hơn 1.200 lao động địa phương tham gia trong lúc nông nhàn với mức thu nhập bình quân từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm nón lá An Hiệp có đặc điểm bền và đẹp, giá thành hợp lý từ 50.000 - 70.000 đồng/chiếc nên phù hợp với thị trường tiêu thụ ở nông thôn và được nhiều người sử dụng. Trung bình một tháng, người dân của 5 thôn làm ra gần 10 vạn chiếc nón lá, được tiêu thụ tại các thị trường trong và ngoài tỉnh. Là người có nhiều năm làm nghề nón lá, bà Ðặng Thị Hà, thôn Nguyên Xá 2 cho biết: Hiện nay, gần như 100% chị em trong thôn làm nghề này. Ngoài thời gian mùa vụ thì người dân địa phương lại tập trung làm nón lá để nâng cao thu nhập. Trung bình một người, một ngày cũng làm được từ 2 đến 3 chiếc nón, đem lại thu nhập từ 80.000 - 100.000 đồng/ngày.

 

Ngoài nghề làm nón lá thì nghề dệt chiếu cói cũng thu hút được nhiều lao động địa phương tham gia. Ðến nay, An Hiệp là 1 trong 7 xã của huyện Quỳnh Phụ phát triển mạnh nghề dệt chiếu cói, tập trung ở các thôn Lam Cầu 1 đến Lam Cầu 3. Sản phẩm chiếu cói An Hiệp được nhiều người ưa chuộng nhờ  cây cói ở đây có thân tươi, màu xanh mướt, bóng mượt, sau khi thu hoạch sợi cói trắng đẹp, nhỏ và đều, có độ dẻo dai. Ðể đẩy mạnh sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm chiếu cói của địa phương, những năm gần đây các hộ dân làm nghề trong xã đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy dệt công nghiệp. Trước đây, trung bình một khung dệt thủ công chỉ dệt được 2 lá chiếu/ngày, đến nay khi dệt bằng máy đạt 20 lá chiếu/máy/ngày, chất lượng sản phẩm vẫn bảo đảm như dệt bằng khung thủ công. Việc nâng cao sản lượng cũng đồng nghĩa với số lượng lao động làm việc trong nghề cũng tăng lên.

 

Hiện nay, An Hiệp có khoảng 20 máy dệt chiếu công nghiệp và hơn 200 khung dệt thủ công, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài những hộ gia đình dệt chiếu thủ công, trên địa bàn xã còn có một số công ty, cơ sở dệt có quy mô sản xuất lớn, điển hình là Công ty TNHH Anh Thơ. Ông Nguyễn Văn Bính, Giám đốc Công ty cho biết: Ðược thành lập và phát triển từ một cơ sở dệt chiếu cói của địa phương truyền thống, hiện nay Công ty có 10 máy dệt công nghiệp, tạo việc làm cho hơn 20 lao động với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Trung bình một tháng, Công ty sản xuất ra  gần 1 vạn lá chiếu sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

Bên cạnh việc chú trọng duy trì và phát triển các nghề truyền thống, những năm gần đây An Hiệp còn thực hiện chủ trương phát triển đa dạng ngành nghề, trong đó nghề may xuất khẩu là sự lựa chọn phù hợp với lực lượng lao động trẻ của địa phương. Ðược du nhập từ năm 2011, đến nay trên địa bàn xã có 2 công ty may xuất khẩu quy mô lớn và gần 10 cơ sở may tư nhân, tạo việc làm cho hơn 300 lao động với thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Công ty TNHH May xuất khẩu An Hiệp, hiện có gần 100 lao động, chuyên sản xuất áo jacket, áo lông vũ…, trung bình một tháng sản xuất từ 50 - 60 nghìn sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Ông Nguyễn Kim Khang, Giám đốc Công ty cho biết: Do nhu cầu phát triển của Công ty, thời gian tới sẽ mở rộng  diện tích nhà xưởng, tạo thêm việc làm cho gần 150 lao động.                                        

 

Nhờ duy trì và đẩy mạnh phát triển ngành nghề nên những năm qua giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của An Hiệp tăng trưởng mạnh, năm 2014 ước đạt hơn 33 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2013, chiếm 45% tổng giá trị sản xuất của địa phương. Theo ông Nguyễn Thành Tín, Chủ tịch UBND xã, trong thời gian tới địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành nghề truyền thống; có cơ chế phù hợp ưu tiên cho phát triển những nghề mới tại địa phương. Ðồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào Ðiểm công nghiệp xã An Hiệp có quy hoạch 64.000m2, được UBND tỉnh phê duyệt năm 2010. Ðiểm công nghiệp xã An Hiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, qua đó góp phần vào thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương ngày càng phát triển.

 Trần Tuấn

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày