Thứ 3, 23/07/2024, 02:36[GMT+7]

Đình Phùng Nhộn nhịp làm lẵng tháp phát lộc

Chủ nhật, 30/11/2014 | 13:45:28
2,525 lượt xem
Cứ đến thời điểm giáp tết, làng Ðình Phùng, xã Minh Tân, huyện Ðông Hưng lại tấp nập du khách thập phương đến mua sản phẩm lẵng tháp phát lộc. Ngoài vẻ đẹp độc đáo, lẵng tháp phát lộc còn có ý nghĩa mang lại sự may mắn cho gia chủ, vì vậy được nhiều gia đình để chơi trong các dịp lễ, tết.

Làm lẵng tháp phát lộc ở làng Đình Phùng, xã Minh Tân (Đông Hưng).

Ðến làng Ðình Phùng thời điểm này, chúng tôi được chứng kiến không khí nhộn nhịp, cảnh mua bán, sự bận rộn của các hộ làm lẵng tháp phát lộc. Những lẵng tháp phát lộc với đa dạng kiểu dáng, kích cỡ được bày bán trên dọc quốc lộ 39 đoạn đi qua xã Minh Tân đến thị trấn Ðông Hưng. Cảnh tượng này khiến người ta liên tưởng đến không khí mùa xuân đang tràn ngập trên quê hương. Ông Nguyễn Ðăng Thản, Trưởng thôn Ðình Phùng cho biết: Nghề làm lẵng tháp phát lộc có ở làng Ðình Phùng gần 10 năm nay. Hiện nay 98% hộ dân trong làng làm lẵng tháp phát lộc. Những năm gần đây, nghề làm lẵng tháp phát lộc đã trở thành nghề chính, đem lại thu nhập cao cho người dân Ðình Phùng, nhiều hộ gia đình giàu lên từ nghề này.

Trước khi làm nghề lẵng tháp phát lộc thì người dân địa phương chủ yếu trồng đào và cây phát lộc bán cho người dân chơi trong các dịp lễ, tết. Chăm chỉ vun trồng cả năm, cây đào cũng chỉ cho thu hoạch một vụ, vì vậy cuộc sống của người dân nơi đây cũng chỉ đủ ăn. Nhưng nhờ sự cần cù, đôi bàn tay khéo léo, người dân Ðình Phùng đã biết tận dụng những lợi thế của địa phương để sáng tạo ra các sản phẩm độc đáo từ cây phát lộc, mang lại lợi ích kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình. Gia đình anh Trần Văn Băng là một trong những hộ làm lẵng tháp phát lộc, anh cho biết: Hiện nay, gia đình tôi trồng 5 sào cây phát lộc đang cho thu hoạch, nếu sử dụng số cây này làm nguyên liệu để tạo ra sản phẩm lẵng tháp, lục bình bán trong dịp tết năm nay thì cũng thu về hơn 100 triệu đồng. Nếu như trước đây trung bình một sào cây phát lộc cho thu hoạch khoảng 1,5 vạn cành, trừ hết chi phí cũng chỉ thu được 10 – 15 triệu đồng nhưng nếu để làm nguyên liệu tạo ra sản phẩm như lẵng tháp, lục bình từ cây phát lộc thì cho thu nhập gấp 3 – 4 lần so với việc bán cành, cùng với đó là tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động trong và ngoài làng.

Hiện nay, những sản phẩm như lẵng tháp, lục bình phát lộc của làng Ðình Phùng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng bởi phù hợp với văn hóa truyền thống của người Việt, có thể vừa được trưng bày ở các nơi như đền thờ, phòng khách trong gia đình, phòng làm việc, cũng có khi làm quà để tặng người thân. Nhiều tư thương từ Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ… cũng đến đây đặt hàng để phục vụ người tiêu dùng trong dịp lễ, tết. Ðể phù hợp với thị hiếu của từng người chơi cây, các sản phẩm tháp, lục bình được làm ra với nhiều kích cỡ khác nhau. Sản phẩm lẵng tháp có kích cỡ từ 3 – 21 tầng, tương ứng với nó là giá thành cũng khác nhau từ vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm. Hiện nay, do nhu cầu người chơi lẵng tháp phát lộc ngày càng nhiều nên nghề này đang phát triển mạnh ở làng Ðình Phùng. Số lượng cây phát lộc của người dân trong làng trồng ra cũng không đủ để làm các sản phẩm lẵng tháp, lục bình tiêu thụ trên thị trường, vì vậy các hộ làm nghề làng Ðình Phùng còn phải mua thêm cành phát lộc từ các địa phương khác.

Ðể làm ra một sản phẩm như lẵng tháp, lục bình thì ngoài nguyên liệu chính là cây phát lộc, còn rất nhiều thứ khác như ống nhựa, dây nhựa, chậu làm bằng xi măng... Nghề làm lẵng tháp phát lộc phát triển cũng kéo nghề quay chậu của làng phát triển theo. Nhiều hộ gia đình ở làng Ðình Phùng đã mua dụng cụ về để tự quay chậu phục vụ cho nghề làm lẵng tháp phát lộc. Các chậu có nhiều cỡ khác nhau để phù hợp với kích thước và số tầng của tháp, sao cho chân tháp vừa khít với lòng chậu. Ðặc biệt chậu phải đắp những hình trang trí rồng phượng hay những chữ mang ý nghĩa tốt lành. Theo bà Trần Thị Minh, người có nhiều năm làm lẵng tháp phát lộc ở làng Ðình Phùng, để làm ra một sản phẩm có độ thẩm mỹ cao phải trải qua nhiều công đoạn và cần có sự tỉ mỉ. Ðầu tiên là đặt một ống nhựa giữa lòng chậu làm lõi, cắt thân cây phát lộc thành từng đoạn tương ứng với độ dài của từng tầng. Tầng cao nhất của tháp được làm đầu tiên bằng cách ghép những đoạn cây phát lộc xung quanh ống nhựa sao cho những đoạn cây nhô cao hơn ống lõi chừng 4 - 5 cm. Ghép xong tầng cao nhất, dùng loại dây nhựa mạ nhũ màu vàng quấn quanh, khâu lại để giữ ổn định rồi ghép tiếp, cứ thế lần lượt ghép từ tầng cao nhất đến tầng thấp nhất, mỗi tầng cách nhau từ 5 - 7 cm. Khi tháp đã ghép xong thì dùng xi măng trắng bịt đầu rỗng của những đoạn thân cây phát lộc. Toàn bộ công việc đều được làm thủ công bằng đôi bàn tay của người làm nghề.

Ông Nguyễn Quang Ðiện, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: Những năm gần  đây, nhờ làm lẵng tháp phát lộc mà đời sống người dân làng Ðình Phùng được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ dân đã xây được nhà cửa khang trang, đường làng ngõ xóm được mở rộng; giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong làng, ngoài xã với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng.

Trần Tuấn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày