Thứ 2, 29/07/2024, 17:17[GMT+7]

Làng nghề Thanh Hương

Thứ 2, 12/01/2015 | 09:02:33
5,449 lượt xem
Làng Thanh Hương, xã Ðồng Thanh (Vũ Thư) ngoài sản xuất nông nghiệp còn có nghề truyền thống chế biến nông sản.

Một cơ sở làm cốm của xã Ðồng Thanh (Vũ Thư).

 

Từ hạt gạo, hạt ngô, củ khoai, củ sắn bình thường nhưng với đôi tay khéo léo, người dân nơi đây đã làm ra hàng chục loại bánh khác nhau, món nào cũng đẹp về mẫu mã, chất lượng ngon, hấp dẫn nhiều thực khách.

 

Tháng ba, ngày tám có thể ở đâu đó thì nhàn rỗi, nhưng với người dân Thanh Hương một năm 365 ngày thì cả ngần ấy ngày bận mải. Buổi sáng ở Thanh Hương đâu phải bắt đầu lúc 5 hoặc 6 giờ mà từ 2 hoặc 3 giờ. Người ta dậy đồ xôi, tráng bánh... kiểm tra lại những nguyên liệu dã chuẩn bị từ tối hôm trước, điểm tâm qua quýt để rồi dăm mười phút sau đó “xuất hành” mang theo đậu phụ, bún, bánh đa, cốm, sâu bột tẩm đường, bánh rán, rượu... đến các chợ chào hàng, bày bán.

 

Ai đã một lần đến Thanh Hương đều thấy vui lây với khí thế lao động khẩn trương, náo nhiệt. Tiếng máy nghiền bột đều đều, tiếng chày giã cốm thậm thình suốt ngày đêm, mùi mỡ chưng nhân bánh thơm ngào ngạt khắp trong nhà, ngoài đường...

 

Tôi ghé vào thăm nhà chị Lương Thị Băng – hộ làm bún có tiếng cả về chất lượng và số lượng. Bún nhà chị Băng đủ các loại: bún chóc, bún rời, bún “rổ”. Chị cho biết, mỗi ngày nhà chị làm từ 34 - 36kg bún, tương đương 18kg gạo. Ðể có lượng bún này, nhiều năm trước chồng chị khá vất vả trong việc xay bột. Năm 1997, anh chị bỏ ra trên 2 triệu đồng mua mô tơ điện. Từ đó không phải gò lưng kéo cối đá. Hơn thế bà con hàng xóm còn mang gạo sang thuê nghiền mỗi ngày cũng thu từ 18.000 – 20.000 đồng. Chỉ chưa đầy 3 tháng đã đủ tiền mua máy.

 

Xóm Ðồng Lạc, có anh Nguyễn Văn Tọa làm cốm tổi tiếng. Anh Tọa năm nay ngót 40 tuổi, nhập ngũ năm 1986 ở đơn vị D72, E671 Cục Xăng dầu. Năm 1989 phục viên nối nghiệp làm cốm truyền thống của gia đình. Là lính hậu cần vốn có tính thận trọng, những ngày đầu vào nghề anh Tọa chỉ “đánh nhỏ ăn chắc”, thóc của nhà có ngần nào thì sử dụng bằng ấy. Cốm sản xuất ra cũng chỉ bảo vợ, con mang bán ở chợ làng. Từ năm 1995, kinh nghiệm nghề đã có, lại tìm được khách hàng anh Tọa đã tiến lên “đánh lớn, thắng lớn”. Hàng năm, anh đầu tư từ 100 - 120 triệu đồng đong hàng tấn thóc nếp, thuê 8 lao động trả 1,4 – 1,5 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn 10 – 12 lao động thời vụ sản xuất cốm. Mỗi tháng, gia đình anh làm 3,5 – 3,7 tấn cốm, tương đương 4 tấn thóc. Trung bình cứ 4 ngày một lần anh có chuyến xe tải chở từ 5 – 6 tạ cốm lên “đổ” cho khách ở Thủ đô Hà Nội để họ làm bánh cốm, kem cốm, chè cốm.

 

Hiện ở Thanh Hương có 20 hộ làm cốm, gần 100 hộ làm đậu phụ, 52 hộ làm bún, 13 hộ làm bánh hấp, 10 hộ nấu rượu, 4 hộ sản xuất sâu bột tẩm đường, một số hộ sản xuất bánh đa, bánh đúc, bánh hú. Mỗi năm làng Thanh Hương tiêu thụ hàng trăm tấn thóc nếp, tẻ, hàng chục tấn đỗ các loại. Ðơn giản như lá dong gói bánh chưng, lá chuối gói bánh mật, bánh hú, lá ngái lót rổ đựng bún cũng kể tới hàng tấn. Vốn bình quân của mỗi hộ từ 150 – 200 triệu đồng. Hộ anh Tọa, anh Văn, ông Thái, bà Sen, anh Cẩn, bà Di, ông Lộc thì lượng vốn tới hàng tỷ đồng. Hàng ngày, Thanh Hương có khoảng 100 – 120 lao động rời làng từ lúc “tối đất” và trở về lúc “trời sáng trăng” vận chuyển hàng đến nơi gần là các xã trong huyện, xa là ngoài huyện, thậm chí vượt sông Hồng sang Nam Ðịnh chào hàng rồi cũng từ những nơi ấy đong thóc, đỗ cùng các thứ cần thiết khác về.

 

Ông Lương Minh Hỷ, Phó ban Tuyên Giáo Ðảng ủy xã Ðồng Thanh cho biết: Thanh Hương có 720 hộ, 3.212 nhân khẩu, đất canh tác bình quân 200m2/người. Từ xa xưa làng có tiếng là nghèo: nhà tranh, vách đất, 60% hộ đói. Hộ có bát ăn bát để chỉ tính trên đầu ngón tay. Vào những ngày mưa phùn gió bấc, đường làng, ngõ xóm nhớp nháp bùn đất. Bộ mặt Thanh Hương được rạng rỡ từ khi nhà nước có chính sách đổi mới. Với bản chất cần cù, năng động người dân Thanh Hương nhanh chóng hòa nhập với nền kinh tế thị trường, sản xuất ra của cải vật chất ngày càng nhiều cho gia đình và xã hội. Mức thu nhập hàng năm bình quân 5 triệu đồng/người. Hiện Thanh Hương không còn hộ đói, có 68% hộ khá, 34% hộ giàu; 2/3 số gia đình ở Thanh Hương đã có nhà kiên cố mái bằng. Làng có trên 500 xe máy, gần 1.200 ti vi, hàng chục máy xay xát. Ðầu năm 2000, toàn bộ đường làng, ngõ xóm với tổng chiều dài 6km đã được bê tông hóa. 100% các cháu đến tuổi đều được cắp sách đến trường. Làng có 50 người tốt nghiệp đại học.

 

Có được cuộc sống như hiện nay người dân Thanh Hương càng ghi sâu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng và chính quyền địa phương, đã thực sự chăm lo cho đời sống của mỗi gia đình. Trong nông nghiệp đã lãnh đạo nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa 100% giống mới vào đồng ruộng để thâm canh do đó năng suất đạt 3 tạ/sào/vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay vốn, tìm thị trường tiêu thụ hàng hóa, khôi phục nghề chế biến nông sản truyền thống, nâng cấp và mở rộng chợ Ðồn to, đẹp giúp cho việc giao lưu hàng hóa và buôn bán thêm phát triển, sầm uất.

 

Người lao động có việc làm, thu nhập ngày càng cao nên các tệ nạn xã hội giảm. Tình làng, nghĩa xóm thêm nồng đượm. Nhiều năm nay Thanh Hương là làng quê bình yên, chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước và các chủ trương của địa phương. Sắp tới cầu Tịnh Xuyên hoàn thành, giao thông thuận lợi, Thanh Hương càng phát triển. Hàng hóa được chế biến từ nông sản sẽ đi xa hơn nữa.

Minh Trìu

Cựu chiến binh Vũ Thư

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày