Thứ 2, 29/07/2024, 11:25[GMT+7]

Hưng Hà Nỗ lực bảo vệ môi trường làng nghề

Thứ 2, 12/01/2015 | 09:07:51
1,609 lượt xem
Hưng Hà là một trong những địa phương có số làng nghề nhiều nhất tỉnh. Cùng với lợi ích về kinh tế, người dân đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải và khí thải.

Người dân xã Tân Lễ (Hưng Hà) gắn bó với nghề truyền thống dệt chiếu.

 

Hàng năm, giá trị sản xuất khu vực nghề và làng nghề của huyện Hưng Hà chiếm khoảng 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, làng nghề chủ yếu là quy mô hộ gia đình, sản xuất nhỏ lẻ. Toàn bộ các hoạt động sản xuất nằm trên diện tích đất ở với mật độ dân cư cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, cống, rãnh thoát nước… không đáp ứng nhu cầu sản xuất và vệ sinh môi trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân nơi đây.

 

Trước thực trạng đó, Huyện ủy, UBND huyện tăng cường kinh phí cho sự nghiệp môi trường và chỉ đạo quyết liệt công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về bảo vệ môi trường (BVMT). Tổ chức các lớp tập huấn về Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành tới đội ngũ cán bộ chủ chốt và chuyên môn từ huyện đến xã, thị trấn. Quản lý chặt chẽ đối với các dự án đầu tư trên địa bàn huyện, chỉ tiếp nhận những dự án có đủ các thủ tục về BVMT theo quy định. Công tác thẩm định, phê duyệt cam kết, đề án BVMT đối với các dự án đầu tư trên địa bàn huyện được quan tâm. Đến nay, trên 370 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có thủ tục hành chính về môi trường. Vận động các hộ sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề đầu tư công nghệ, thiết bị mới không ảnh hưởng đến môi trường. Cùng với đó, huyện chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT. Từ năm 2008 đến nay, UBND huyện đã chủ động phối hợp với Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý vi phạm và ra quyết định cưỡng chế đối với 20 trường hợp là các công ty, xí nghiệp, hộ gia đình xả nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường.

 

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các biện pháp BVMT nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, nhất là ô nhiễm môi trường nước từ các làng nghề dệt nhuộm, bún bánh vẫn chưa được giải quyết triệt để. Làng Me, xã Tân Hòa, với thương hiệu bánh đa nổi tiếng đã góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn, đời sống người dân. Toàn thôn có trên 350 hộ, thì có 150 hộ tham gia làm bánh đa, tạo việc làm cho hơn 500 lao động với thu nhập bình quân đạt khoảng 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, nằm trong khu dân cư lại chưa có hệ thống xử lý nước thải nên hầu hết các hộ xả trực tiếp ra cống rãnh gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Làng nghề dệt nhuộm Phương La, xã Thái Phương là một trong những làng nghề phát triển nhanh và mạnh của tỉnh, với các sản phẩm khăn dệt, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng nhưng song hành với phát triển là thực trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động nấu, giặt, tẩy, nhuộm của làng nghề. Cả xã có trên 80% hộ gia đình làm nghề dệt nhuộm, với 7 công ty, xí nghiệp dệt nhuộm, 20 tổ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài xã, với thu nhập từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề dệt nhuộm Phương La, xã Thái Phương, vừa qua UBND huyện đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ nguồn vốn xây dựng khu xử lý nước thải tập trung tại Cụm công nghiệp làng nghề xã Thái Phương.

 

"Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường làng nghề là sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, nhiều công đoạn sản xuất thủ công lại nằm xen lẫn khu dân cư. Trong khi đó, hệ thống cấp, thoát nước sản xuất và sinh hoạt do các hộ tự xây dựng, chưa đạt tiêu chuẩn về môi trường khiến nguồn nước ngày càng ô nhiễm."

 

         (Bà Trần Thị Hải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện)

 

Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày