Chủ nhật, 30/06/2024, 21:34[GMT+7]

Làm giàu từ cây chổi

Thứ 3, 13/01/2015 | 08:57:50
4,003 lượt xem
Câu chuyện vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ nghề làm chổi đót không còn lạ đối với người dân thôn Hợp Tiến, xã Tam Quang (Vũ Thư). Nhờ nghề làm chổi đót (còn gọi là chổi chít), nhiều hộ gia đình trong thôn đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều thiết bị tiện nghi phục vụ cuộc sống.

Nghề làm chổi đót tại thôn Hợp Tiến, xã Tam Quang (Vũ Thư) tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

 

Về Hợp Tiến những ngày này, người dân ai cũng vui mừng, phấn khởi khi vừa qua thôn được UBND tỉnh công nhận là làng nghề. Trưởng thôn Bùi Văn Uyên đại diện đi nhận Bằng công nhận làng nghề về cho biết: Nhiều lúc sang địa phương khác chơi kể chuyện người Hợp Tiến làm giàu từ chổi đót nhiều người không tin. Nhưng quả thực, những năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở Hợp Tiến đã giàu lên nhờ nghề làm chổi đót. Không những vậy, nghề làm chổi đót còn tạo việc làm cho gần 300 lao động với thu nhập bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Trước kia, cũng như các thôn khác của xã Tam Quang, người dân Hợp Tiến chỉ biết đến ruộng đồng, không có nghề phụ nên đời sống bấp bênh. Đầu những năm 1990, nghề làm chổi đót được du nhập vào xã Tam Quang, trong đó có thôn Hợp Tiến. Lúc đầu chỉ có một vài hộ trong thôn làm nghề nhưng sau đó do mặt hàng này có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường nên nhiều gia đình đã tham gia làm nghề. Chổi đót dùng để dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa nên hầu như gia đình nào cũng có từ một đến vài chiếc. Những năm gần đây, người dân đã chuyển thói quen từ sử dụng chổi rơm sang các loại chổi làm bằng cây đót hay thanh hao… Chính vì thế, nghề làm chổi đót phát triển mạnh tại thôn Hợp Tiến, trở thành nghề chính mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân. Gia đình anh Nguyễn Khả Đàn là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ nghề làm chổi đót. Hiện nay, gia đình anh Đàn có một cơ sở sản xuất tại nhà, giải quyết việc làm cho 10 lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Anh Đàn tâm sự:  Năm 1997, hai vợ chồng tôi bắt đầu làm nghề quấn chổi đót. Vì lúc đó chưa có vốn mua nguyên liệu về để làm tại nhà nên phải đi làm thuê cho cơ sở khác. Mấy năm gần đây, nhờ chịu khó làm ăn nên anh đã dành dụm được ít vốn để mua nguyên liệu về mở cơ sở sản xuất. Mỗi năm, trừ hết tiền nguyên liệu và nhân công, gia đình anh thu về gần 100 triệu đồng, có điều kiện xây được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt. Không chỉ có gia đình anh Đàn, ở thôn Hợp Tiến hiện còn có hơn 30 cơ sở sản xuất chổi đót, mỗi cơ sở thu hút từ 7 - 10 lao động với thu nhập bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Làm chổi đót không phức tạp, mỗi người một công đoạn, người thì tẽ sợi đót, người thì xe dây quấn chổi. Trung bình một người thạo nghề có thể quấn được khoảng 100 chiếc chổi/ngày, được trả công hơn 100 nghìn đồng.

 

Ở Tam Quang, ngoài thôn Hợp Tiến còn có làng Nghĩa Khê cũng phát triển mạnh nghề làm chổi đót. Hiện nay, Nghĩa Khê có hơn 100 cơ sở sản xuất chổi đót, thu hút gần 1.000 lao động với thu nhập bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở sản xuất tại hai làng nghề này đang gặp phải khó khăn về vốn để mua nguyên liệu sản xuất. Theo chị Đỗ Thị Tiệp, chủ một cơ sở sản xuất chổi đót ở thôn Hợp Tiến, nguyên liệu cây đót chủ yếu được người dân mua ở một số tỉnh như Sơn La, Bắc Cạn, Hà Giang, Thanh Hóa. Cây đót được khai thác ở trong rừng, chỉ dồi dào vào 2 tháng đầu năm nên trung bình một lần mua nguyên liệu về để sản xuất cũng phải từ 10 - 15 tấn, dùng cho cả năm. Nếu như giá 1kg đót trung bình là 20.000 đồng thì hộ sản xuất phải có từ 200 - 300 triệu đồng để mua nguyên liệu. Vì vậy, các cơ sở sản xuất chổi đót ở Tam Quang mong muốn nhận được quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ tín dụng, ngân hàng để phát triển sản xuất.

 

Trần Tuấn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày