Nghề và làng nghề Tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn
Cơ sở chạm bạc Hợp Thành (thôn Trung Kinh, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương) tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động.
Ưu điểm lớn nhất của sự phát triển nghề và làng nghề là đã tạo được việc làm tại chỗ cho nhiều lao động ở nông thôn, nhất là lúc nông nhàn. Ngay từ những năm 2000 đã thu hút được 78.781 lao động, đến nay đã tăng lên khoảng 150.000 người tham gia làm nghề. Cũng từ phát triển nghề nên đời sống và thu nhập người lao động khu vực nông thôn được nâng lên đáng kể. Tính ở thời điểm năm 2000, bình quân người lao động thu nhập từ nghề đạt từ 230.000 đồng/tháng, đến năm 2014 đã tăng lên từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất nghề và làng nghề cũng đạt ngày càng cao: năm 2000 đạt 660 tỷ đồng, năm 2010 đạt 2.520 tỷ đồng, năm 2014 đạt 7.127 tỷ đồng.
Một số nghề truyền thống đến nay đã duy trì và phát triển khá tốt như nghề chạm bạc, dệt khăn, dệt chiếu, mây tre đan, gỗ mỹ nghệ... Đối với nghề chạm bạc, trước đây chỉ duy trì, diện hẹp do ít có sự quan tâm đến việc quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường. Từ năm 2005 trở lại đây, nghề chạm bạc đã phát triển tương đối tốt, các cơ sở sản xuất đã quan tâm đến nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, gắn sản xuất với việc mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước, tích cực tham gia các hội chợ triển lãm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại địa phương. Ngoài ra, các cơ sở cũng đã tích cực tham gia vào các hiệp hội, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ và thu hút được khách du lịch. Đến nay, nghề chạm bạc vẫn duy trì, phát triển ở các xã Lê Lợi, Hồng Thái, Trà Giang (Kiến Xương), tạo việc làm thường xuyên cho trên 3.000 lao động, giá trị sản xuất hàng năm đạt khoảng 120 tỷ đồng.
Nghề dệt chiếu cũng duy trì và phát triển khá mạnh, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Đông Hưng. Trung bình mỗi năm các huyện sản xuất khoảng 20 triệu lá chiếu các loại phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia. Điều khác biệt ở nghề này là trước đây chủ yếu dệt bằng tay, tới nay hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đưa máy dệt vào sản xuất, điển hình như Doanh nghiệp chiếu cói Xuân Hòa, Doanh nghiệp chiếu cói Minh Quang, Doanh nghiệp chiếu cói Thanh Long, Công ty TNHH Anh Thơ... Ngoài ra, nghề dệt chiếu nilon cũng phát triển mạnh, nhất là trên địa bàn huyện Hưng Hà có 7 cơ sở dệt chiếu nilon với gần 300 máy dệt công nghiệp, đưa Hưng Hà trở thành một trong những trung tâm sản xuất, cung cấp chiếu nilon trong toàn quốc.
Nghề gỗ mỹ nghệ hiện nay cũng phát triển tương đối mạnh. Những năm gần đây, mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ trong tỉnh được khôi phục và phát triển ở nhiều địa phương như làng Vế, làng Riệc, xã Canh Tân (Hưng Hà), Nguyên Xá (Vũ Thư), An Đồng (Quỳnh Phụ), Đông La (Đông Hưng)... Tuy nghề gỗ mỹ nghệ không thu hút được nhiều lao động như một số nghề khác, nhưng thu nhập người lao động đạt cao, các cơ sở, doanh nghiệp đều đạt doanh thu lớn đã góp phần tích cực vào việc khôi phục các làng nghề truyền thống, xóa đói giảm nghèo cho các địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nghề và làng nghề vẫn còn nhiều hạn chế. Một số nghề truyền thống bị suy giảm, sự phát triển làng nghề mới theo chiều rộng chưa theo chiều sâu, quy mô làng nghề nhỏ, sản xuất phân tán, chưa xây dựng được những làng nghề có quy mô lớn. Sản phẩm còn đơn giản, mẫu mã chưa phong phú, nhiều sản phẩm chất lượng còn thấp, sức cạnh tranh kém. Phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề thiếu vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề như: nghề dệt khăn ở Phương La, nghề dệt đũi ở Nam Cao, nghề chạm bạc ở Hồng Thái, Lê Lợi và nghề chế biến thủy sản ở Thụy Hải...
Để nghề và làng nghề phát triển bền vững, tỉnh cần tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các làng nghề truyền thống. Xây dựng thương hiệu và quảng bá giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường làng nghề. Đối với những làng nghề suy giảm, tiếp tục khôi phục đồng thời phát triển thêm nghề mới, trong đó đặc biệt chú trọng đến các địa phương thuần nông bằng cách chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề cho phù hợp. Trong du nhập nghề mới sẽ phát triển theo hướng chủ động tìm kiếm thêm nhiều nghề phù hợp với điều kiện sản xuất tại khu vực nông thôn. Trước mắt củng cố một số nghề mới đã có để giữ và phát triển ổn định.
Thu Thủy
Tin cùng chuyên mục
- Sắc xuân trên làng hoa, cây cảnh ở Đông Hưng 17.01.2025 | 08:56 AM
- Làng hoa cây cảnh Quỳnh Hồng tất bật vào tết 30.12.2024 | 16:03 PM
- Vườn đào Minh Tân vào mùa tuốt lá 09.12.2024 | 08:43 AM
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
Xem tin theo ngày
-
Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước