Thứ 2, 01/07/2024, 21:18[GMT+7]

Thực trạng nghề truyền thống

Thứ 3, 31/03/2015 | 09:19:49
1,573 lượt xem
Toàn tỉnh hiện có 190/286 xã, phường, thị trấn với 245 làng nghề được công nhận. Sự phát triển nghề và làng nghề đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, nhất là trong lúc nông nhàn.

Sản xuất chiếu cói ở xã An Vũ (Quỳnh Phụ). Ảnh: Thành Tâm

 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của nghề và làng nghề, ngay từ năm 2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban  hành Nghị quyết số 01 về phát triển nghề và làng nghề; tiếp đó là các quyết định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú ngành thủ công mỹ nghệ; quyết định về trình tự, thủ tục và tiêu chuẩn công nhận làng nghề, chính sách quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công, khuyến thương... Cụ thể, trong công tác đào tạo, truyền nghề, dạy nghề, tỉnh đã có chính sách tôn vinh các doanh nghiệp, nghệ nhân, thợ giỏi trong làng nghề truyền thống, khuyến khích các nghệ nhân tổ chức truyền nghề, dạy nghề. Năm 2008, tỉnh đã xét và đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho 3 cá nhân. Ngoài ra, tỉnh cũng đã quy hoạch các khu, cụm công nghiệp để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống, những làng nghề có điều kiện phát triển thuê đất để mở rộng sản xuất đồng thời còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản sản xuất trong làng nghề truyền thống được hưởng chính sách ưu đãi trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh như chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, hỗ trợ san lấp mặt bằng, đào tạo lao động. Tỉnh cũng tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông nông thôn, trong đó ưu tiên cho tuyến giao thông những nơi có làng nghề truyền thống phát triển...

 

Bên cạnh cơ chế, chính sách chung của tỉnh, một số huyện đã xây dựng cơ chế riêng để khuyến khích, tạo điều kiện cho nghề, làng nghề phát triển. Điển hình như nghề dệt khăn, mặc dù bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới song vẫn duy trì và phát triển tốt. Hưng Hà là huyện phát triển mạnh nhất tỉnh về nghề dệt khăn với 5.396 máy dệt thủ công và 140 máy dệt công nghiệp. Để có được kết quả đó, những năm qua Hưng Hà đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, trong đó hỗ trợ 3 triệu đồng/máy dệt thủ công và 20 triệu đồng/máy dệt công nghiệp...

 

Bên cạnh một số nghề phát triển, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay nhiều nghề truyền thống trong tỉnh đang có chiều hướng suy giảm, mai một dần. Cụ thể như nghề dệt vải đũi. Trước đây, nghề dệt vải đũi phát triển khá mạnh ở Nam Cao và một số xã lân cận của huyện Kiến Xương, bình quân mỗi năm sản xuất từ 7 - 8 triệu mét vải. Tuy nhiên, hiện nay nghề dệt vải đũi gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, sụt giảm mạnh do nghề trồng dâu nuôi tằm hiệu quả thấp nên người dân chuyển sang nghề khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Mặt khác, giá nguyên liệu đầu vào cao do mua của tỉnh ngoài hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi chất lượng sản phẩm chưa cao, chủ yếu xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Hay như nghề thêu, trước đây cũng phát triển mạnh, tập trung chủ yếu ở xã Minh Lãng (Vũ Thư), sau đó nhanh chóng mở rộng sang nhiều huyện khác trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay nghề thêu đang gặp nhiều khó khăn và có xu hướng suy giảm do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, thu nhập của người lao động làm nghề thấp nên người lao động cũng như chủ cơ sở sản xuất đều phải chuyển sang làm nghề khác có thu nhập cao hơn.

 

 

Nghề dệt khăn giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động nông thôn trong tỉnh.

 

Để duy trì và bảo tồn các làng nghề truyền thống, trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản. Trong đó, tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực; quy hoạch bố trí mặt bằng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề; hỗ trợ vốn; ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề truyền thống; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề đầu tư đổi mới, cải tiến, tiếp nhận thiết bị và công nghệ mới; tìm kiếm phát triển thị trường. Doanh nghiệp trong làng nghề là đầu mối cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho người lao động, có vai trò quan trọng trong quá trình giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển như hỗ trợ lãi suất, mặt bằng, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ, đào tạo lao động...

 

Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày