Thứ 2, 05/08/2024, 09:11[GMT+7]

Doanh nghiệp, làng nghề ở Hưng Hà Vững vàng trong gian khó

Thứ 3, 12/05/2015 | 08:44:42
904 lượt xem
Bước vào năm 2015, hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Hưng Hà gặp không ít khó khăn, tuy nhiên các doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn huyện đã tích cực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, đạt mức tăng trưởng khá.

Nghề dệt lưới nilon ở Hưng Hà.

 

Quý I/2015, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Hưng Hà ước đạt 913,5 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2014. Toàn huyện có 192 doanh nghiệp đang hoạt động gồm 71 doanh nghiệp dệt may, 10 doanh nghiệp đồ gỗ, 22 doanh nghiệp xây lắp, 9 doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và 80 doanh nghiệp khác; trong đó có 51 doanh nghiệp hoạt động tốt, 40 doanh nghiệp hoạt động khá, 80 doanh nghiệp hoạt động trung bình, 21 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Trong quý I, các doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn, sản xuất bị chững lại do thiếu lao động trong sản xuất, chưa xử lý được nước thải tẩy nhuộm, thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất. Do đó, doanh thu, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này chỉ đạt mức trung bình. Ðối với những doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, do trùng với dịp tết Nguyên đán nên sản lượng được nâng lên, sản phẩm tiêu thụ tốt, sức mua tăng trong 2 tháng đầu năm. Cùng với đó, các cơ sở, doanh nghiệp đồ gỗ có xu hướng đầu tư nâng cấp máy móc hiện đại, đưa công nghệ mới vào sản xuất thay thế cho sản xuất thủ công nên hiệu quả, năng suất cũng được nâng lên. Nhóm các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng mặc dù hoạt động tương đối ổn định song sản phẩm tiêu thụ chậm, trong quý I sản lượng gạch của 4 nhà máy lớn trên địa bàn chỉ đạt 16,3 triệu viên. Còn nhóm doanh nghiệp xây lắp hoạt động giảm sút hẳn, một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân chính là do đầu tư công giảm, các địa phương thiếu vốn đầu tư cho xây dựng các công trình. Ðối với các doanh nghiệp khác, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn ổn định nhưng mức tăng trưởng thấp.

 

Trong quý I, nhiều dự án ở huyện đã đi vào hoạt động, thu hút nhiều lao động vào làm như Dự án đầu tư xây dựng nhà máy may công nghiệp của Công ty TNHH May Việt Hàn (thị trấn Hưng Nhân) vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, thu hút hơn 300 lao động; Dự án mở rộng nhà máy hoàn thiện các sản phẩm khăn xuất khẩu của Công ty TNHH Dệt Minh Quân tại làng nghề Tiền Phong (thị trấn Hưng Nhân); Dự án đầu tư xây dựng nhà máy kéo sợi của Công ty TNHH Dệt may Hưng Thịnh tại Cụm công nghiệp Ðồng Tu, hoàn thiện giai đoạn I, quy mô một xưởng với diện tích 3.000m2… Cùng với đó, nhiều dự án trên địa bàn huyện cũng nhanh chóng được xây dựng như: Dự án triển khai giai đoạn 2 của Công ty TNHH Dệt may Hưng Thịnh (Cụm công nghiệp Ðồng Tu); 2 dự án đầu tư xây dựng nhà máy may công nghiệp của Công ty TNHH May Hưng Hà (Cụm công nghiệp xã Ðiệp Nông), Công ty TNHH Yến Thịnh (xã Minh Hòa); Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung và kết cấu bê tông đúc sẵn của Công ty TNHH Hưng Việt - UDIC (xã Hồng An)…

 

Trong phát triển nghề, các làng nghề truyền thống của Hưng Hà vẫn tiếp tục duy trì và phát triển mạnh. Mặc dù thời điểm đầu năm phần lớn người dân tập trung cho sản xuất vụ xuân và tết Nguyên đán song hoạt động sản xuất kinh doanh trong các làng nghề vẫn cơ bản ổn định. Bên cạnh đó, một số nghề mới du nhập như nghề dệt chiếu nilon, dệt lưới nilon tiếp tục có hướng phát triển tốt, cung cấp trong toàn quốc. Ðến nay, toàn huyện có 4 xã nghề và 51 làng nghề với 5.396 máy dệt khăn thủ công, 151 máy dệt khăn công nghiệp, 350 máy dệt chiếu công nghiệp..., thu hút trên 67.000 lao động địa phương. Hiện tại, huyện đang tiếp tục triển khai các cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, theo đó sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/máy dệt lưới nilon công nghiệp, 20 triệu đồng/máy dệt khăn công nghiệp...

 

Trong thời gian tới, Hưng Hà tiếp tục tăng cường công tác khuyến công, hỗ trợ để nhân dân đầu tư vào các ngành nghề, ưu tiên nghề dệt, may, dệt chiếu, chế biến lương thực, thực phẩm. Tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, làng nghề. Tiếp tục bố trí vốn xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp. Cùng với việc theo dõi tiến độ xây dựng và hoạt động của các dự án đã được phê duyệt, Hưng Hà tiếp tục mở rộng Cụm công nghiệp Thái Phương để mở rộng nghề dệt may truyền thống, triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Tiền Phong (thị trấn Hưng Nhân). Chỉ đạo tăng cường du nhập nghề mới, gìn giữ và bảo tồn các làng nghề truyền thống. Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực thương mại, du lịch, khách sạn, khu vui chơi giải trí.

                            Thu Thủy

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày