Thứ 5, 08/08/2024, 12:17[GMT+7]

Làng nghề đan tre Công Bồi

Thứ 2, 18/05/2015 | 20:22:35
1,873 lượt xem
Làng Công Bồi, xã Phương Công, huyện Tiền Hải có truyền thống làm nghề đan tre từ nhiều đời nay, chủ yếu sản xuất các sản phẩm như rổ, rá, thúng, nia… phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Mấy năm gần đây, người dân trong làng nghề chuyển sang đan các sản phẩm như giỏ, sọt đựng hàng hóa cho các doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ sành, sứ trong huyện. Vì vậy, hoạt động sản xuất trong làng nghề nhộn nhịp hơn, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

Làng nghề Công Bồi, xã Phương Công cần đa dạng hơn nữa sản phẩm từ tre.

 

Phương Công là một trong những xã nội đồng nằm về phía Tây huyện Tiền Hải, cách trung tâm huyện 3km, người dân trong xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là vùng kẹp trũng địa hình không bằng phẳng, điểm cao nhất và điểm thấp nhất chệnh lệch nhau 1,4m đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất nông nghiệp nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng với sự cần cù trong lao động, người dân nơi đây đã biết tìm tòi các nghề phụ khác để sản xuất nhằm tạo thêm việc làm và tăng thu nhập, giúp họ trang trải cuộc sống, trong đó nghề đan tre ở thôn Công Bồi được duy trì và phát triển cho tới ngày nay.

 

Trước đây, người dân trong làng nghề chủ yếu đan các sản phẩm như rổ, rá, thúng, nia… phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Năm 2005, Công Bồi được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người dân chuyển sang đan các sản phẩm như giỏ, sọt đựng hàng hóa cho các công ty, doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ sành, sứ trong huyện. Những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất đồ sành, sứ của huyện Tiền Hải phát triển, cùng với đó là nhu cầu sử dụng giỏ đựng hàng hóa tăng theo, vì thế nghề đan tre có điều kiện phát triển mạnh tại làng nghề Công Bồi. Hiện nay, làng nghề có gần 70 hộ gia đình làm nghề đan tre, giải quyết việc làm cho gần 200 lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Chị Lê Thị Tươi, người có nhiều năm làm nghề đan tre cho biết: Ðầu tháng, gia đình tôi nhận đan hơn 2.000 chiếc sọt đựng hàng cho Công ty Sứ Ðông Lâm và Công ty TNHH Sứ Hảo Cảnh tại Khu công nghiệp Tiền Hải nên hai lao động làm nghề của gia đình phải làm gấp để kịp giao hàng; ngoài ra còn đan các giỏ để trồng cây cho các công ty giống cây trồng… Trung bình một lao động đan được khoảng 30 - 40 chiếc sọt đựng hàng mỗi ngày, với tiền công 3.000 đồng/ chiếc, tính ra thu nhập cũng được hơn 100.000 đồng/ngày. Có quy mô sản xuất lớn hơn gia đình chị Tươi, cơ sở đan tre của anh Lê Văn Mấn tại làng nghề Công Bồi có 5 lao động làm việc. Anh Mấn cho biết: Hàng tháng, cơ sở của gia đình tôi làm ra hơn 5.000 chiếc sọt đựng hàng cho doanh nghiệp sản xuất đồ sành, sứ cùng hơn 2.000 sản phẩm giỏ để trồng cây, đem lại doanh thu hơn 20 triệu đồng, thu nhập trung bình đạt 3 triệu đồng/người/tháng. Ðặc điểm của nghề đan tre là đơn giản, không khó, người già hay em nhỏ đều có thể làm được. Người dân mua nguyên liệu tre về cắt thành các khúc dài, ngắn khác nhau rồi chẻ và vót thành những que nan nhỏ, sau đó tiến hành đan các sản phẩm theo nhu cầu sử dụng. Ðể phục vụ nguyên liệu sản xuất, trong làng nghề hiện có vài ba hộ chuyên cung cấp tre cho người dân, tre được nhập từ các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa…

 

Ðể nâng cao hiệu quả kinh tế và tính bền vững cho làng nghề đan tre Công Bồi cần đa dạng hơn nữa các sản phẩm, trong đó đi vào các sản phẩm tre đan mỹ nghệ hiện đại với các kiểu bàn ghế bằng tre, kết bằng mây, giỏ xách, các loại lẵng hoa, giá treo đèn trang trí… và một số mặt hàng phục vụ du lịch. Hiện nay, không ít làng nghề truyền thống nổi tiếng làm nghề đan lát các sản phẩm từ tre trên cả nước thành công nhờ đi theo hướng sản xuất mới này như làng nghề đan Nam Cường (huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội), làng nghề Bao La (tỉnh Thừa Thiên - Huế)… Hy vọng, với bản tính cần cù và lòng yêu nghề, gắn bó với nghề sẽ là động lực chính để gắn kết những bàn tay, khối óc của cả làng nghề trong quá trình tìm ra một hướng đi mới cho sản phẩm đan lát Công Bồi.

Trần Tuấn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày