Thứ 7, 24/05/2025, 09:36[GMT+7]

Làng nghề Tiền Phong: Ngày ấy – bây giờ

Thứ 2, 25/05/2015 | 08:50:18
1,295 lượt xem
Làng Tiền Phong, thị trấn Hưng Nhân là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển nghề ở Hưng Hà. Trải qua nhiều khó khăn, làng nghề Tiền Phong vẫn duy trì và phát triển.

Nghề dệt ở làng nghề Tiền Phong.

 

Làng nghề Tiền Phong có từ những năm 1960, tiền đề là HTX Dệt cao cấp Tiền Phong với 270 hộ, 486 khẩu. Người dân trong làng trước đây là thợ của làng nghề Phương La (xã Thái Phương) có truyền thống về nghề dệt từ lâu đời, di chuyển lên Tiền Phong để ở và phát triển nghề. Mặc dù mỗi gia đình chỉ có 6m2 đất để làm nghề, ăn ở tập thể, mọi chế độ sinh hoạt đều dùng chung nhưng họ đã quây quần bên nhau, làm việc với tinh thần cao nhất để tạo ra các sản phẩm phục vụ đất nước. Giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 1960 - 1964 của HTX đạt trên 330.000 đồng/năm. Đây là HTX có số lượng công nhân lớn nhất thời bấy giờ, cũng là thời kỳ phát triển sôi động nhất của HTX nói riêng, của thị trấn Hưng Nhân nói chung. Chuyên dệt các loại vải phục vụ tiêu dùng ở miền Bắc và chiến trường ở miền Nam, nghề dệt của làng nổi tiếng khắp nơi, góp phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Năm 1965, HTX đầu tư xây dựng một dãy nhà 11 gian rộng trên 1.000m2, đưa vào 44 máy dệt; đồng thời mạnh dạn đi học hỏi và du nhập thiết bị ở các địa phương để cải tiến từ máy “chân dận tay kéo” thành máy “chân dận”, đưa năng suất tăng cao gấp 3 lần so với trước đó. Trong những thời điểm giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, HTX phải sơ tán ở các xã lân cận nhưng các hộ vẫn mang theo máy móc, thiết bị để duy trì sản xuất, thực hiện đủ kế hoạch Nhà nước giao. Tới năm 1968, HTX vô cùng khó khăn do giặc Mỹ đánh phá mạnh, nguồn nguyên liệu khan hiếm, việc làm hạn chế, một số lao động phải đi khai hoang nên lực lượng trong làng nghề bị san mỏng, chỉ còn một số người trụ lại với nghề. Khi chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt, HTX vẫn nỗ lực tìm cách vươn lên. Năm 1973, HTX đi đầu thực hiện công nghiệp hóa bằng việc tự bỏ kinh phí để đầu tư xây dựng trạm biến thế, đường dây đưa điện phục vụ sản xuất. Đây là mốc son đánh dấu sự phát triển lớn mạnh thời bấy giờ. Khi đất nước thống nhất, HTX vừa sản xuất hàng xuất khẩu vừa sản xuất hàng tiêu dùng, đồng thời phát triển thêm HTX Tiền Phong 2, tiếp nhận thêm xưởng gỗ. Xác định sản phẩm tiêu dùng trong xã hội lúc này rất khó khăn, HTX chuyển sang dệt màn, dệt khăn mặt và vải sa tanh. Thời gian sau, HTX tiếp tục du nhập thêm một số nghề như thảm đay, thảm len phục vụ xuất khẩu, từ đó trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu tỉnh về sản xuất len và đay, mang ngoại tệ về cho đất nước.

 

Khi Nhà nước xóa bỏ cơ chế bao cấp, HTX giải thể, tất cả công nhân trong HTX đều không có ruộng, không có chế độ nhưng họ vẫn duy trì và phát triển nghề, đi lên từ chính đôi bàn tay của mình. Đến nay, làng nghề Tiền Phong đã có hàng trăm máy dệt khăn xuất khẩu với 120 hộ tham gia làm nghề, đưa giá trị sản xuất của nghề dệt chiếm 90% tổng giá trị sản xuất của làng nghề. Khó khăn hiện nay của làng nghề Tiền Phong là diện tích nhỏ, chỉ có 18.000m2, đường vào làng xuống cấp nghiêm trọng. Người dân trong làng sống chủ yếu bằng sản xuất hàng hóa xuất khẩu nên phụ thuộc hoàn toàn vào việc ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài. Mặc dù vậy, hàng năm làng nghề Tiền Phong vẫn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản hàng nghìn tấn hàng, đạt giá trị trên 30 tỷ đồng.

 

Thực hiện chủ trương “Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, những năm qua, Chi bộ thôn Tiền Phong đã bám sát nghị quyết của các cấp làm cơ sở vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế của địa phương. Để tiếp tục tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thời gian tới, Chi bộ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân nâng cấp thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Tiếp tục khai thác thị trường xuất khẩu, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bạn hàng trong nước...

 

Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày