Thứ 5, 01/08/2024, 15:16[GMT+7]

Phát triển nghề ở Quỳnh Hoàng Góp phần cải thiện đời sống người dân

Thứ 2, 08/06/2015 | 08:32:30
1,173 lượt xem
Những năm qua, kinh tế xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) có bước phát triển khá, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Có được kết quả đó là do xã đã có nhiều chủ trương, giải pháp duy trì và phát triển nghề truyền thống, du nhập nghề mới về địa phương.

Cơ sở đúc nhôm Nguyễn Viết Điểu tạo việc làm cho 20 lao động.

Là địa bàn rộng, đông dân (15 thôn với trên 10.700 nhân khẩu), Quỳnh Hoàng xác định cần đẩy mạnh phát triển nghề để không ngừng nâng cao đời sống người dân, tạo việc làm cho nhiều lao động lúc nông nhàn. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để làng nghề truyền thống phát triển. Các nghề được duy trì như đúc đồng, nhôm ở thôn An Lộng, mây tre đan ở thôn Ngọc Minh, làm bún bánh ở thôn Đồng Niên. Ngoài ra, các thôn trong xã đều có các nghề xây, mộc, may, hàn xì..., thu hút hàng trăm lao động tham gia.

Năm 2003, Quỳnh Hoàng có làng nghề mây tre đan ở thôn Ngọc Minh được UBND tỉnh cấp bằng công nhận. Đây là nghề truyền thống từ lâu của địa phương, chủ yếu là đan rổ, rá, thúng. Ngày đó, nghề mây tre đan phát triển mạnh, cả làng làm nghề với trên 200 hộ tham gia, từ người già đến trẻ em đều làm nghề, thu nhập mỗi hộ đạt bình quân trên 100.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, khoảng 4 năm trở lại đây, do sản phẩm không tiêu thụ được, giá trị sản phẩm thấp, người lao động chuyển sang làm nhiều nghề có thu nhập cao hơn nên nghề mây tre đan đã suy giảm. Tới nay chỉ còn 30 hộ với khoảng 60 lao động tham gia làm nghề.

Ở Quỳnh Hoàng, nổi bật hơn cả là nghề đúc đồng ở thôn An Lộng. Nghề này đã thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp của xã ngày một tăng cao. Đây cũng là nghề truyền thống có từ hơn 50 năm nay do cụ tổ của làng nghề là người Thanh Hóa ra Quỳnh Hoàng sinh sống và truyền nghề. Nghề đúc đồng thịnh hành nhất là những năm 1980, thời đó cả làng cùng sản xuất các sản phẩm phục vụ đời sống dân sinh, được tiêu thụ trong cả nước như chậu, xoong, nồi, mâm, ấm. Tuy nhiên, đây là nghề vất vả, để có được sản phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn, trong đó hầu hết đều làm thủ công nên đến nay các hộ đã tụ họp lại còn hơn 10 cơ sở đúc đồng, nhôm lớn, tạo việc làm cho hơn 100 lao động tại chỗ và hàng trăm lao động thu gom phế liệu. Bình quân mỗi tháng các hộ đúc trên 7 tấn đồng, nhôm các loại, thu lãi trên 100 triệu đồng/hộ/năm.

Tới thăm cơ sở đúc đồng Lục Dung, ông Nguyễn Văn Lục, chủ cơ sở cho chúng tôi biết: Trước đây chủ yếu là đúc nhôm, sản xuất ra các sản phẩm dân dụng thông thường. Tuy nhiên, đời sống xã hội ngày càng được nâng cao nên từ năm 2000 trở lại đây chúng tôi đã phát triển mạnh sang đúc đồng, trong đó chủ yếu là đúc đồ thờ cúng, chuông và tượng. Bình quân mỗi năm cơ sở đúc vài chục bộ đồ thờ, 10 quả chuông và 5 pho tượng, đem lại lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/năm. Từ đầu năm đến nay, cơ sở nhận được khá nhiều đơn đặt hàng, trong đó đã đúc 7 quả chuông, 15 bộ đỉnh hương và 3 pho tượng. Theo ông Lục, nghề đúc đồng đang có xu hướng phát triển tốt, ngày càng có nhiều khách đến đặt các mặt hàng sản xuất từ đồng. Tới cơ sở đúc nhôm Nguyễn Viết Điểu, chúng tôi được chứng kiến hàng chục lao động đang miệt mài làm việc mặc cho thời tiết nắng nóng. Ông Điểu, chủ cơ sở cho biết: Đã hơn 30 năm nay, bình quân mỗi năm gia đình tôi sản xuất khoảng 30 tấn sản phẩm xuất bán trong cả nước. Năm 2005, tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua hệ thống máy móc đưa vào sản xuất. Không chỉ đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm, cơ sở còn tạo việc làm cho 20 lao động tại chỗ với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng cùng hàng chục lao động thu gom phế liệu trong và ngoài xã.

Những kết quả trên đã đưa lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Quỳnh Hoàng chiếm tỷ lệ 33,2% trong cơ cấu kinh tế. Cơ cấu lao động của xã cũng chuyển dịch đáng kể. Hiện nay, số lao động có nghề ở Quỳnh Hoàng đạt 42% so với tổng số lao động trong độ tuổi, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 29,51 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,7% năm 2013 xuống còn 4,2% năm 2014.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Quỳnh Hoàng cũng còn nhiều hạn chế trong phát triển nghề như: sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ theo quy mô gia đình, mẫu mã hàng hóa còn đơn điệu, tính thẩm mỹ của một số sản phẩm chưa cao. Việc thu hút nguồn lao động có trình độ tay nghề cao cũng như áp dụng công nghệ cao vào sản xuất còn nhiều khó khăn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, thiếu tính bền vững, chưa xây dựng được thương hiệu làng nghề, sức cạnh tranh sản phẩm so với khu vực còn yếu. Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, thời gian tới, Quỳnh Hoàng tiếp tục tuyên truyền, vận động để nhân dân tích cực hơn trong việc mở rộng, phát triển các ngành nghề truyền thống và du nhập nghề mới. Tiếp thu khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất theo quy mô tập trung, trong đó thành lập các tổ hợp và các doanh nghiệp sản xuất trong làng nghề. Động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển nghề, đồng thời hỗ trợ tham quan, học tập kinh nghiệm ở các làng nghề trong và ngoài huyện.

Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày