Chủ nhật, 25/05/2025, 15:07[GMT+7]

Thực trạng nghề và làng nghề ở Tiền Hải

Thứ 6, 12/06/2015 | 08:33:11
4,354 lượt xem
Những năm qua, sự phát triển nghề và làng nghề ở Tiền Hải đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của huyện. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của nhiều làng nghề trong huyện hiện đang gặp không ít khó khăn, một số làng nghề có dấu hiệu giảm sút, thậm chí không còn duy trì sản xuất.

Hoạt động sản xuất tại Doanh nghiệp tư nhân Mây tre đan xuất khẩu Tây An, xã Tây An (Tiền Hải).

Hiện nay, Tiền Hải có 27 làng nghề và 1 xã nghề. Những năm gần đây, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt từ 240 - 250 tỷ đồng/năm giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động với thu nhập bình quân gần 2 triệu đồng/người/tháng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua thì sự phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn huyện vẫn còn những khó khăn nhất định. Trong 27 làng nghề của huyện có tới 8 làng nghề đang hoạt động cầm chừng như làng nghề Trung Đức (xã Đông Trung), Thư Điền (xã Tây Giang), Tân Phú (Bắc Hải)…; 4 làng nghề không còn duy trì sản xuất là Văn Hải (xã Đông Phong), Đông Biên (xã Nam Hồng), Phương Trạch (xã Phương Công), Lạc Thành (xã Tây Ninh).

Nam Hải là 1 trong 5 xã của huyện, hiện có 2 làng nghề đang hoạt động là An Tứ làm nghề mây tre đan, An Hạ làm nghề dệt chiếu cói. Như trước đây, làng nghề An Hạ thu hút hơn 200 hộ làm nghề dệt chiếu cói trên tổng số gần 300 hộ thì đến nay chỉ còn hơn chục hộ theo nghề. Nguyên nhân chính là do chậm áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất. Trong khi nhiều làng nghề dệt chiếu cói khác trong và ngoài tỉnh đã đưa máy dệt chiếu công nghiệp vào sản xuất từ nhiều năm trước đây nhưng đến nay làng nghề An Hạ vẫn chủ yếu dệt chiếu bằng go thủ công. Riêng chỉ có cơ sở sản xuất chiếu của ông Nguyễn Xuân Đỉnh trong làng nghề là sản xuất bằng máy dệt chiếu bán công nghiệp. Chính vì dệt thủ công nên năng suất và thu nhập không cao, sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường, nhiều gia đình đã bỏ nghề.

Làng nghề Phương Trạch (xã Phương Công) làm nghề mây tre đan là 1 trong 4 làng nghề của huyện đến nay không còn duy trì sản xuất. Trước đây, làng nghề này chủ yếu sản xuất các sản phẩm như rổ, rá, thúng bằng tre… Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng các sản phẩm này của người dân không còn nhiều như trước nên sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ, lao động trong làng nghề bỏ nghề chuyển sang làm việc khác. Phương Trạch, An Hạ chỉ là hai trong số nhiều làng nghề trên địa bàn huyện Tiền Hải đang có dấu hiệu suy giảm hoặc dừng sản xuất. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghề và làng nghề ở Tiền Hải đi xuống, trong đó cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới việc phát triển nghề, chưa chủ động phối hợp với ngành chức năng trong việc thu hút nghề về địa phương. Ngoài ra, các mặt hàng do làng nghề làm ra chất lượng thấp, đầu ra khó khăn, chi phí đầu vào tăng dẫn đến thu nhập của lao động không cao.

Toàn huyện Tiền Hải hiện có 4 doanh nghiệp hoạt động trong làng nghề như Doanh nghiệp tư nhân Mây tre đan xuất khẩu Tây An, Doanh nghiệp tư nhân Phương Anh (xã Tây An), Doanh nghiệp đồ gỗ mỹ nghệ Liên Sơn (xã Nam Hà), HTX thủy tinh Giang Long chuyên sản xuất sành sứ. Thực tế cho thấy, sự phát triển của các doanh nghiệp trong làng nghề ở Tiền Hải có vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất của làng nghề tại địa phương. Các doanh nghiệp này đã đáp ứng yêu cầu về tổ chức sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề.

"Thời gian qua, huyện đã tạo điều kiện về tổ chức, kinh phí để giới thiệu sản phẩm của làng nghề; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm; tạo mọi điều kiện để các hộ và cơ sở sản xuất ở nông thôn phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp; chú trọng công tác quy hoạch đất phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất tập trung của làng nghề; hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật sản xuất và đào tạo phát triển nguồn nhân lực. "

(Ông Vũ Văn Toan, Phó Trưởng phòng Công Thương huyện Tiền Hải)

Trần Tuấn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày