Thứ 4, 24/07/2024, 12:21[GMT+7]

Phú Lương Duy trì nghề truyền thống, du nhập nghề mới

Thứ 5, 18/06/2015 | 14:41:52
1,106 lượt xem
Phú Lương là xã nội đồng của huyện Đông Hưng, có 5 thôn, 7.800 nhân khẩu. Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, nhiều năm nay, địa phương luôn chú trọng phát triển nghề, không chỉ duy trì và phát huy tốt nghề truyền thống mà còn du nhập nhiều nghề mới, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

Cơ sở móc hộp Nguyễn Thị Phương duy trì nghề móc hộp truyền thống, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Chủ tịch UBND xã Phú Lương cho biết: Toàn xã hiện có 2 công ty, hơn 10 cơ sở sản xuất lớn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Năm 2003, Phú Lương đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống ở thôn Duyên Tục với hai nghề chính là khâu nón và móc hộp. Thời kỳ đó, làng nghề phát triển rầm rộ, hầu hết các hộ đều tham gia làm nghề. Đặc biệt, hai nghề này đã thu hút được phần lớn lực lượng ngoài độ tuổi lao động tham gia với thu nhập bình quân từ 1 - 1,2 triệu đồng/người/tháng. Điển hình như cơ sở Nguyễn Trọng Bất đã duy trì và phát triển nghề khâu nón hàng chục năm qua, đến nay vẫn tạo việc làm cho hàng chục lao động của làng. Tuy nhiên, do xã hội ngày càng phát triển, nhiều ngành nghề mới xuất hiện, giá trị thu nhập của nghề truyền thống thấp nên nhiều lao động đã chuyển sang làm những nghề có thu nhập cao hơn. Toàn xã hiện còn khoảng 700 lao động làm nghề khâu nón, móc hộp, thu nhập bình quân đạt từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Bù lại, thời gian qua, Phú Lương đã có nhiều nghề mới được du nhập, trong đó nghề bóc long nhãn và hạt sen đã thu hút được nhiều lao động tham gia. Mặc dù giá trị ngày công không cao nhưng đây cũng là hai nghề không đòi hỏi về kỹ thuật, tay nghề, làm đơn giản nên đã tận dụng được nguồn lao động trong lúc nông nhàn.

Tới cơ sở móc hộp Nguyễn Thị Phương ở thôn Duyên Tục, chúng tôi được biết: Năm 2004, gia đình chị Phương mở cơ sở móc hộp, thu hút 600 lao động của xã tham gia làm nghề trong lúc nông nhàn. Tới nay, cơ sở vẫn duy trì nghề móc hộp, trung bình mỗi tháng đạt 3 tấn sản phẩm, bình quân mỗi lao động thu nhập đạt 1,5 triệu đồng/tháng. Năm 2014, cơ sở mở thêm nghề bóc long nhãn và hạt sen, thu hút thêm nhiều lao động nông nhàn khác, nhất là người già. Tới nay, tính riêng với hai nghề mới du nhập cơ sở đã tạo việc làm cho khoảng 1.000 người. Tính bình quân mỗi tháng, cơ sở nhập trên 30 tấn long nhãn và hạt sen. Đặc thù của những nghề này là người lao động không phải làm việc tập trung, có thể đem nguyên liệu về nhà làm nên họ vừa làm nghề vừa làm được việc nhà và việc đồng áng.

Cơ sở móc hộp Mai Thị Nhâm cũng là một trong những hộ tích cực phát triển nghề ở thôn Duyên Tục. Chị Nhâm cho biết: Làm nghề từ hàng chục năm nay, từ khi còn làm nghề khâu nón tới khi mở cơ sở móc hộp song chưa bao giờ tôi thấy nghề phát triển nhiều, đa dạng như hiện nay. Mặc dù lợi nhuận không cao như nhiều ngành nghề khác song 9 năm qua tôi đã gắn bó với nghề móc hộp, tạo việc làm thường xuyên cho trên 300 lao động. Không dừng lại ở đó, năm 2014 chị Nhâm tiếp tục du nhập thêm nghề làm mạch điện thiết bị đèn pin và bước vào năm 2015 chị phát triển thêm nghề khâu làn.

Ngoài những nghề trên, một số nghề khác cũng đang phát triển khá mạnh ở Phú Lương như nghề may, hiện tại đã thu hút 1.000 lao động với thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng. Công ty May Đức Huy, mặc dù mới được thành lập năm 2014 nhưng đã tuyển dụng được 600 lao động vào làm; Chi nhánh Công ty TNHH Phúc Tài Lộc thành lập năm 2013, tạo việc làm cho 100 lao động. Ngoài ra, Phú Lương còn có khoảng 500 lao động làm nghề xây dựng, trong đó có 3 tổ thợ lớn chuyên đi xây ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, mang lại thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng...

Sự phát triển đa dạng các ngành nghề đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Phú Lương năm 2013 đạt 35 tỷ đồng, năm 2014 đạt 38,4 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 31 triệu đồng.

Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày