Thứ 6, 26/07/2024, 14:28[GMT+7]

Người giữ lửa làng nghề

Thứ 2, 29/06/2015 | 09:27:55
1,940 lượt xem
Minh Lãng (Vũ Thư) từ lâu được biết đến với nghề thêu truyền thống. Trải qua hàng thế kỷ đến nay người dân nơi đây vẫn giữ được nghề bằng các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hơn 20 năm gắn bó với nghề truyền thống, bằng tấm lòng, sự say mê, ông Hoàng Đình Chiêm ở thôn Phù Lôi đã góp phần gìn giữ nét đẹp, nét duyên của nghề thêu truyền thống Minh Lãng. Từ nghề thêu, ông cùng với gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo, giúp nhiều chị em phụ nữ tại địa phương có việc làm,

Ông Hoàng Đình Chiêm kiểm tra sản phẩm trước khi xuất khẩu.

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thêu truyền thống, ngay từ nhỏ, ông Chiêm đã được cha mẹ truyền dạy từng đường kim mũi chỉ tạo nên những sản phẩm để làm đẹp cho cuộc sống. Năm 1986, sau khi xây dựng gia đình, ông quyết định mở cơ sở thêu nhỏ với khoảng 20 công nhân, chủ yếu là người dân địa phương. Lúc mới thành lập,  cơ sở gặp nhiều khó khăn do mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, lượng khách hàng ít, tưởng chừng như phải ngừng hoạt động. Không nản lòng trước khó khăn, ông vừa duy trì sản xuất vừa lo tìm kiếm thị trường và tìm hiểu nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước. Trời không phụ lòng người, cơ sở của ông ngày một phát triển và nhận được sự quan tâm của các bạn hàng đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc...

 

Năm 1998, nhận thấy nhu cầu của thị trường còn rất dồi dào, ông quyết định thành lập Công ty TNHH Thêu xuất khẩu Tuấn Dương. Hiện nay, Công ty đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 700 lao động vệ tinh với thu nhập bình quân từ 3,4 - 3,6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, Công ty sản xuất hàng nghìn sản phẩm khăn, áo Hanbok và Kimono truyền thống theo yêu cầu của khách hàng Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông Chiêm tâm sự: Không như nhiều ngành nghề khác, thêu là nghề thủ công, ngoài đôi bàn tay khéo léo thì mỗi người thợ cũng cần có đôi mắt tinh tường và đức tính cần mẫn, tỉ mỉ. Mỗi sản phẩm thêu không chỉ đơn giản là việc sắp xếp những khối chỉ màu theo đường nét có sẵn mà người thêu phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Cùng một mẫu thêu nhưng mỗi người với những cảm xúc khác nhau sẽ tạo nên những cách phối màu riêng, mang “hồn” riêng.

 

Chị Lê Thị Thư ở thôn Phù Lôi, xã Minh Lãng cho biết: Công việc hàng ngày của tôi là thêu các chi tiết trang trí trên các trang phục truyền thống như khăn, áo Hanbok của Hàn Quốc và Kimono của Nhật Bản, ngoài ra còn thêu các sản phẩm khác theo yêu cầu của Công ty. Làm việc tại đây, tôi rất yên tâm bởi lương được trả đều đặn hàng tháng. Sau giờ làm, chúng tôi còn được nhận hàng về nhà tranh thủ làm thêm. Với thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/tháng đã giúp gia đình bớt khó khăn rất nhiều. Đến nay, tôi đã gắn bó với Công ty TNHH Thêu xuất khẩu Tuấn Dương được gần 10 năm”.

 

Giữ nghề truyền thống đã khó nhưng phát triển nghề truyền thống còn khó hơn. Trong quá trình gìn giữ và phát triển nghề, ông Chiêm luôn tìm tòi, học hỏi, thay đổi, sáng tạo ra những mẫu mã kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tạo ra những sản phẩm độc đáo, được bạn hàng ưa chuộng. Những nỗ lực của ông đã được đền đáp, sản phẩm của Công ty TNHH Thêu xuất khẩu Tuấn Dương hiện đã được xuất khẩu đi một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, ông Chiêm cho biết, nghề thêu Minh Lãng hiện đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn luôn mong muốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần đưa nghề thêu ở Minh Lãng ngày càng phát triển.

 

Phạm Hưng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày