Thứ 5, 22/05/2025, 13:55[GMT+7]

Nguyên Xá Hiện đại hóa nghề mộc truyền thống

Thứ 2, 06/07/2015 | 08:38:49
3,753 lượt xem
Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh đưa máy móc và áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất đã giúp nghề mộc ở xã Nguyên Xá (Vũ Thư) phát triển mạnh. Hiện nay, 100% cơ sở sản xuất và hộ làm nghề mộc trong xã đã áp dụng máy móc vào quá trình sản xuất, đặc biệt là máy chạm khắc gỗ bằng công nghệ tiên tiến CNC.

Nghề mộc tại xã Nguyên Xá.

Cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp là một trong những cơ sở lớn sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề thôn Thái, xã Nguyên Xá. Doanh thu hàng năm của cơ sở đạt trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 25 lao động với thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Những năm gần đây, cơ sở Khởi Tiếp cùng nhiều cơ sở khác trong làng nghề đã đầu tư mua sắm, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất. Những dụng cụ lao động thủ công trước đây như dùi đục, cưa gỗ bằng tay… đã được thay thế bằng máy cưa, máy vanh, máy cuốn gỗ, máy chạm khắc gỗ công nghệ CNC… Hiện nay, 80% hoạt động nghề mộc ở thôn Thái đều sử dụng máy móc có giá từ vài triệu đồng đến nửa tỷ đồng/chiếc. Một thợ vận hành máy tại cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp cho biết: Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ làm ra từ máy chạm khắc gỗ công nghệ CNC nhanh và tinh xảo hơn so với làm thủ công. Nếu trước đây, để đục một bức tranh đồng quê có kích cỡ 30x70cm thì một người thợ lành nghề phải làm tới 16 giờ. Trong  khi đó, với máy chạm khắc gỗ công nghệ CNC thời gian chỉ mất 6 giờ.

Năm 2003, thôn Thái được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Nghề mộc có ở thôn Thái từ nhiều đời nay, tuy nhiên từ năm 2010 đến nay mới thực sự phát triển mạnh. Để có sự phát triển này, các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề ở đây đã không ngừng đầu tư, đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng. Dọc hai bên tỉnh lộ 463 đoạn đi qua làng nghề kéo dài hơn 2km có hàng chục cơ sở sản xuất và cửa hàng kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ san sát nhau. Trong làng nghề hiện có gần 20 cơ sở sản xuất lớn và hàng chục hộ gia đình chuyên làm nghề mộc, sản xuất ra các loại sản phẩm từ đồ gỗ mỹ nghệ đến đồ gỗ dân dụng. Giá trị sản xuất của làng nghề luôn đạt từ 80 - 100 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động với thu nhập bình quân từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Máy chạm khắc gỗ bằng công nghệ CNC tại cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp.

Để tạo điều kiện cho nghề mộc truyền thống của địa phương phát triển, năm 2009, xã Nguyên Xá đã quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 15ha, đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng trong cụm công nghiệp. Đến nay, cụm công nghiệp đã thu hút được 3 doanh nghiệp may và 6 cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động trực tiếp và 600 lao động vệ tinh với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho các cơ sở đồ gỗ của làng nghề thôn Thái đầu tư ra cụm công nghiệp, tiếp cận với các nguồn vốn vay để đầu tư mua sắm máy móc đưa vào sản xuất.

Đồng chí Nguyễn Hữu Chước, Bí thư Đảng ủy xã

Những năm gần đây, địa phương đã tổ chức cho các hộ làm nghề mộc đi học tập và tham quan thực tế tại các làng nghề mộc nổi tiếng như Ðồng Kỵ (Bắc Ninh), La Xuyên (Nam Ðịnh), qua đó không chỉ giúp các hộ nâng cao nhận thức về vai trò của làng nghề mà còn giúp họ tìm hiểu về các loại máy móc, công nghệ sản xuất mới để áp dụng tại địa phương.

Anh Nguyễn Văn Tiếp, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp

Việc đưa máy móc vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất, giảm chi phí nhân công, hạ giá thành sản phẩm, qua đó tạo cho sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề thôn Thái có sức cạnh tranh với các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của các doanh nghiệp, làng nghề khác.

Trần Tuấn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày