Thứ 7, 03/08/2024, 07:20[GMT+7]

Cải thiện môi trường làng nghề cần sự chung tay của người dân, doanh nghiệp

Thứ 2, 07/09/2015 | 09:25:51
1,168 lượt xem
Ô nhiễm môi trường làng nghề đang là vấn đề “nóng” được các cấp, các ngành quan tâm. Để giải quyết vấn đề này nhưng không ảnh hưởng tới yếu tố kinh tế, văn hóa, thói quen, cần sự chung tay vào cuộc của người dân, doanh nghiệp làng nghề.

Công nghệ lạc hậu là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường từ làng nghề. Trong ảnh: Hệ thống máy móc của Công ty TNHH CBA (Cụm công nghiệp xã Thái Phương, huyện Hưng Hà).

Phát triển làng nghề đồng nghĩa với phát triển kinh tế, mang lại lợi ích, của cải vật chất cho xã hội; tạo việc làm, giải quyết vấn đề dân sinh. Nhưng ngược lại, việc sản xuất gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường lại là mặt trái chưa thể khắc phục triệt để. Hiện toàn tỉnh có 245 làng nghề, trong đó nhiều làng nghề thu hút trên 60% lao động so với tổng số lao động của xã vào các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp với mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, với công nghệ sản xuất lạc hậu, sử dụng nhiều nhiên liệu đầu vào, quy trình sản xuất không khép kín, hệ thống xử lý chất thải không được đầu tư, hệ thống tổ chức và quy chế quản lý môi trường các làng nghề chưa hoàn chỉnh cũng là những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, kéo theo hàng loạt những vấn đề về ô nhiễm không khí, nước mặt, nước ngầm… Ô nhiễm môi trường làng nghề là "thủ phạm" chính làm gia tăng tỷ lệ người lao động mắc bệnh, sinh sống tại các làng nghề đó và tỷ lệ này có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Nhưng nhiều người dân sinh sống tại các làng nghề đều cho rằng, chuyện ô nhiễm môi trường không ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe, đời sống của họ. Từ tâm lý này đã dẫn đến việc người dân bàng quan, không tìm giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, sống chung với môi trường ô nhiễm từ đời này qua đời khác.

Đến nay, Thái Bình đã quy hoạch 2 cụm công nghiệp làng nghề: Nguyên Xá (Vũ Thư) và Thái Phương (Hưng Hà) để di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề ra sản xuất tập trung. Đồng thời, phê duyệt 3 dự án nhằm xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường cho 3 làng nghề: chế biến thủy sản xã Thụy Hải (Thái Thụy), chế biến nông sản xã Vũ Hội (Vũ Thư), dệt nhuộm Phương La, xã Thái Phương (Hưng Hà). Tuy nhiên, hiện chỉ có dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề dệt nhuộm Phương La đang được triển khai thực hiện (chưa hoàn thành để đưa vào hoạt động).

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề sẽ chưa thể khắc phục trong "một sớm, một chiều" do cần nguồn kinh phí đầu tư lớn. Vì vậy, những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương triển khai nhiều giải pháp giúp làng nghề khắc phục tình trạng ô nhiễm như: đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân; vận động các hộ sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề đầu tư công nghệ, thiết bị mới không ảnh hưởng đến môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề "nóng" về ô nhiễm; di dời, đình chỉ sản xuất đối với những cơ sở gây ô nhiễm không tuân thủ các quy định về môi trường.

Để làng nghề phát triển bền vững cần một giải pháp tổng thể nhằm phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao năng lực quản lý; tỉnh cần tiếp tục triển khai xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề có mức độ ô nhiễm cao; nhanh chóng đưa các nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào các cụm công nghiệp làng nghề đã được quy hoạch. Tuy nhiên, quan trọng nhất là người dân, doanh nghiệp làng nghề phải tự ý thức và có trách nhiệm bảo vệ môi trường, không vì lợi ích trước mắt mà xem nhẹ môi trường sống.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày