Thứ 3, 23/07/2024, 12:25[GMT+7]

Gian nan nghề muối Tam Đồng

Thứ 2, 23/11/2015 | 09:46:30
2,453 lượt xem
Nghề muối, từ bao đời nay đã trở thành nghề sản xuất chính của diêm dân làng Tam Ðồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy. Những hạt muối mặn mòi đã gắn bó và là kế mưu sinh của người dân ven biển, vì thế, nó cũng truân chuyên, cũng thăng trầm, vất vả. Hiện nay, muối Tam Ðồng đang gặp cảnh giá cả bấp bênh, hạt muối vẫn mặn nhưng giá bán thì lại “nhạt”, tuy vậy, diêm dân nơi đây vẫn quyết tâm bám nghề.

 

Có mặt tại làng muối lớn nhất tỉnh những ngày này, chúng tôi nhận thấy, nếu như mọi năm nắng là cơ may trời tặng diêm dân Tam Ðồng để cho ra những ruộng muối trắng, mặn, năng suất cao thì mùa nắng này mọi việc lại khác. Thay cho sự tấp nập, hăng say của bà con diêm dân bên những ô muối là hình ảnh nhiều ruộng muối bị bỏ hoang, hệ thống ô chạt, bể lọc vắng người thau rửa. Loáng thoáng một vài người cao tuổi cặm cụi chang cát, họ tiếc nắng, nhớ nghề mà làm một vài khoảnh muối thôi. Lau vội những giọt mồ hôi trên khóe mắt nhăn nheo, bà Nguyễn Thị Dọng, 60 tuổi, buồn rầu tâm sự: Năm ngoái làm hai sào hai thước cũng không ăn thua gì vì giá muối rẻ lắm. Cả một năm mới được mấy triệu bạc mà vất vả, nhọc nhằn, con cháu phải phụ thêm. Ngày xưa, nước còn sạch thì làm một ngày hai thúng 60kg nhưng giờ nếu nắng to thì một ngày mới làm được 30 - 40kg.

 

Quy hoạch từ năm 1960, đồng muối của HTX Tam Ðồng có diện tích gần 40ha. 40ha đó gắn với cuộc sống của bà con diêm dân. Ðã qua biết bao mùa nắng trải trên đồng mang theo hàng trăm nghìn tấn muối đọng, trong đó có mồ hôi, những vui, buồn nghề muối. Thời kỳ bao cấp, khi  nhà nước còn thu mua muối, HTX Tam Ðồng luôn đứng đầu tỉnh về năng suất. Ðây cũng là HTX duy nhất của tỉnh đến nay còn lưu giữ nghề muối truyền thống. Tuy nhiên, nguy cơ xóa nghề ở đây đang cận kề bởi  hạt muối Thái Bình đang phải cạnh tranh với muối nhập khẩu, kéo theo giá muối xuống thấp, chỉ còn từ 1.300 - 1.400 đồng/kg. Ðó là chưa kể tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thời tiết không theo quy luật. Vì thế, người làm muối thủ công phải ngóng nắng, phải làm rất vất vả để bảo toàn năng suất. Mặc dù vậy, thu nhập bình quân của một lao động cũng chỉ đạt từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng. Hơn nữa, đồng muối Tam Ðồng xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2010, được cấp trên hỗ trợ 8 tỷ đồng, địa phương đã đầu tư sửa chữa hệ thống kênh mương song vẫn chỉ là khắc phục phần nhỏ. Ước tính năm 2015 sản lượng muối Tam Ðồng giảm 40% so với năm 2014. Sản lượng giảm, giá thành thấp khiến cho cuộc sống của diêm dân Tam Ðồng đã khó khăn lại càng khó khăn hơn nhưng họ cũng không biết phải “xoay” sang làm nghề gì mà vẫn mong được gắn bó với nghề muối. Trao đổi với bà Nguyễn Thị Nhẹn, 53 tuổi, một trong những lao động cần mẫn, chuyên tâm với nghề, chúng tôi càng hiểu hơn điều đó. “Thường thường tôi làm 3 sào nhưng thấy cánh đồng bỏ hoang nhiều nên tôi tiếc, làm thêm 4 sào nữa là 7 sào. Bản thân tôi vẫn muốn giữ nghề này, gắn bó với nó từ bé tới giờ rồi” - bà Nhẹn chia sẻ.

 

 

Còn rất nhiều diêm dân ở vùng biển này luôn đau đáu, mong có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để nghề muối truyền thống của quê hương không bị mai một. Thế nhưng, thực tế ruộng muối bỏ hoang, nguy cơ xóa nghề là hiện hữu, nỗi lo này không chỉ của riêng HTX Tam Ðồng mà là vấn đề của xã Thụy Hải. Bài toán chuyển đổi vùng làm muối sang nuôi trồng thủy sản đã được tính đến, thế nhưng, làm muối hay nuôi cá, tôm đều phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ, cảnh được mùa rớt giá đã từng xảy ra không chỉ với muối mà với nhiều sản phẩm khác. Nếu chuyển sang nuôi trồng thủy sản thì việc đầu tư kinh phí cải tạo ao đầm là bài toán khó và một thực tế khác, quan trọng hơn, đó là kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản của người dân là rất hạn chế. Ông Vũ Ðức Tuấn, Chủ nhiệm HTX Tam Ðồng cho biết: Với những hướng mở như, một là có công ty muối đang có hướng hỗ trợ HTX theo chương trình chuyển đổi HTX kiểu mới, hai là UBND huyện Thái Thụy đang có chương trình xúc tiến thương mại để đưa hạt muối Tam Ðồng đến với thị trường nước ngoài. Hướng của HTX là chỉ đạo xã viên duy trì sản xuất muối để giữ mặt bằng, cải tạo đồng ruộng, sản xuất được muối hàng hóa bảo đảm chất lượng xuất khẩu.

 

Cơ cấu lại mô hình sản xuất theo hướng HTX kiểu mới, xúc tiến thương mại xuất khẩu muối là hướng đi đúng và cần thiết. Diêm dân Tam Ðồng  mong chờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành để nghề muối truyền thống nơi đây không bị mai một.

 

Lê Lan

Ðài Truyền thanh Thái Thụy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày