Thứ 6, 02/08/2024, 01:29[GMT+7]

Ðông Vinh nhộn nhịp nghề

Thứ 3, 01/12/2015 | 14:42:05
626 lượt xem
Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã Ðông Vinh (Ðông Hưng) đạt bình quân 8,2%/năm, thu nhập bình quân đầu người khoảng 28,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,26%. Kết quả đó có đóng góp lớn từ việc phát triển đa dạng ngành nghề, nhờ đó, đến nay, hàng nghìn lao động của xã có việc làm, thu nhập ổn định trong lúc nông nhàn.

Hơn 700 lao động của xã Đông Vinh làm nghề may công nghiệp ở trong và ngoài xã.

 

Ông Nguyễn Văn Ngoạn, Chủ tịch UBND xã cho biết: 5 năm qua, Đông Vinh đặt mục tiêu phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Xã đã đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Ngoài công tác tuyên truyền, động viên, khuyến khích nhân dân duy trì nghề truyền thống, phát triển nghề mới, địa phương còn tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên trong công tác đào tạo nhân lực phục vụ phát triển ngành nghề. Nhiều nghề truyền thống của xã được duy trì như dệt chiếu, xe đay, mộc, chế biến thực phẩm... 5 năm qua đã có khoảng 500 lao động của xã được đào tạo nghề may công nghiệp, riêng từ đầu năm 2015 đến nay có hai lớp do Trung  tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) mở tại Công ty TNHH May Tuấn Hương đào tạo cho 70 lao động. Vì thế, hiện nay, ở Đông Vinh, nghề may phát triển mạnh nhất với 2 doanh nghiệp, 6 cơ sở may tư nhân, tạo việc làm cho hơn 300 lao động trong và ngoài xã với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất của nghề may chiếm gần 40% giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã. Ông Lại Phan Ninh, Giám đốc Công ty TNHH May Vạn Phúc (thôn Bắc Đồng Hải) cho biết: Thấy nghề may có xu hướng phát triển mạnh, tận dụng được nhiều lao động nông thôn nên năm 2013 tôi đã đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng hơn 200m2 với tổng số vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng, đồng thời trực tiếp đào tạo nghề cho người lao động. Đến nay, Công ty có hai chuyền may với 70 máy, sản lượng mỗi tháng đạt trên 3.000 sản phẩm, doanh thu đạt 980 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 70 lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Đông Vinh còn là xã có lực lượng lao động làm nghề xây dựng khá đông với khoảng 400 người, hoạt động ở 15 tổ, chuyên đi xây ở trong và ngoài tỉnh, thu nhập bình quân đạt từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Nghề dệt chiếu truyền thống ở địa phương mặc dù đã suy giảm nhiều so với trước đây cả về sản lượng và số lao động song người dân địa phương vẫn duy trì. Thời kỳ trước, xã có khoảng 300 go dệt thủ công, tạo việc làm cho 600 lao động, sản xuất bình quân 20.000 lá chiếu/năm. Từ năm 2011, cơ sở dệt chiếu Long Yến (thôn Nam Đồng Hải) đã đưa 6 máy dệt chiếu vào sản xuất, năng suất cao gấp hơn 10 lần và đã thay thế hoàn toàn chiếu dệt thủ công, tạo việc làm cho hơn 100 lao động. Ngoài ra, nghề làm hương cũng phát triển mạnh trên địa bàn xã từ hơn 10 năm nay với 3 cơ sở lớn, mỗi cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, thu nhập bình quân đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng. Điển hình là cơ sở Hương Bản (thôn Đông Đồng Hải), cơ sở Hương Tho (thôn Tế Quan), cơ sở Thinh Mừng (thôn Nam Đồng Hải), sản phẩm đã có thương hiệu nên sản xuất ra tới đâu đều xuất bán hết tới đó.

 

Sự phát triển sôi động các ngành nghề đã đưa giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2015 của Đông Vinh ước đạt 89,076 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm qua đạt 16,9%/năm.

 

Quốc Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày