Thứ 6, 26/07/2024, 08:20[GMT+7]

An Tiêm sáng lửa nghề rèn

Thứ 2, 14/12/2015 | 09:07:05
7,006 lượt xem
Nghề rèn truyền thống ở thôn An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy được hình thành từ ngày Trần Hưng Đạo lập xưởng rèn quân khí cho quân đội nhà Trần. Hơn 700 năm đã trôi qua, đến nay, ngọn lửa rèn vẫn rừng rực cháy. Tiếng búa đe, tiếng mài giũa, tiếng gò hàn vẫn hàng ngày ngân vang trong trái tim những người thợ rèn.

Theo tư liệu lịch sử, nghề rèn thuộc thôn An Tiêm có từ thế kỷ XIII, khi Trần Hưng Đạo lập doanh trại ở Lưu Đồn (nay là xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy) và tổ chức xưởng rèn chuẩn bị vũ khí cho quân đội nhà Trần. Trong 5 người đứng đầu xưởng rèn thì có tới 4 vị quê ở An Tiêm. Vì có công lao lớn đối với nhà Trần, cả 5 vị đều được vua Trần Nhân Tông sắc phong là "Ngũ vị tổ sư nghề rèn". Nghề rèn An Tiêm khởi nguồn từ đó.

Bảo lưu nghề truyền thống

Ban đầu, nghề rèn ở An Tiêm phát triển trong một số hộ gia đình, chủ yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của nhân dân trong vùng. Sau phát triển thành nghề chính, tồn tại song song với việc sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây đã cung cấp một khối lượng lớn vũ khí thô sơ phục vụ cho chiến đấu như: giáo mác, dao găm, búa, liềm.

Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nhưng dường như đối với mỗi người thợ nơi đây, những công đoạn ấy đã "ngấm vào máu", nên công việc nhịp nhàng, nhanh thoăn thoắt.

Nghề nào cũng đòi hỏi bí quyết và kinh nghiệm. Với thợ rèn, để sản phẩm làm ra đạt chất lượng, đòi hỏi người thợ phải lựa chọn sắt thép, biết nhìn lửa để tạo ra độ sắc, bền cho từng sản phẩm. Mỗi lò rèn đều có bí kíp gia truyền riêng của mình; chẳng hạn như dùng loại than đốt lò như thế nào cho lửa tốt; rồi cắt sắt tạo hình, nung qua lửa ra sao. Việc này đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới cảm nhận tinh tường được.

Một khâu nữa không kém phần quan trọng đó là tôi sản phẩm. Để có được nước tôi vừa đủ, phụ thuộc rất nhiều vào trình độ và kinh nghiệm của thợ. Chỉ cần tôi thép già hay non một chút là sản phẩm sẽ không đạt chất lượng. Do vậy, để đạt được trình độ nhất định ngay từ khi mới vào nghề, thợ học việc đã được các lớp đàn anh đi trước hướng dẫn tỷ mỷ. Người nào nhanh cũng phải mất tới vài ba năm.

Nghề rèn vô cùng vất vả, suốt ngày người ướt mồ hôi vì lửa nóng, đen thui thủi vì bụi than, nhưng là nghề truyền thống, truyền từ đời ông, đời cha. Thế nên, những người thợ ở làng rèn nơi đây luôn lấy làm tự hào cho cái nghiệp của mình.

Tìm đường hội nhập để phát triển

Để mặt hàng của mình cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, các nghệ nhân của làng đã không ngừng sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm từ các làng khác, đồng thời cũng là để bảo vệ và phát triển nghề truyền thống mà ông cha đã để lại.

Với trình độ tay nghề cao cùng với việc giữ gìn và phát huy thương hiệu được xây dựng từ trước đó, các sản phẩm của những lò rèn An Tiêm ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường, sản phẩm được tiêu thụ trong cả nước. Bên cạnh đó, người thợ rèn An Tiêm đã nhanh chóng áp dụng khoa học vào sản xuất, từng bước cơ khí hóa làng nghề để tăng năng suất và giảm nhọc nhằn cho người lao động. Các hộ đã tự trang bị cho mình máy mài, máy cán thép, máy cắt gọt kim loại, búa máy, máy dập nóng, dập nguội... để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Đây cũng là biện pháp sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, chuyên môn hóa ngành nghề, dần dần tạo dựng thương hiệu của một làng rèn truyền thống. Nghề rèn đã mang lại không chỉ công ăn việc làm mà còn mang lại nguồn thu lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của xã.

Là một nghề không khó để học nhưng lại đòi hỏi nhiều sức lực, chịu nhiều thiệt thòi và rủi ro. Thế nên, lớp thanh niên ít ai chọn nghề rèn để gắn bó, lập nghiệp lâu dài. Ngay cả con cháu trong làng rèn, biết chút ít nghề nhưng cũng tìm chọn những công việc khác nhẹ nhàng hơn để mưu sinh. Tuy vậy những người thợ rèn truyền thống An Tiêm vẫn rất tự hào và ý thức cao về việc gìn giữ làng nghề truyền thống của ông cha để lại. Đồng thời họ vẫn mong mỏi sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư máy móc nhằm giảm bớt sức lao động, sản xuất đạt hiệu quả kinh tế hơn. Có như vậy mới có thể giữ được nguồn nhân lực trẻ, tránh được nguy cơ thất truyền.

Ông Đặng Xuân Ý, Chủ tịch UBND xã Thụy Dân

Hiện nay, nhiều gia đình đã mua được máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, tạo điều kiện việc làm cho nhân dân. Toàn xã có 3 cơ sở sản xuất, thu hút từ 70 - 80 lao động thường xuyên. Định hướng trong thời gian tới, xã vẫn tiếp tục động viên các chủ thợ, các gia đình phát huy nghề truyền thống của cha ông, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ông Trịnh Văn Thưởng, thôn An Tiêm 2

Tôi theo nghề rèn truyền thống đã hơn 20 năm. Hiện nay, tôi chủ yếu làm các mặt hàng dân sinh, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Để làng nghề được lưu truyền mãi mãi, mong muốn của tôi là con em trong làng dù làm gì đi chăng nữa cũng hướng về nghề, thanh niên phải làm được nghề.

Ông Trịnh Văn Rạng, thôn An Tiêm 3

Để làm được nghề phải có tính kiên trì, phải biết rút kinh nghiệm từ thực tế. Chúng tôi đã cao tuổi, làm nghề theo cách truyền thống, vì thế chỉ mong nguồn điện ổn định để thế hệ trẻ khi ứng dụng máy móc kỹ thuật được thuận lợi.

Anh Tú

  • Từ khóa

NGUYỄN ANH DIỂU - 6 năm trước

TÔI QUÊ THÁI BÌNH. ĐÃ SINH SỐNG, LÀM VIỆC TẠI TP HCM TRÊN 40 NĂM. TÔI MUỐN GIỚI THIỆU VỚI BẠN BÈ SẢN PHẨM ĐỘC ĐÁO QUE NHÀ.TÔI ĐÃ DÙNG THỬ, THẤY CHẤT LƯỢNG CAO HƠN CỦA ĐA SỸ

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày