Chủ nhật, 11/05/2025, 05:30[GMT+7]

Thụy Thanh phát triển mạnh nghề may

Thứ 6, 18/12/2015 | 08:57:02
6,162 lượt xem
Người dân Thụy Thanh (Thái Thụy) luôn năng động, sáng tạo tìm tòi, khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương để mở rộng sản xuất, kinh doanh, khôi phục các ngành nghề truyền thống, tiếp thu những ngành nghề mới. Năm 2013, Thụy Thanh được UBND tỉnh cấp bằng công nhận xã đa nghề, trong đó nổi bật là nghề may chiếm doanh thu cao nhất, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động.

Công ty May Rồng Việt sản xuất 7.000 sản phẩm/tháng.

 

Khác với những hộ may gia công ở các địa phương khác, hầu hết các hộ may ở Thụy Thanh đều may trực tiếp thành phẩm, tự mua nguyên liệu về may, xuất bán trọn gói trên thị trường toàn quốc với hai mặt hàng chính là quần âu và áo sơ mi. Toàn xã hiện có 7 công ty và 20 cơ sở, thu hút gần 1.000 lao động, trong đó hầu khắp các thôn đều có cơ sở may lớn…

 

Đến Công ty May Rồng Việt (thôn Vô Hối Đông), anh Nguyễn Văn Ngạn, Giám đốc Công ty cho chúng tôi biết: Nghề may ở Thụy Thanh phát triển mạnh từ hàng chục năm nay, do đó, năm 2010 tôi đã mạnh dạn đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy móc để thành lập công ty với 20 máy chuyên may quần âu xuất cho hàng chục đại lý trong toàn quốc. Bình quân mỗi tháng, Công ty may được 7.000 sản phẩm, tạo việc làm cho 30 lao động với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng, doanh thu của Công ty khoảng trên 1 tỷ đồng/tháng. Rời Công ty May Rồng Việt, chúng tôi đến Công ty TNHH May Vũ Thành ở thôn Khúc Mai, thấy không khí hăng say lao động bao trùm khắp các nhà xưởng. Công nhân Nguyễn Thị Thảo (thôn Vô Hối Đông) vừa làm vừa cho chúng tôi biết: Chúng tôi may theo công đoạn, mỗi người đảm nhận một nhiệm vụ khác nhau cho tới khi thành phẩm. Trung bình mỗi ngày tôi may được gần 200 sản phẩm đem lại thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/tháng. Nghề may đã giúp  chúng tôi có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.

 

Có được kết quả trên, những năm qua, Thụy Thanh đã xác định rõ: Để nâng cao đời sống người dân cần phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với phát triển nghề và làng nghề. UBND xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động, phát động nhân dân toàn xã có điều kiện du nhập các nghề mới nhằm nâng cao thu nhập cho các gia đình, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi. Qua khảo sát, thôn Khúc Mai có truyền thống từ những năm 1990 với một số nghề như dệt chiếu, bện quại, đan manh được nhân dân tiếp thu và thực hiện có hiệu quả đã đưa kinh tế của thôn thoát khỏi cảnh đói nghèo. Tiếp đó, từ năm 1995, thôn Khúc Mai tiếp tục phát triển một số nghề mới như nghề thêu ren, dệt may, mây tre đan, móc sợi, cơ khí. Do đó, UBND xã đã chọn thôn Khúc Mai làm điểm trong phát triển nghề để nhân rộng ra toàn xã. Kết quả đã đưa Khúc Mai không chỉ phát triển đa dạng nghề mà lao động có nghề trong thôn chiếm khá cao với 1.329 người với thu nhập ổn định trong lúc nông nhàn. Trong đó nghề may phát triển nhất với 50 hộ, 105 lao động tham gia, toàn thôn có 1 doanh nghiệp, 4 cơ sở may tạo việc làm cho 400 lao động trong và ngoài xã với thu nhập bình quân đạt gần 3 triệu đồng/người/tháng. Kết quả đó đã đưa giá trị sản xuất từ nghề may chiếm trên 50% tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thôn.

 

Ông Nguyễn Quang Huyển, Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh: Nghề may phát triển nên đời sống người dân Thụy Thanh ngày càng được nâng cao, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Cũng nhờ phát triển nghề may ở tất cả các thôn nên từ một làng nghề thôn Thanh Do năm 2006 đến năm 2011 UBND tỉnh đã công nhận làng nghề may mặc cho thôn Vô Hối và tiếp đó tới năm 2012 công nhận thêm làng nghề Khúc Mai và tới năm 2013 đã được công nhận là xã đa nghề. Đây là sự ghi nhận, động viên cho những nỗ lực của cán bộ và nhân dân địa phương trong việc duy trì nghề truyền thống, phát triển nghề mới.

 

Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày