Thứ 7, 18/05/2024, 15:17[GMT+7]

Tất bật làng phát lộc

Thứ 5, 21/01/2016 | 14:55:28
2,751 lượt xem
Cứ vào thời điểm giáp tết, thôn Đình Phùng, xã Minh Tân (Đông Hưng) lại tấp nập, nhộn nhịp hẳn lên bởi thương lái khắp nơi tìm về mua tháp cây phát lộc. Dọc các ngả đường vào thôn, những chậu cây phát lộc được bày bán nảy lộc xanh mơn mởn báo hiệu mùa xuân đang đến gần.

Làm lục bình ở thôn Đình Phùng, xã Minh Tân (Đông Hưng).

Những ngày này, đến thôn Đình Phùng, chúng ta dễ dàng thấy cảnh cả gia đình từ người già, trung niên tới trẻ nhỏ cùng làm tháp phát lộc. Ngắm nhìn những lẵng cây, chậu tháp phát lộc tinh xảo, chúng tôi thực sự thán phục trí tuệ, bàn tay tài hoa của người dân nơi đây. Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng thôn Đình Phùng cho biết: Nghề làm tháp phát lộc có ở thôn Đình Phùng hơn 10 năm nay. Thôn hiện có 267 hộ thì hơn 80% hộ dân trong thôn gắn bó với nghề. Trong đó, hơn 70% hộ dân đã chuyển đổi ruộng trồng lúa, hoa màu thành bãi trồng cây phát lộc. Nhiều thôn lân cận trong xã cũng mang giống cây về trồng rồi bán cho người dân làm nghề. Sản phẩm làm từ cây phát lộc không chỉ được người trong tỉnh ưa chuộng mà còn được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố, có thương hiệu trong cả nước. Đến nay, nghề làm tháp cây phát lộc đã trở thành một nghề chính, mang lại thu nhập cao cho người dân Đình Phùng, nhiều gia đình đã giàu lên từ nghề này.

Gắn bó với nghề trồng và làm tháp cây phát lộc gần 10 năm nay, ông Nguyễn Đăng Nghị cho biết: Làm cây phát lộc thu lời cao, không thua lỗ hay gặp rủi ro như trồng đào, trồng lúa. Cây phát lộc rất dễ trồng, phát triển nhanh, giống rẻ và chi phí chăm sóc thấp. Khâu trồng và chăm sóc cây giống được coi là quan trọng nhất. Mầm cây khi mang ươm trồng đều có độ tuổi bằng nhau, đặc biệt phải không có sâu bệnh, phát triển tốt... Cây lớn được vài gang tay là phải dùng tre, dây căng buộc, bắc giàn để cây lên thẳng. Thông thường, trồng phát lộc chỉ khoảng 2 - 3 tháng là cho thu hoạch. Loại cây này được mua bán quanh năm, nhưng từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch hàng năm là thời điểm tiêu thụ mạnh nhất.

Để tạo được các chậu cây có nhiều tầng, ra mầm, nhú lộc vào đúng dịp tết Nguyên đán, công việc của người dân nơi đây phải bắt đầu từ tháng 8 âm lịch. Người già, trẻ em thì bóc lá còn thanh niên thì làm tháp, tất cả tạo nên không khí tươi vui, đầm ấm. Để làm tháp cây phát lộc, ngoài nguyên liệu chính là cây phát lộc còn cần rất nhiều thứ khác như ống nhựa, dây nhựa, chậu làm bằng xi măng... Nghề làm tháp cây phát lộc phát triển cũng kéo nghề quay chậu của làng phát triển theo. Nhiều hộ gia đình ở thôn Đình Phùng đã mua dụng cụ về để tự quay chậu phục vụ nghề làm tháp cây phát lộc. Các chậu có nhiều cỡ khác nhau để phù hợp với kích thước và số tầng của tháp, sao cho chân tháp vừa khít với lòng chậu. Đặc biệt chậu phải đắp những hình trang trí rồng phượng, con giống khác hay những chữ mang ý nghĩa tốt lành.

Bà Nguyễn Thị Hải, người có nhiều năm làm tháp cây phát lộc ở thôn Đình Phùng cho biết: Để làm ra một sản phẩm có độ thẩm mỹ cao phải trải qua nhiều công đoạn và cần có sự tỷ mỷ. Đầu tiên, phải chọn làm sao cho các thân cây to bằng nhau, già đều, mắt cây quay ra ngoài cùng một hướng. Sau đó, đặt một ống nhựa giữa lòng chậu làm lõi, cắt thân cây phát lộc thành từng đoạn tương ứng với độ dài của từng tầng. Tầng cao nhất của tháp được làm đầu tiên bằng cách ghép những đoạn cây phát lộc xung quanh ống nhựa sao cho những đoạn cây nhô cao hơn ống lõi chừng 4 - 5cm. Ghép xong tầng cao nhất, dùng loại dây nhựa mạ nhũ màu vàng quấn quanh, khâu lại để giữ ổn định cho tầng tháp rồi ghép tiếp, cứ thế lần lượt ghép từ tầng cao nhất đến tầng thấp nhất, mỗi tầng cách nhau từ 5 - 7cm; khi tháp đã ghép xong thì dùng xi măng trắng bịt đầu rỗng của những đoạn thân cây phát lộc. Toàn bộ công việc đều được làm thủ công chứ không có sự trợ giúp của bất cứ thứ máy móc nào.

Giá bán mỗi chậu tháp cây phát lộc vào thời điểm chính vụ thường dao động từ 200 - 900 nghìn đồng/chậu (loại tháp cao 3 - 7 tầng) tùy thuộc vào kích cỡ to, nhỏ, cá biệt loại 9 - 15 tầng (cao 150cm) thì giá bán từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/chậu. Trung bình một gia đình làm cây ở Đình Phùng mỗi tháng bán được từ 150 - 200 chậu, mang lại thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/hộ/tháng. Những tháng cuối năm, nhiều gia đình trong thôn phải làm cả ngày lẫn đêm mà vẫn không đủ hàng để bán. Ngoài dáng tháp cây phát lộc truyền thống, người dân Đình Phùng còn sáng tạo ra những hình dáng lục bình, cánh chim công, thuyền buồm… cho giá cao hơn và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người chơi.

Hiện nay, những sản phẩm như tháp, lục bình cây phát lộc của thôn Đình Phùng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng bởi quan niệm mang lại may mắn, tài lộc, vận khí tốt cho gia chủ, có thể trưng bày trong nhà hoặc trang trí trong phòng làm việc, làm quà tặng người thân. Nhiều thương lái từ Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… cũng đến đây đặt hàng để phục vụ người tiêu dùng trong dịp lễ, tết. Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của từng người chơi cây, các sản phẩm tháp, lục bình được làm ra với nhiều mẫu mã đa dạng và kích cỡ khác nhau. Những năm gần đây, do số lượng người có nhu cầu chơi tháp cây phát lộc ngày càng tăng nên cứ đến trước mỗi dịp lễ, tết, nguồn cây nguyên liệu trồng tại địa phương không đủ, vì vậy các hộ làm nghề trong thôn Đình Phùng lại phải sang các tỉnh, thành phố lân cận như Nam Định, Hải Phòng để thu mua.

Tết Nguyên đán đang đến gần. Những chậu cây phát lộc lại được những đoàn xe tải lớn, nhỏ chuyển đi khắp mọi miền Tổ quốc. Tự hào vì chiếm vị trí độc tôn về việc cung ứng những chậu cây phát lộc, người dân Đình Phùng còn ấp ủ mơ ước đưa loại cây cảnh này vươn ra thị trường thế giới. Một mùa xuân nữa lại về, người dân Đình Phùng vẫn miệt mài bán may mắn, tài lộc cho mọi người.

"Cây phát lộc hay cây sống đời là một loài cây thân thảo, đốt rỗng, to bằng ngón tay trỏ người lớn, lá màu xanh thẫm. Khi cây trưởng thành có thể dài trên dưới một mét. Cây có sức đề kháng rất tốt. Nếu ngắt cành trưởng thành cắm vào nước hoặc trồng trên đất, cây vẫn sống rất khỏe và đâm chồi nảy lộc. Theo thuyết phong thủy, nếu để cây phát lộc trong nhà sẽ giúp mang lại năng lượng dồi dào và rất yên bình."

Ông Vũ Quang Điện, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân (Đông Hưng)

Nhờ làm cây phát lộc mà đời sống người dân thôn Đình Phùng được nâng lên rõ rệt, hàng trăm lao động trong làng, ngoài xã có việc làm với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, các hộ dân đang tập trung sản xuất các sản phẩm tháp cây phát lộc, lục bình phát lộc phục vụ nhu cầu thị trường trong và sau tết.

Chị Lưu Hải Yến, thương lái đến từ Lạng Sơn

Lượng tiêu thụ tháp cây phát lộc năm nay cao gấp hai lần so với năm trước. Sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất vẫn là các loại tháp cây phát lộc, lục bình phát lộc, làm đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Ngoài chơi tết thì nhu cầu mua về thờ, làm quà biếu, làm cảnh trong nhà cũng như cưới hỏi khá nhiều. Mỗi ngày, tôi bán được khoảng 10 chậu các loại. Riêng thời điểm giáp tết, sức mua có thể tăng gấp 5 - 6 lần.

Nguyễn Hậu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày