Bánh cáy làng Nguyễn
Dẫn chúng tôi đi thăm đền thờ tổ nghề bánh cáy, ông Nguyễn Trọng Cường, hậu duệ đời thứ 14 dòng họ Nguyễn Công cho biết: Bánh cáy làng Nguyễn có cách đây hơn 200 năm và có nguồn gốc từ bánh chè lam. Bánh do bà Nguyễn Thị Tần (1725 - 1800), đời thứ 6 tộc họ Nguyễn Công, làng Nguyên Xá, tổng Cổ Cốc, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng) sáng chế. Bà là con gái thứ của cụ thủ khoa Phúc Đình Hầu Nguyễn Đoan Tước hàm chánh xứ, tư thừa chánh xứ trong triều. Vốn là người thông minh, học giỏi, năm 1739, bà được tuyển vào cung phụ trách dạy bảo công chúa và các phi tần. Trong cung vua phủ chúa, bà được thưởng thức nhiều của ngon vật lạ nhưng vốn xuất thân nơi thôn dã nên bằng chính những nguyên liệu sẵn có từ quê hương đồng nội mà nhân dân làm ra bà đã sáng chế ra một loại bánh mới có tên là bánh ngũ vị. Sau khi đem tiến vua, được vua Lê Hiển Tông khen ngon liền đặt tên là bánh cáy vì nhìn miếng bánh có xen nhiều màu sắc bắt mắt trông giống trứng con cáy. Từ đó, bánh cáy gắn liền với quê hương Nguyên Xá và được lưu truyền, phát triển trong xã cho đến ngày nay. Hiện nay, các di tích lưu niệm nhân vật lịch sử của nghề làm bánh cáy vẫn được người dân trong xã gìn giữ và tôn thờ. Ngày 10/10/2014, khu di tích đền thờ, từ đường và lăng mộ tổ nghề bánh cáy đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Nét độc đáo của bánh cáy làng Nguyễn chính là sự kết hợp các nguyên liệu từ hoa màu trong đời sống, tạo nên thứ bánh dẻo, thơm và có hương vị đặc trưng. Xưa kia, người làng Nguyễn vẫn có thói quen xếp bánh cáy vào ang sành, đậy kín bằng lá chuối khô để dành ăn dần. Khi ăn, bánh cáy sẽ được cắt thành từng lát. Nhìn lát bánh lốm đốm những màu nâu, trắng, vàng, hồng, xanh đan xen, ta lại tưởng như thấy một mảng tranh đầy màu sắc. Người dân làng Nguyễn xem bánh cáy như một thứ quà đặc biệt dành biếu ông bà, cha mẹ hay những người thân để tỏ lòng kính trọng, yêu thương. Chính vì thế, mỗi dịp lễ, tết, cúng giỗ tổ tiên, trên bàn thờ trong mỗi gia đình ở làng Nguyễn đều không thể thiếu phong bánh cáy. Tàn nén hương, người trụ cột trong gia đình cắt và chia đều miếng bánh cho mọi người, để con cháu trong lúc nhâm nhi thêm nhớ về nguồn cội của mình. Với khách đến chơi nhà, đĩa bánh cáy quê hương chính là món quà thể hiện lòng mến khách của gia chủ.
Để làm ra chiếc bánh cáy thơm ngon đòi hỏi sự công phu của người thợ ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Gạo làm bánh cáy là loại gạo nếp cái hoa vàng được xay xát thật trắng, rang nổ thật đều. Trong bánh phải trộn thêm thịt lợn thái nhỏ bằng hạt ngô, hạt đỗ, lại lấy một phần bột nếp tán nhuyễn, ray lọc thật mịn, tẩm nước gừng tươi, bột thảo quả..., một số hòa với ruột gấc, một số hòa với bột dành dành, nhào thành bột màu đỏ hoặc vàng tươi, cho thái chì, thái hạt lựu gọi là con nẻ. Dùng nước đường mật đã lọc kỹ, pha nước gừng tươi, dầu thảo quả, trộn bột nẻ, con nẻ, thịt thái nhỏ thật đều rồi hâm nóng trên chảo đến khi đạt tới mùi thơm kỹ thuật thì đưa vào khuôn ép, cán đến khi bánh được tràn đều. Tranh thủ lúc bánh còn nóng, người thợ rắc một lớp vừng cho dậy mùi thơm và đẹp mắt, sau đó dùng dao sắc thái, cắt bánh thành từng miếng theo khối hình trụ hoặc chữ nhật. Xong xuôi lấy giấy hồng điều phong gói, đóng hộp thành bánh cáy thành phẩm. Với những kỹ thuật làm bánh cổ truyền kết hợp với bí quyết riêng của từng gia đình, người làng Nguyễn đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong cả nước.
Bánh cáy - sản phẩm truyền thống của làng Nguyễn.
Hiện nay, các hộ dân ở làng Nguyễn đã đổi mới công nghệ làm bánh, chú trọng tới chất lượng sản phẩm, đầu tư máy móc công nghệ hiện đại thay thế một số công đoạn làm thủ công trước đây. Do nhu cầu đa dạng của thị trường nên những chiếc bánh cáy đã có sự phong phú về mẫu mã song những hương vị riêng vốn có hàng trăm năm nay vẫn không hề thay đổi. Ngoài bánh cáy, đến nay, hầu hết các hộ gia đình trong xã đều sản xuất nhiều loại bánh kẹo khác phục vụ thị trường, ít có gia đình sản xuất chuyên biệt một loại bánh cáy. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Phương (xóm 1, thôn Bắc Lạng, xã Nguyên Xá), một trong những hộ có truyền thống làm bánh cáy cho biết: Từ nhỏ tôi đã thấy cha ông làm nghề này, đến đời chúng tôi lại tiếp tục kế thừa nghề làm bánh cáy của gia đình. Để bánh đạt chất lượng, có thương hiệu trên thị trường, mỗi gia đình lại có cách pha chế, cách nấu và chọn nguyên liệu khác nhau nhưng chỉ cần nhìn con cáy là có thể biết nhà nào làm bánh ngon, mịn. Công đoạn làm con cáy cũng đòi hỏi kỹ thuật khéo léo của người thợ để khi thành phẩm con cáy phải nhỏ, thơm, giòn, miếng bánh cáy thái ra phải mịn, chắc tay... Nghề làm bánh cáy đã mang lại cuộc sống ổn định cho gia đình tôi. Bình quân mỗi ngày gia đình tôi sản xuất từ 500 - 1.000 hộp, tương đương từ 3 - 6 tạ bánh/ngày, xuất ra các đại lý ở trong và ngoài tỉnh, mang lại thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.
Tới cơ sở sản xuất bánh cáy Thắng Huế, chúng tôi được biết thêm, hầu hết các cơ sở sản xuất lớn ở làng Nguyễn đều đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc hiện đại phục vụ sản xuất như máy cán kẹo, máy cắt, máy xay, máy đảo bánh, máy đóng gói, lò điện. Nhà nào cũng có xưởng sản xuất với dây chuyền khép kín, giảm được khá nhiều nhân công so với trước kia. Do đó, chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng được nâng lên, doanh thu hàng năm của mỗi gia đình đạt hàng trăm triệu đồng. Bình quân mỗi tháng, cơ sở sản xuất bánh cáy Thắng Huế sản xuất được từ 7 - 8 tấn bánh, kẹo, doanh thu đạt từ 400 - 500 triệu đồng/năm. Đối với người dân làng Nguyễn, gần như 3 tháng tết thu nhập bằng làm cả năm bởi tết là dịp bán hàng chạy nhất...
Ông Nguyễn Tiến Vững, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá cho biết: Toàn xã hiện có 350 hộ sản xuất bánh cáy thường xuyên, vào những tháng cuối năm, số hộ làm nghề có thể tăng gấp đôi, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ phát triển nghề làm bánh cáy truyền thống, Nguyên Xá đã trở thành một trong những địa phương đi đầu về phát triển kinh tế của huyện Đông Hưng. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của xã chiếm trên 87% cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm trên 80%.
Một mùa xuân nữa lại về. Trong tiết trời se lạnh, quây quần trong không khí sum họp đầm ấm bên gia đình, người thân, nhâm nhi miếng bánh cáy cùng ấm trà xanh nóng vừa có vị ngọt, bùi, béo đan xen độ giòn, dẻo, dai, mềm mại khiến ta như cảm nhận thấy hương thơm của đất trời đang lan tỏa, hòa quyện như nhắn gửi lời chúc một năm mới an lành, thịnh vượng đến tất cả mọi người, mọi nhà.
Nguyễn Hậu
Tin cùng chuyên mục
- Vườn đào Minh Tân vào mùa tuốt lá 09.12.2024 | 08:43 AM
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
Xem tin theo ngày
- Gặp mặt kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025
- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng các linh mục và đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Giáng sinh tại huyện Kiến Xương
- Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng các chức sắc, đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Giáng sinh tại thành phố Thái Bình
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà, chúc mừng các chức sắc và đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công bố kết quả Bộ chỉ số DDCI năm 2024
- Ngành tổ chức xây dựng Đảng tiếp tục tham mưu thực hiện quyết liệt việc tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị
- Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU và quán triệt, triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác GPMB trên địa bàn tỉnh
- Quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2025