Thứ 2, 01/07/2024, 03:24[GMT+7]

Chiếu Hới xưa - nay

Thứ 6, 29/01/2016 | 10:03:25
2,535 lượt xem
Nổi tiếng từ xa xưa với vẻ đẹp bóng bẩy, mượt mà, những lá chiếu của làng Hới xưa, thôn Hải Triều, xã Tân Lễ (Hưng Hà) hôm nay dù phải cạnh tranh khốc liệt trên thị trường song vẫn đứng vững và phát triển. Nghề dệt chiếu ở Tân Lễ không những tạo nên một nét đẹp văn hóa cho vùng đất cổ mà còn là một hướng làm giàu cho người dân nơi đây.

Kéo chỉ để dệt chiếu nhựa.

 

Niềm tự hào quê hương

 

Những ngày cuối năm Ất Mùi, về thôn Hải Triều, cái nôi của nghề dệt chiếu, đâu đâu cũng thấy những lá chiếu cói xanh ánh vàng nằm phơi mình tỏa mùi thơm nồng quyến luyến lòng người. Nhìn những chiếc xe chở hàng vào ra tất bật, ngắm những ngôi nhà cao tầng san sát, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp và nụ cười trên những khuôn mặt người dân làng chiếu đủ để nhận ra Tân Lễ đang từng ngày khoác lên mình chiếc áo mới. Nhờ sự năng động của làng nghề, sản phẩm chiếu Hới ngày một phát triển, đổi mới, đa dạng về mẫu mã cũng như chất lượng, hình thức sản xuất cũng mang tính chuyên nghiệp.

 

Truyền rằng, nghề dệt chiếu ở làng Hới có từ thời Tiền Lê rồi phát triển mạnh vào thời Hậu Lê. Có được ngày hôm nay, người dân làng chiếu luôn ghi nhớ công ơn của ông tổ nghề dệt chiếu - Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Từ khi lớn lên, ông đã thấy làng mình có nghề dệt chiếu. Thế nhưng, chiếu được dệt bằng khung đứng, không có ngựa đỡ sợi nên không đẹp. Khi đi sứ sang Trung Quốc, ngang qua vùng Ngọc Hà (Quảng Tây), thấy người dân ở đây dệt chiếu bằng khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc làm cho sợi đay căng, chao cói nhanh hơn, chiếu dệt ra đẹp hơn, Phạm Đôn Lễ đã tìm hiểu và học được bí quyết dệt chiếu của người Trung Quốc. Về đến quê nhà, ông đem kinh nghiệm và kỹ thuật dệt chiếu mới phổ biến cho nhân dân. Nhờ vậy, chiếu Hới ngày càng đẹp hơn và trở nên nổi tiếng. Dân làng tôn ông là ông tổ nghề dệt chiếu, gọi ông là Trạng Chiếu và lập đền thờ sau khi ông mất. Sản phẩm chiếu dệt thủ công của làng Hới một thời nức tiếng khắp trong và ngoài tỉnh, là niềm tự hào của người dân nơi đây. “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới” từ lâu đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân bởi chiếu Hới không chỉ đẹp, bền mà còn có thể dùng đắp thay chăn vào mùa đông. Người làng Hới tự hào khi có trong tay nhiều ngón nghề “độc” mà không ở đâu có được để làm nên những chiếc chiếu cải, chiếu đậu, chiếu nẩy... Một chiếc chiếu đậu có thể nặng tới 10kg. Chiếu cói hoa làng Hới được dệt tinh xảo với hình những bông hoa nhỏ lại in thêm hình rồng, phượng... Xưa, chiếu này được đem vào cung tiến vua.

 

Vươn ra “biển lớn”

 

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, chủ cơ sở sản xuất chiếu tại thôn Hải Triều, chiếu cói muốn đẹp thì khâu quan trọng nhất là chọn cói. Cói được trau kỹ lưỡng, lựa từng sợi mảnh, dẻo dai. Có như thế, khi lên tấm, chiếu mới trắng, bóng mượt. Khi se đay phải se thật nhỏ rồi dệt thành chiếu vừa dày vừa mềm mại rồi đem phơi vừa nắng. Người có kinh nghiệm khi mua chiếu Hới về trước khi đem dùng đem phơi sương một đêm thì dùng chiếu không bị mốc. Bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, nhiều người lo ngại nghề dệt chiếu ở Tân Lễ sẽ mai một. Nhưng không, chiếu Hới vẫn đứng vững và ngày một khẳng định thương hiệu của mình. Ông Sơn chia sẻ: Gia đình tôi vốn có truyền thống làm nghề dệt chiếu. Theo nghề cha ông, lớn lên mặc dù không trực tiếp làm chiếu nhưng tôi kinh doanh nguyên vật liệu làm chiếu cho làng nghề. Từ năm 2006, nhận thấy thị trường chiếu dệt thủ công ngày càng thu hẹp, tôi cùng gia đình mạnh dạn đầu tư mua 6 máy dệt chiếu nhựa công nghiệp. Hàng tháng, cơ sở xuất ra thị trường hàng vạn lá chiếu. Kinh doanh phát triển, đến nay, cơ sở sản xuất của ông Sơn có 50 máy dệt chiếu nhựa và chiếu cói, tạo việc làm thường xuyên cho 120 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

 

Chiếu Hới giờ không chỉ “bơi” trong “ao” làng mà đã vươn ra “biển lớn”. Thị trường mở rộng, chiếu Hới được xuất đi khắp các tỉnh trong cả nước. Ông Nguyễn Quang Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lễ cho biết: Từ nôi chiếu làng Hới, cùng với thời gian, nghề dệt chiếu được nhân rộng ra toàn xã, thậm chí ra cả xã ngoài. Đến nay, Tân Lễ có 6 cơ sở lớn dệt chiếu nhựa và chiếu cói. Phần lớn hộ dân trong xã đều làm nghề dệt chiếu, bình quân mỗi hộ có từ 1 - 3 máy dệt. Những hộ dân ngày trước dệt chiếu cói thủ công thì hiện phần lớn đã chuyển sang làm gia công các khâu sau khi chiếu dệt bằng máy sản xuất xong. Nghề dệt chiếu đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng năm 2015, mặc dù gặp không ít khó khăn song toàn xã vẫn duy trì 61 máy dệt chiếu cói cùng hơn 200 máy dệt chiếu nilon, sản xuất được hơn 4,6 triệu lá chiếu trị giá hơn 225 tỷ đồng.

 

Về Tân Lễ hôm nay, không còn hình ảnh những người ngồi đan chiếu mà thay vào đó là máy móc hiện đại. Người làm chiếu giờ đây đỡ phần vất vả, số lượng chiếu ngày một tăng lên, mẫu mã đẹp mà chất lượng không thay đổi. Trải qua nghìn năm dâu bể, chiếu làng Hới vẫn giữ nguyên nét đẹp của mình. Người Tân Lễ luôn tâm niệm rằng, chỉ đổi mới cách làm chứ không thay đổi cái tâm. Đó chính là cách mà người dân Tân Lễ làm để làng nghề truyền thống bốn mùa thêm xuân.

 

Bà Vũ Thị Ngoan, thôn Hải Triều, xã Tân Lễ

Ngày trước, chiếu dệt thủ công nên người làm chiếu rất vất vả. Giờ có máy móc hỗ trợ góp phần giảm sức lao động cho con người và tăng năng suất. Chính nhờ kỹ thuật dệt chiếu truyền thống cộng với máy móc hiện đại đã giúp những người thợ của làng nghề chúng tôi bảo lưu được nghề truyền thống, đồng thời phát huy được nét đẹp vốn có của chiếu Hới.

Ông Nguyễn Văn Bắc, chủ cơ sở sản xuất chiếu Trung Anh (thôn Bùi Xá, xã Tân Lễ)

Phát triển nghề song song với giữ nghề là trách nhiệm mà lớp hậu sinh làng Hới cần phải làm. Là người con làng nghề, chúng tôi luôn mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện để chúng tôi mở rộng quy mô cơ sở sản xuất, góp phần giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của quê hương, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

Mai Thư

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày