Bánh kẹo làng Nguyễn đổi mới để phát triển bền vững
Một góc cụm công nghiệp làng nghề xã Nguyên Xá (Đông Hưng).
Sức sống của làng nghề hơn 200 năm tuổi
Làng Nguyên Xá hay còn gọi làng Nguyễn, thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng. Từ thành phố Thái Bình đi khoảng 12km theo quốc lộ 10 tới thị trấn Đông Hưng, huyện lỵ của huyện Đông Hưng rồi rẽ trái sang quốc lộ 39 đi một đoạn là tới làng Nguyễn. Đây là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, đồng thời cũng là quê hương của món đặc sản bánh cáy nổi tiếng một thời là sản vật tiến Vua.
Nói về nguồn gốc của bánh cáy, theo tư liệu của cụ Nguyễn Bá Duy (hậu duệ đời thứ 14 tộc họ Nguyễn Công) để lại, tương truyền bánh do bà Nguyễn Thị Tần (sinh năm 1724, đời thứ 6 tộc Nguyễn Công, làng Nguyên Xá, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng) sáng chế. Bà vốn là người phụ nữ thông minh, có nhiều công lao với triều đình nhà Lê. Để làm ra thứ bánh dâng vua vừa thanh nhã vừa ngọt ngào, bà đã kết hợp nguyên liệu sẵn có từ quê hương đồng nội, nào gạo, vừng, đường, gừng, quả dành dành, tạo nên thứ bánh gọi là ngũ vị. Sau khi đem tiến vua, bánh được vua Hiển Tông khen ngon và đặt tên là "bánh cáy" vì nhìn màu sắc giống trứng con cáy. Từ đó bánh cáy gắn liền với quê hương xứ Nguyễn rồi được lưu truyền và phát triển cho đến ngày nay.
Nhắc tới làng Nguyễn, ngoài bánh cáy, không thể thiếu kẹo lạc. Giữa tiết trời se lạnh cuối đông, bên ly trà ấm nóng, đĩa bánh cáy thơm nồng, có thêm khay kẹo lạc ngậy, bùi, giòn tan thết khách, thử hỏi còn thức gì sánh bằng? Cái nhã của trà quyện với cái ngọt thanh của kẹo, bánh làm người ăn cảm thấy mình như đang ở giữa chốn đồng nội, xung quanh là lúa non, là cây cỏ, lá hoa. Cắn một miếng bánh giống như đã ôm trọn cả vị quê hương vào lòng vậy.
Có thể nói nghề làm bánh kẹo của làng Nguyễn là một trong những mắt xích quan trọng, không thể thiếu trong việc phát triển kinh tế của địa phương. Anh Bùi Huy Triều, cán bộ xã Nguyên Xá cho biết, với bề dày lịch sử hơn 200 năm, làng Nguyễn hiện nay vẫn giữ nguyên được nét văn hóa và hương vị truyền thống của bánh cáy, kẹo lạc. Hiện tại, xã Nguyên Xá có khoảng 80% người dân làm nghề sản xuất bánh kẹo, cho thu nhập bình quân khoảng 30 - 35 triệu đồng/người/năm.
Đổi mới để phát triển bền vững
Trong xu thế hội nhập với sức cạnh tranh lớn từ sự phong phú, đa dạng của các mặt hàng bánh kẹo trên thị trường nội địa cũng như nhập ngoại, thương hiệu bánh kẹo làng Nguyễn đứng trước nguy cơ "một mất một còn", tưởng chừng đã đến bước cheo leo bên bờ vực rớt giá, rớt cả thương hiệu. Song, nó vẫn đang tồn tại và tiếp tục phát triển để khẳng định mình. Với sự chung sức đồng lòng, dân làng Nguyễn ngày đêm quyết tâm giữ nghề và làm giàu bằng chính cái "nghề tổ" ấy. Họ hiểu rằng, để gìn giữ được làng nghề thì phải công nghiệp hóa trước đã. "Công nghiệp hóa" ở đây chính là đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để thay thế cho phương thức làm tay truyền thống.
Ông Hoàng Duy Thắng, chủ cơ sở sản xuất bánh cáy Hoàng Thắng (thôn Bắc Lạng, xã Nguyên Xá) cho biết: Đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất lớn ở làng Nguyễn đều đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc hiện đại vào sản xuất như máy cán kẹo, máy cắt, máy xay, máy đảo bánh, máy đóng gói, lò điện. Nhà nào cũng có xưởng sản xuất với dây chuyền khép kín, giảm được khá nhiều nhân công so với trước kia; chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng được nâng lên, lại bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng tiêu thụ tốt. Doanh thu hàng năm của mỗi gia đình đạt hàng trăm triệu đồng.
Anh Trần Văn Hưng, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Hưng Mậu cũng khẳng định, nhờ đầu tư trang thiết bị máy móc mà anh nhàn hẳn trong khâu rang lạc, cắt bánh kẹo và đóng gói. Bên cạnh công thức gia truyền, anh cũng tìm tòi thử nghiệm, tìm ra công thức mới để nấu kẹo sao cho kẹo không quá ngọt, mà vẫn giữ nguyên được độ bùi của lạc, độ ngậy của vừng, mùi thơm của nha, cắn một miếng đã thấy giòn tan ngay đầu lưỡi. Chẳng thế mà nhà anh sản xuất đều đều từ 700 - 800kg mỗi ngày, có ngày cao điểm lên đến tấn. Kẹo nhà anh làm ra không chỉ phân phối cho những cửa hàng bán lẻ hay đại lý trong và ngoài tỉnh mà còn được người ta chuyền tay nhau qua cả Hàn Quốc, Mỹ, Nhật và một số nước Đông Nam Á.
Máy móc được áp dụng vào sản xuất giúp giảm nhân công, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động.
Bên cạnh việc cải tiến trang thiết bị máy móc thì nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo điều kiện cho làng nghề phát triển. Nhờ xây dựng nông thôn mới, hiện nay, toàn bộ tuyến đường trục chính của xã Nguyên Xá đã được sửa sang hoàn thiện. Bên cạnh con đường nằm dọc quốc lộ 39 thông thoáng lát đá phẳng lì, những con đường nhỏ nằm trong các ngõ xóm cũng đã được Nhà nước và nhân dân chung tay đầu tư xây mới. Việc thông thương, buôn bán, vì thế cũng được mở rộng và thuận lợi hơn. Ngoài ra, xã cũng tiến hành xây dựng khu xử lý rác thải, sinh hoạt và rác thải sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường cho địa phương. Hàng năm, chính quyền xã phối hợp với Đội Quản lý thị trường của huyện Đông Hưng tiến hành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm theo đợt và đột xuất nhằm hướng dẫn, kiểm tra đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp làm nghề vi phạm.
Để chấm dứt tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, xã Nguyên Xá đã quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề. Theo đó, các hộ gia đình sẽ tập trung về một điểm, hỗ trợ nhau trong sản xuất và buôn bán trên tinh thần cộng hưởng cùng có lợi. Cơ sở nào sản xuất ra sản phẩm ngon hơn sẽ là đầu mối cho những cơ sở nhỏ còn lại. Ngoài ra, diện tích đất mặt đường còn trống sẽ được xã cho người dân thuê để mở rộng sản xuất, buôn bán, dịch vụ.
Sở Công Thương cùng Phòng Công Thương huyện Đông Hưng cũng luôn tạo điều kiện để quảng bá thương hiệu bánh kẹo làng Nguyễn bằng cách trưng bày sản phẩm làng nghề tại các gian hàng hội chợ, triển lãm.
Anh Nguyễn Tiến Trung, Phó Trưởng phòng Công Thương huyện Đông Hưng cho biết, thương hiệu vẫn đang là bài toán khó, nhất là khâu tìm đầu ra cho sản phẩm. Để làm được điều này, trước hết cần sự chung sức đồng lòng của những người dân làm nghề để làm sao làng nghề có thể "quy về một mối". Đồng thời phát triển nghề ở những nơi chưa có nghề trên cơ sở nghiên cứu thị trường, điều kiện sản xuất. Bên cạnh đó là cải tiến, đa dạng hóa mẫu mã nhưng vẫn phải giữ được cái tinh hoa cốt lõi truyền thống; để bánh cáy, kẹo lạc làng Nguyễn không chỉ mang hương vị đặc trưng của vùng quê lúa mà còn xứng tầm là một mặt hàng đặc sản Việt Nam có thể vươn ra thị trường quốc tế.
" Trong những năm vừa qua, nhân dân địa phương đã rất năng động giao lưu buôn bán hàng hóa trên khắp mọi miền. Chính vì vậy nên ngành nghề tiểu thủ công nghiệp rất phát triển đặc biệt là ngành nghề chế biến nông sản thực phẩm đã mang lại tiềm năng phát triển kinh tế cho địa phương. Trong đó chú trọng ngành nghề sản xuất đặc sản như bánh cáy, kẹo lạc và một số ngành nghề phụ khác. Tính đến thời điểm hiện tại, bánh cáy, kẹo lạc làng Nguyễn đã thu hút được lực lượng lao động lớn không chỉ trong địa bàn mà còn ở khu vực các xã khác." (Ông Nguyễn Tiến Vững, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá) |
Thùy Dung
(Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Tin cùng chuyên mục
- Sắc xuân trên làng hoa, cây cảnh ở Đông Hưng 17.01.2025 | 08:56 AM
- Làng hoa cây cảnh Quỳnh Hồng tất bật vào tết 30.12.2024 | 16:03 PM
- Vườn đào Minh Tân vào mùa tuốt lá 09.12.2024 | 08:43 AM
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
Xem tin theo ngày
-
Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
- Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội
- Đối thoại với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh
- Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- Khởi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn