Chủ nhật, 30/06/2024, 21:31[GMT+7]

“Nổi, chìm” chạm bạc Ðồng Xâm

Thứ 2, 14/03/2016 | 14:50:50
1,879 lượt xem
Hiện nay, làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương) đang phát triển nhanh với giá trị kinh tế mỗi năm đạt trên 90 tỷ đồng. Thế nhưng, ngay giữa thời kỳ đỉnh cao, nhiều người đã nhìn thấy những nguy cơ mất đi cái tinh túy, đặc sắc trong các sản phẩm thủ công và sự phát triển không bền vững của làng nghề.

Người dân Đồng Xâm đa dạng hóa các mặt hàng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Làng tỷ phú

 

Ít có làng quê nào lại sầm uất và náo nhiệt như làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm. Dọc theo những con đường trục xã, trục thôn là san sát nhà cao tầng được xây dựng với đủ kiểu cách. Vẻ ngoài hiện đại cùng với những âm thanh đặc trưng của làng nghề chạm bạc nghe vui tai càng hấp dẫn chúng tôi tò mò muốn đi sâu vào tìm hiểu đời sống của những người thợ thủ công nơi đây.

 

Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Nhiêu năm nay đã bước qua tuổi 75, có tới 60 năm tuổi nghề đang say sưa chạm trổ, khắc tỉa những nét hoa văn cho cây đèn thờ chất liệu đồng. Nhìn những đường nét tinh xảo, chi tiết và đẹp mắt mới thấy hết sự tỷ mỷ, tính kiên trì, cần mẫn và đôi bàn tay tài hoa của người thợ. Hiện gia đình ông Nhiêu đang tạo việc làm cho 6 lao động. Ông cho biết: Mỗi năm gia đình tôi xuất ra thị trường hàng vạn sản phẩm, thu về ngót tỷ đồng, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 400 triệu đồng.

 

Với những hộ, tổ sản xuất theo kiểu thủ công như gia đình ông Nhiêu, không khí lao động diễn ra cảm giác bình chậm, còn những hộ đã đưa máy móc vào thay sức người thì luôn hối hả. Tiếng máy dập, máy đột, máy mài hoạt động liên tục phát ra những tiếng xình xình như thúc giục người thợ nhanh tay cho ra đời nhiều sản phẩm cung ứng cho thị trường. Anh Hoàng Văn Hậu, thôn Tả Phụ cho biết: Vào dịp cuối năm và đầu năm mới, làng nghề chúng tôi làm không hết việc. Tuy bận mải nhưng cả gia đình có việc làm và thu nhập kha khá, từ 300 - 500 triệu đồng/năm.

 

Làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm hiện có 150 tổ, hộ làm nghề với khoảng 2.000 lao động. Trước nhu cầu của thị trường, ngoài sản phẩm bằng bạc, những người thợ nơi đây còn tạo ra vô số hàng hóa chất liệu đồng. Mỗi năm làng nghề tiêu thụ khoảng 300 tấn đồng nguyên liệu, thu về hơn 90 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất của địa phương. Hạnh phúc lớn nhất của người thợ làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm là những sản phẩm, tác phẩm của họ đã có mặt ở trong và ngoài nước.

 

Nỗi lo thời hội nhập

 

Ông Phạm Văn Nhiêu, Phó Chi hội trưởng Chi hội Mỹ nghệ Kim hoàn làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm - người rất tích cực xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm làng nghề ra thị trường trong và ngoài nước cho biết: Hiện nay, sản phẩm của Ðồng Xâm khó có thị phần ở nước ngoài vì sự cạnh tranh “không cân sức” về giá với hàng hóa của các nước Trung Quốc, Thái Lan và Lào. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu được tiêu thụ nội địa với các mặt hàng như hoành phi, câu đối, lư hương, ống hoa, hào quang, thánh giá, chén đựng nước phép, hộp đựng bánh thánh, những bức tranh về danh lam thắng cảnh của đất nước, đồng quê Việt Nam và hàng trang sức phục vụ cho mọi vùng miền, mọi dân tộc. Thế nhưng, ngay trên “sân nhà”, dù hiện nay đang giúp cho làng nghề “sống khỏe” song những người có kinh nghiệm, từng trải qua nhiều thăng trầm của làng nghề đang nhận thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ tụt dốc. Ông Tạ Văn Xuân, thôn Hữu Bộc chia sẻ: Phần lớn sản phẩm làng nghề là hàng phục vụ nhu cầu tâm linh, thờ cúng của đạo Phật, đạo Thiên chúa và một số tranh quê; người ta mua một lần sử dụng cả trăm năm. Nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng này, hiện nay đã có dấu hiệu bão hòa.

 

 

Ứng dụng máy móc vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động.

 

Làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm có 150 tổ, hộ sản xuất thì 1/3 sử dụng máy móc để thay thế sức thủ công. Nghệ nhân Nguyễn Văn Ngoan, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ nghệ Kim hoàn làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm suy nghĩ: Việc anh em ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc vào làm để nâng năng suất lao động, tăng thu nhập là tốt và cần thiết. Nhưng khả năng làm chủ công nghệ, máy móc của chúng ta còn thấp nên cho ra những sản phẩm không đủ sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại của nước ngoài. Như vậy, khi hội nhập kinh tế, chúng ta sẽ bị thua ngay trên “sân nhà”. Còn nghệ nhân Phạm Văn Nhiêu thì trăn trở: Với tốc độ máy móc hóa như hiện nay, khoảng vài ba năm nữa, lớp trẻ làng nghề sẽ không còn nắm giữ được những bí quyết, ngón nghề gia truyền của ông cha. Ðến lúc đó Ðồng Xâm còn đâu danh tiếng của một làng nghề thủ công hơn 600 năm. Ông Nhiêu cũng cho biết, hiện nay hàng hóa của làng nghề còn có chỗ đứng trên thị trường là nhờ độ tinh xảo trên các đường nét, hoa văn bởi kỹ thuật chạm khắc bằng tay. Ðây là thế mạnh tạo ra sự đa dạng, độc đáo trong từng sản phẩm của làng nghề và được người tiêu dùng chấp nhận. Nhưng nếu đánh mất thì Ðồng Xâm sẽ chỉ còn lại cái tên “vang bóng một thời”.

 

Hướng đi nào cho chạm Bạc Ðồng Xâm?

 

Nhìn rõ những nguy cơ có thể đẩy làng nghề Ðồng Xâm vào mai một, các nghệ nhân và những người gắn bó, tâm huyết với nghề chạm bạc đều cho rằng, cần phải giữ và tăng tỷ lệ các chi tiết thủ công trong các sản phẩm của làng nghề. Máy móc chỉ mang tính chất làm phôi, làm thô, còn để làm ra sản phẩm bán trên thị trường thì nhất định cần tới kỹ nghệ thủ công. Ðây chính là giải pháp phù hợp để có thể kết hợp đưa máy móc vào sản xuất cùng với làm thủ công mà không làm mất đi sự tinh xảo trên các sản phẩm của làng nghề, đồng thời tạo ra sự khác biệt giữa sản phẩm của Ðồng Xâm với bất kỳ nơi nào khác, khẳng định chỗ đứng riêng biệt của mình. Muốn vậy, việc đào tạo nghề cho người thợ, nhất là thợ trẻ phải được quan tâm thường xuyên; có cơ chế hỗ trợ để các nghệ nhân truyền nghề cho thế hệ sau nhằm lưu giữ sự tinh hoa nghề chạm bạc.

 

Với ưu thế độc đáo sẵn có của nghề nghiệp, mỗi người thợ nên mạnh dạn sớm đa dạng hóa sản phẩm dựa trên nhu cầu, tiềm năng của thị trường ở cả trong và ngoài nước. “Hiện nay, chúng tôi mới làm ra sản phẩm bán ra thị trường chứ chưa làm ra sản phẩm mà người tiêu dùng cần, dẫn đến có sự chênh lệnh giữa cung và cầu” - ông Phạm Văn Nhiêu cho biết.

 

Nói tới chạm bạc người ta nghĩ ngay tới Ðồng Xâm; nhiều sản phẩm Ðồng Xâm đã được đăng ký thương hiệu, sở hữu trí tuệ. Thế nhưng, đáng tiếc là sự nổi danh ấy vẫn quẩn quanh trong nước, chưa thể “ghi danh” trên xứ người. Lý do là cho đến nay, làng nghề Ðồng Xâm vẫn chưa có một tổ chức, cá nhân nào xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên thị trường quốc tế. Người dân làng nghề đang rất mong chờ được “chơi trên sân lớn” nếu tỉnh và huyện có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp lớn, đủ năng lực đầu tư về làng nghề để tiêu thụ, đưa hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài.

 

Gìn giữ những bí quyết làng nghề, tài nghệ của người thợ thủ công, tổ chức sắp xếp lại sản xuất, đầu tư mở rộng nhà xưởng, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại hàng hóa và thúc đẩy xúc tiến thương mại vươn tới xuất khẩu chính là con đường duy nhất để Ðồng Xâm tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai.

 

Khắc Duẩn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày