Thứ 7, 18/05/2024, 11:58[GMT+7]

Nam Hà phát huy lợi thế xã nghề

Thứ 4, 27/04/2016 | 08:35:10
631 lượt xem
Trong khi rất nhiều địa phương gặp khó trong việc duy trì nghề truyền thống thì nghề truyền thống làm nón lá ở Nam Hà (Tiền Hải) vẫn được phần đông người dân trong xã duy trì và coi như nguồn thu nhập chính. Những năm qua, nghề làm nón lá luôn được xã quan tâm, nhờ đó đời sống người dân từng bước được nâng lên.

Nghề làm nón lá mang lại thu nhập ổn định cho người dân Nam Hà.

Đồng chí Phạm Ngọc Dùng, Chủ tịch UBND xã Nam Hà cho biết: Nhận thức được phát triển ngành nghề là con đường duy nhất để xóa đói giảm nghèo, giảm chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội so với các xã lân cận, ổn định an ninh trật tự của địa phương, những năm qua cùng với việc quán triệt Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nghề và làng nghề, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã ban hành Nghị quyết phát triển nghề và làng nghề, xây dựng đề án phát triển nghề đồng thời có chính sách khuyến khích động viên các cơ sở trong xã thành lập doanh nghiệp để hỗ trợ và tạo điều kiện cho làng nghề phát triển. Để duy trì và phát triển nghề và làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, hàng năm xã tổ chức tập huấn để nâng cao tay nghề cho người dân, tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhờ các hoạt động này mà ngày càng có nhiều người biết về làng nghề nón lá Nam Hà, từ đó giúp người dân yên tâm gắn bó với nghề. Hiện nay, theo thống kê toàn xã có trên 70% số hộ trong xã phát triển nghề làm nón với mức thu nhập ổn định.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Đông Quách có truyền thống làm nghề nón. Năm nay gần 60 tuổi nhưng bà đã có 40 năm trong nghề. Bà Hoa tâm sự: Cả hai vợ chồng bà tuổi đều đã cao, nếu chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng mà không duy trì nghề truyền thống cuộc sống sẽ rất khó khăn. Nhờ gắn bó với nghề làm nón lá mà mỗi tháng gia đình bà có thêm thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng, nhờ đó cuộc sống cũng khá hơn. Cũng theo bà Hoa, đối với những người có tay nghề cao, nón làm ra đẹp sẽ có giá bán từ 80.000 - 120.000 đồng/cái, vì thế nhiều gia đình cũng giàu lên nhờ nghề nón. Đặc biệt sản phẩm nón lá làm ra rất dễ tiêu thụ, không bị ứ đọng, nghề làm nón lại không ảnh hưởng đến môi trường, ai cũng có thể tham gia từ người già đến trẻ nhỏ. Tuy ngày công không cao song đây đã trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho các gia đình trong xã.

Với việc duy trì và phát triển nghề truyền thống, đến nay cả 4 thôn trong xã đều được công nhận là làng nghề, qua đó đã đưa Nam Hà trở thành một trong số ít địa phương của tỉnh được UBND cấp bằng công nhận là xã nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Điều đó đã khẳng định nghề nón đã trở thành nghề đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương, giúp các hộ gia đình nâng cao thu nhập. Cùng với nghề làm nón, Nam Hà còn phát triển một số nghề: may mặc, mộc, xây dựng, cơ khí, sửa chữa máy, điện dân dụng, chế biến lương thực, thực phẩm… giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 1.000 lao động làm việc thường xuyên với mức thu nhập ổn định.

Trải qua hàng trăm năm gắn bó, đến nay nghề làm nón đã giúp cho cuộc sống của người dân trong xã có nhiều đổi thay, số hộ khá, hộ giàu tăng, số hộ nghèo hàng năm giảm. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã ở mức 9,7%, đến năm 2015 đã giảm xuống còn 4,05%. Tổng giá trị thu nhập từ công nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản của xã trong 5 năm (2010 - 2015) đạt 111,316 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 22 triệu đồng. Các chính sách an sinh xã hội có nhiều chuyển biến. 5 năm qua, xã đã huy động và tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài tỉnh hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở cho 79 hộ gia đình chính sách và hộ nghèo với số tiền 1,74 tỷ đồng, cải tạo nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ. Các lĩnh vực về giáo dục, y tế, văn hóa… có nhiều chuyển biến. Để nghề làm nón tiếp tục gắn bó với người dân, thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm của làng nghề, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp đến tiêu thụ sản phẩm và nhân rộng phong trào tập thể, cá nhân thi đua phát triển kinh tế hộ gia đình làm cơ sở phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày