Chủ nhật, 18/05/2025, 14:59[GMT+7]

Thăng trầm nghề “ăn cơm đứng”

Thứ 2, 06/06/2016 | 08:59:07
2,746 lượt xem
Người xưa thường ví “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” để nói nỗi vất vả của nghề trồng dâu nuôi tằm. Ở xã Hồng Lý (Vũ Thư), nỗi nhọc nhằn, buồn vui của nông dân còn gắn liền với những giai đoạn thăng trầm, thịnh suy của nghề “ăn cơm đứng”. Dẫu vậy, bà con vẫn đang nỗ lực để nghề truyền thống không bị mai một.

 

Nghề có lúc thịnh, lúc suy

 

Không ai biết rõ nghề trồng dâu nuôi tằm có ở Hồng Lý từ bao giờ, chỉ biết xưa kia, cùng với cấy lúa, hầu hết các hộ dân trong xã đều có ruộng trồng dâu và nhà nào cũng có dăm, bảy nong tằm. Ông Trần Xuân Chính, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ những năm sau đổi mới cho đến khoảng năm 2008, tuy có thời điểm tằm bị dịch bệnh, nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương cũng bị ảnh hưởng nhưng vẫn được coi là thời kỳ “hoàng kim” của nghề. Khi đó, xã có khoảng trên 250ha dâu, thu hút hơn 1.000 hộ gia đình của hai HTX Hồng Xuân và Tam Tỉnh tham gia sản xuất. Gắn với trồng dâu, nuôi tằm, cứ 2 - 3 hộ gia đình thường hình thành một tổ ươm tơ, tự quay tơ sau khi sản xuất kén, vì thế làng nghề lúc nào cũng nhộn nhịp, cánh đồng dâu luôn xanh tốt và bếp than ươm tơ lúc nào cũng đỏ lửa. Nghề trồng dâu, nuôi tằm dẫu không cho bà con giàu có nhưng cũng khấm khá, có bát ăn bát để và so sánh với cây lúa thì rõ ràng hơn hẳn.

 

 

Nông dân Hồng Xuân thu hoạch dâu để nuôi tằm.

 

Năm 2009 và mấy năm sau đó, chất lượng trứng giống kém, tằm của bà con địa phương bị dịch bệnh và hỏng liên tiếp, giá kén lại giảm trong khi đó cơ chế hỗ trợ của các cấp, các ngành chưa đầy đủ nên người dân địa phương phá bỏ hàng loạt cây dâu, diện tích dâu giảm xuống hơn chục lần, từ 250ha trước đó xuống còn hơn 20ha hiện nay, đặc biệt HTX Tam Tỉnh hầu như không còn hộ trồng dâu, nuôi tằm. Ông Phan Doãn Hòa, thôn Thượng Hộ Trung, xã Hồng Lý chia sẻ: Chỉ trong vòng vài năm, bà con phá gần hết dâu trồng hòe, cây màu, cây ăn quả khác. Ai gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm đều xót xa khi chứng kiến các nong nia, giá nuôi tằm bị vứt bỏ hoặc đem đi cho hết.

 

Nỗ lực duy trì nghề truyền thống

 

 

Tằm được hong khô trước khi ươm để tơ óng và có màu đẹp hơn.

 

Trải qua giai đoạn khó khăn, nhờ quyết tâm gắn bó với nghề “ăn cơm đứng” của nông dân HTX Hồng Xuân nên cây dâu chưa bị loại khỏi đất Hồng Lý. Mấy năm gần đây, sản xuất ổn định, năng suất, thị trường kén tằm bảo đảm đã tạo điều kiện cho bà con tiếp tục duy trì, từng bước khôi phục nghề truyền thống.

 

Ông Trần Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành HTX nông nghiệp Hồng Xuân (xã Hồng Lý) cho biết: Với hơn 20ha dâu, hiện nay HTX có hơn 300 hộ ở các thôn Thượng Hộ Bắc, Thượng Hộ Trung, Thượng Hộ Nam sản xuất dâu tằm. Tùy thuộc vào số lao động, mỗi hộ trồng từ 3 - 5 sào dâu, nuôi 5 - 7 nong tằm mỗi lứa, có hộ sản xuất nhiều hoặc ít hơn một chút. Ðể phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, gần đây, HTX đã quy hoạch vùng sản xuất dâu, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi bảo đảm nước tưới tiêu thuận lợi. HTX tổ chức cho nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dâu, phòng chống dịch bệnh cho con tằm tại một số vùng sản xuất dâu tằm trong và ngoài tỉnh; phối hợp với Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Việt Hùng để từng bước áp dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng kén tằm.

 

Ông Phan Doãn Doanh, thôn Thượng Hộ Trung cho biết: Tính tương ứng diện tích dâu với sản lượng nuôi tằm bình quân, thì mỗi năm, nông dân thu được khoảng 50kg kén/sào dâu. Mấy năm nay giá kén ổn định khoảng 80.000 đồng/kg, bà con có thu nhập khoảng 4 triệu đồng/sào/năm từ trồng dâu, nuôi tằm. Ngoài ra, vào vụ đông, bà con xen canh trồng từ 2 - 3 vụ rau màu/năm ở diện tích đất trồng dâu, thu về từ 2 - 3 triệu đồng/sào. Kết hợp trồng dâu nuôi tằm, trồng rau màu, nông dân thu về 6 - 7 triệu đồng/sào/năm là chắc chắn. Gia đình ông trồng gần 6 sào dâu kết hợp nuôi tằm, một năm thu về khoảng 40 triệu đồng, hiệu quả hơn nhiều cấy lúa.

 

 

Những người phụ nữ Hồng Xuân cần mẫn bên những bếp ươm tơ.

 

Sau công đoạn trồng dâu, nuôi tằm, trước kia người dân Hồng Lý còn có nghề ươm tơ với hàng chục hộ ươm. Hiện nay, do quy mô sản xuất giảm nên HTX chỉ còn 4 hộ làm nghề ươm tơ, thu hút gần 20 lao động tham gia. Nhiều năm gắn bó với công việc ươm tơ, anh Nguyễn Huy Thụ, HTX Hồng Xuân cho biết: Muốn tơ óng ả, đẹp thì khi tằm đang đóng kén, người nuôi phải hong nắng hoặc sấy ở nhiệt độ 35 - 370C trong vòng khoảng 20 tiếng đồng hồ liên tục cho kén khô, thơm sau đó trong vòng 3 - 4 ngày, khi con nhộng còn sống, thợ ươm phải bỏ kén vào quay. Kén được thả vào nồi nước đặt trên bếp than lúc nào cũng sôi sùng sục, người thợ nhẹ nhàng dùng đôi đũa gỡ sợi tơ trên kén để máy kéo vào thành sợi. Kỹ thuật quay không khó nhưng đòi hỏi kiên trì, tỉ mỉ, vì vậy hầu hết là phụ nữ đảm nhiệm việc quay tơ. Bình quân mỗi năm gia đình anh Thụ thu mua của bà con để về quay khoảng 7 - 8 tấn kén, xuất bán gần 1 tấn tơ, trị giá khoảng 500 triệu đồng và gần 200 triệu đồng từ bán nhộng tằm, tạo việc làm thường xuyên cho 3 - 4 lao động với thu nhập từ 170.000 - 200.000 đồng/ngày công/người.

 

 

Tơ sau khi quay được phơi khô và vệ sinh sạch sẽ.

 

Không phụ gian lao vất vả vì “ăn cơm đứng”, đến nay, cây dâu, con tằm mang lại thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/sào/năm cho nông dân HTX Hồng Xuân, ngoài ra các hộ nhạy bén còn thu về giá trị kinh tế hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề ươm tơ và tạo việc làm cho lao động địa phương. Nghề trồng dâu nuôi tằm đã góp phần tích cực đổi thay diện mạo của vùng quê xa trung tâm huyện theo hướng khang trang, sạch đẹp hơn.

 

 

Ông Trần Xuân Chính, Chủ tịch UBND xã Hồng Lý

 

Thực tế những năm qua, địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất dâu tằm. Cây dâu, con tằm là loại cây, con đặc thù đòi hỏi kỹ thuật trồng, nuôi, chăm sóc cao hơn, tuy nhiên công tác quản lý, hướng dẫn, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật của các cấp, các ngành cho nông dân địa phương còn hạn chế. Cơ chế hỗ trợ của nhà nước cho phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm cũng chưa có. Vì vậy, tôi rất mong thời gian tới, tỉnh, huyện có quan tâm đầu tư, hỗ trợ đồng bộ các mặt từ cơ chế chính sách, giống, vốn, kỹ thuật… để khuyến khích nông dân duy trì, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, mang lại giá trị thu nhập cao, đồng thời giữ gìn nghề truyền thống của địa phương.

 

Bà Phạm Thị Quyên, HTX Hồng Xuân, xã Hồng Lý

 

Trồng dâu nuôi tằm tuy vất vả nhưng so với cấy lúa thì hiệu quả gấp 2 - 3 lần. Mấy năm nay bà con phấn khởi vì nuôi tằm được mùa, được giá, nhưng vẫn canh cánh nỗi lo giá kén bấp bênh, dịch bệnh trên tằm khó kiểm soát vì vậy nhiều hộ vẫn chưa dám mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dâu, khôi phục nghề nuôi tằm như trước kia.

 

 

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày