Chủ nhật, 06/07/2025, 00:11[GMT+7]

Dệt Phương La: Gian nan đi tìm lời giải

Thứ 2, 04/07/2016 | 15:43:25
1,015 lượt xem
Xem ra việc giải bài toán giữa lợi ích kinh tế và vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng nghề Phương La không đơn giản ở hình thức xử phạt hành chính, cưỡng chế, giám sát mà là việc cần sớm quy hoạch, mở rộng CCN Phương La, di dời các cơ sở trong khu dân cư ra CCN và đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Hệ thống xử lý nước thải Cụm công nghiệp Phương La đã hoàn thành giai đoạn 1.

BÀI 4: BAO GIỜ HỆ THỐNG XỬ LÝ NƯỚC THẢI ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG

Tiến độ dự án chậm

Nhằm đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp, tháng 9/2013, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2032/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà với tổng mức đầu tư gần 77 tỷ đồng, do UBND huyện làm chủ đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia để khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường giai đoạn 2012 - 2015 và vốn đối ứng của địa phương. Đồng thời, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập và mở rộng CCN Phương La, UBND huyện Hưng Hà đang hoàn thiện, phấn đấu quý III/2016 hoàn thành quy hoạch chi tiết. Theo kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng công trình: Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La hoàn thành cuối năm 2015. Tuy nhiên, tiến độ triển khai chậm, đến nay, mới hoàn thành giai đoạn 1: xây dựng hạ tầng kỹ thuật trạm xử lý, mua sắm, lắp đặt thiết bị, giải phóng mặt bằng. Theo ông Vũ Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà thì việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải là khá tốn kém nhưng lợi ích xã hội của việc làm này lại vô cùng to lớn, sẽ làm cho các nhà đầu tư thứ cấp hoàn toàn yên tâm xây dựng nhà máy để hoạt động lâu dài, đồng thời giúp các nhà đầu tư trong CCN nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan trong lành, sạch đẹp. Vì vậy, thời gian qua, UBND huyện Hưng Hà tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, yêu cầu các phòng, ngành liên quan rà soát nội dung dự án được phê duyệt để ưu tiên tập trung đầu tư các hạng mục quan trọng, cắt giảm những hạng mục chưa thật cấp thiết. Khó khăn lớn nhất hiện nay để hoàn thành dự án là kinh phí do tổng vốn đầu tư cho công trình lớn, ngân sách của địa phương còn hạn hẹp. Đề nghị trung ương, các bộ, ngành và UBND tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ thi công, lắp đặt thiết bị, sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải sau khi đi vào hoạt động bảo đảm tính bền vững và hiệu quả của dự án cũng đang là bài toán khó. Về những giải pháp trong thời gian chờ đợi nhà máy xử lý nước thải CCN Phương La đi vào hoạt động, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sở sẽ phối hợp với Sở Công Thương tuyên truyền, vận động, khuyến khích các cơ sở sản xuất cải tiến công nghệ, sử dụng máy móc hiện đại nhằm giảm thiểu ô nhiễm phát sinh do bụi và tiếng ồn. Khi hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động sẽ mời các chuyên gia về tẩy nhuộm hướng dẫn cho các chủ cơ sở nắm vững kỹ thuật chuyên môn để sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguồn hóa chất, nguyên liệu đầu vào nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước và cải thiện chất lượng môi trường làng nghề.

Dây chuyền tẩy, nhuộm của Công ty TNHH CBA.

Doanh nghiệp mòn mỏi chờ đợi

Tâm sự với chúng tôi ông Đinh Văn Đàm, chủ cơ sở nấu, giặt, tẩy nhuộm trong khu dân cư thôn Phương La 1 cho biết: Bản thân các cơ sở sản xuất luôn mong muốn yên ổn để phát triển, không phải nơm nớp lo sợ các cơ quan chức năng đến thanh tra, kiểm tra, cưỡng chế dừng hoạt động sản xuất. Vì vậy, chúng tôi mong các cấp chính quyền sớm hoàn thành và đưa hệ thống xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động. Lúc đó, cơ sở sẽ mạnh dạn đầu tư, cạnh tranh công bằng về giá thành với các sản phẩm của địa phương khác, sẽ không còn cảnh nay đây mai đó sản xuất theo kiểu "liều mình như chẳng có" đối phó với các cơ quan chức năng như hiện nay. Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Tuấn Lộc cho biết: Mong mỏi của doanh nghiệp là các cơ quan chức năng tạo một "cơ chế" thoáng về mặt pháp lý còn bản thân các doanh nghiệp từ khi thành lập CCN tới nay đã sẵn sàng tự đầu tư chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng. Doanh nghiệp đang mòn mỏi trông chờ ngày hệ thống xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động. Bởi hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp chi phí hơn 1 tỷ đồng tiền vận chuyển, thuê tẩy nhuộm ở Hà Nội, Nam Định, trong khi giá tẩy nhuộm luôn bị các công ty ép giá tăng cao. Nếu như quý I/2016, giá tẩy nhuộm là 19.000 đồng/kg thì quý II đã tăng 28.000 đồng/kg, khiến chi phí sản xuất tăng cao, khó cạnh tranh và không tạo sự bình đẳng trong kinh doanh.

Nghề dệt vẫn phát triển với quy mô ngày càng mở rộng. Trong nền kinh tế thị trường người dân làng Mẹo vẫn muốn khẳng định uy tín và vị thế của mình. Nhưng để có một làng nghề phát triển bền vững, để cuộc sống của người dân không bị đảo lộn do ô nhiễm môi trường thì bài toán cho làng dệt Phương La vẫn chờ lời giải.

Vẫn biết rằng phía trước còn nhiều gian nan song sự chờ đợi của người dân làng dệt vẫn trong niềm tin và hy vọng.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày