Thứ 7, 23/11/2024, 09:49[GMT+7]

Nghề và làng nghề ở Kiến Xương

Thứ 3, 12/07/2016 | 10:03:08
1,903 lượt xem
Kiến Xương có nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề chạm bạc ở các xã Lê Lợi, Hồng Thái, Trà Giang, nghề dệt đũi ở Nam Cao, nghề mây tre đan ở Thượng Hiền… Cùng với chủ trương, chính sách phù hợp, việc duy trì và phát triển nghề truyền thống ở Kiến Xương đang dần được đẩy mạnh nhờ sự linh hoạt của người dân.

Làng nghề chạm bạc giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động địa phương.

 

Những năm gần đây, Kiến Xương chú trọng phát triển làng nghề nhằm giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cũng như bảo vệ môi trường. Tập trung nguồn lực, kết hợp các chương trình khuyến công và một số chương trình khác đầu tư chuyển giao công nghệ tiên tiến, từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng bảo đảm cho làng nghề hoạt động ổn định như điện, nước, môi trường. Vận động thành lập các doanh nghiệp vệ tinh làm đầu mối trong việc tham gia, tổ chức sản xuất và giao lưu với đối tác bên ngoài, mở rộng thị trường. Trong các làng nghề đã hình thành nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. Hiện toàn huyện có 40 làng nghề ở 34 xã, giải quyết việc làm cho gần 33.000 lao động với thu nhập từ 2 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất nghề và làng nghề đạt 1.050 tỷ đồng, chiếm 43,4% giá trị sản xuất công nghiệp.

 

Quốc Tuấn là xã có hai làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Nghề mây tre đan, làm tấm đệm lót, sản xuất bún bánh, phôi nhựa, gạch nung… đã góp phần đưa lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm gần 40% cơ cấu kinh tế của địa phương, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Để duy trì và phát triển làng nghề bền vững, xã đã xây dựng đề án phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do phát triển tự phát không theo quy hoạch nên một số cơ sở sản xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải đã xả chất thải trực tiếp ra cống rãnh, ảnh hưởng đến môi trường nước và không khí. Những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm đã hình thành một vùng nghề chạm bạc trên địa bàn ba xã Lê Lợi, Hồng Thái, Trà Giang với trên 200 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động. Để có một vị thế trên thị trường cũng như uy tín về sản phẩm như hôm nay, người thợ chạm bạc Đồng Xâm đã phải trải qua nhiều vất vả, khó khăn. Tuy tổ chức sản xuất vẫn mang tính thủ công đơn giản nhưng mỗi sản phẩm đều có quy trình riêng, sự bố trí từng khâu công việc khá nhịp nhàng, linh hoạt và khoa học đòi hỏi ở người thợ đôi bàn tay khéo léo và sự thuần thục trong từng sản phẩm. Mỗi năm, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm tiêu thụ 300 tấn đồng nguyên liệu, thu về hơn 90 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất của địa phương. Đặc biệt, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã công nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, góp phần đưa sản phẩm của làng nghề đến người tiêu dùng trong cả nước và nhiều nơi trên thế giới.

 

Tuy đã đạt được nhiều kết quả nhưng phát triển nghề và làng nghề ở Kiến Xương vẫn chưa thực sự bền vững, mới phát triển bề rộng mà chưa chú trọng đến chiều sâu. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng về chủng loại nhưng mẫu mã ít được cải tiến, chất lượng chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm được công nhận thương hiệu nên sức cạnh tranh thấp, khó khăn về thị trường tiêu thụ. Việc hình thành cụm công nghiệp làng nghề còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch và định hướng rõ ràng để gắn với các làng nghề.

 

Để phát huy thế mạnh của các làng nghề, tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới, Kiến Xương cần có nhiều chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư về hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh các chương trình khuyến công, chú trọng đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động trong mối tương quan với điều kiện cụ thể của địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng khảo sát hoạt động sản xuất và nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển của làng nghề tiểu thủ công nghiệp, kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở được vay vốn để phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, có thị trường tiêu thụ. Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm và hình ảnh làng nghề. Từng bước triển khai công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, phát triển mạng lưới giao thông. Hỗ trợ các làng nghề tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh để trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

 

Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày