Chủ nhật, 18/05/2025, 14:27[GMT+7]

Cọng rơm vàng bện chặt

Thứ 2, 07/11/2016 | 09:10:32
5,494 lượt xem
Mùa màng hối hả qua đi nhường chỗ cho những góc bình yên, giản dị. Trong những ngôi làng thóc vàng chín ruộm, ta bắt gặp hình ảnh người nông dân cặm cụi bên những nhánh rơm khô bện thành chiếc chổi rơm vẫn còn thơm mùi nắng.

Vợ chồng ông Dương Văn Du làm chổi rơm.

 

Mùa làm chổi bắt đầu bằng tiếng gọi nhau của các bà trong xóm. Họ tập trung thành những nhóm nhỏ, vừa dăm ba câu chuyện câu trò vừa đều tay tuốt lúa. Công đoạn tuốt lúa bao đời nay vẫn thế, được làm thủ công, người làm chỉ dùng bát, dùng đũa để nạo hạt chứ không dùng máy móc, như vậy, thân rơm mới không bị gãy nát, làm chổi mới được đẹp. Thân rơm tươi sau khi đã bóc tách hạt xong xuôi được trải đều trên sân, phơi qua nhiều nắng cho tới khi khô hẳn mới dùng. Loại rơm được dùng phổ biến là rơm nếp. Ðây là thứ rơm có độ bền và dẻo dai, khi làm xong, lại có mùi thơm của hương nếp mới, có màu óng ả đẹp mắt như nắng vàng. Những đứa trẻ thường được người lớn giao cho nhiệm vụ rút sợi. Từ thân rơm khô còn nguyên áo lá, trẻ rút sợi vàng giữ lại cho ông bà, áo lá tận dụng để buộc rau đem đi chợ. Những sợi rơm vàng gom màu của nắng, ướp mùi của mùa màng ấy có sức lôi cuốn những đứa trẻ hiếu động một cách kỳ lạ, khiến chúng có thể say sưa ngồi cả ngày mà chẳng chút kêu ca. Sau khi được chọn lọc, rơm được bó thành từng lọn nhỏ gọi là con rơm, một vài sợi rơm lại được tết thành đoạn dây buộc. Người ta dùng chính sợi dây buộc ấy quấn quanh các con rơm, cứ ba vòng dây lại ghép thêm con rơm mới, thông thường từ 5 - 6 con rơm là đủ cho một chiếc chổi. Vòng dây được quấn tiếp để cố định bó rơm, làm cán chổi, cán chổi không quá dài chỉ cần vừa đủ với bàn tay người cầm. Khi chổi đã lên hình, người thợ sẽ đóng thêm một chiếc chốt tre ở giữa nhằm giữ cho cán chổi được chắc chắn, cầm không bị dặt dẹo, khó quét. Công đoạn làm chổi nghe cũng không quá cầu kỳ, nhưng không phải cứ ai có rơm cũng có thể làm chổi ngay, một chiếc chổi thành phẩm còn phụ thuộc rất nhiều vào sự khéo léo của đôi tay người làm. Ông Dương Văn Du ở xóm 6, thôn Phương Cúc, xã Ðông Dương (Ðông Hưng), có hơn 60 năm kinh nghiệm làm chổi rơm cho biết: Trong xóm tôi không phải ai cũng làm được chổi rơm đâu, những người không biết làm, hoặc làm xấu thì họ mang rơm đến, nhờ chúng tôi làm giúp. Thường họ trả công từ 5.000 - 6.000 đồng cho một chiếc chổi. Theo kinh nghiệm của ông Du, một chiếc chổi rơm thường mất từ 2 - 3 giờ để làm, một ngày ông có thể làm 4 - 5 chiếc chổi, nếu dùng cẩn thận có thể bền được nửa năm.

Trước kia, chổi rơm là thứ vật dụng thiết yếu trong đời sống nông thôn. Chổi không chỉ để quét nhà, quét thóc, quét lúa, chổi còn để lót chỗ ngồi, làm đồ chơi cho trẻ nhỏ, những phiên chợ quê dường như cũng tươi sáng hơn với những chiếc chổi rơm vàng. Cũng từng có một thời chổi rơm chiếm lĩnh cả thị trường thành phố. Những chiếc xe đạp theo hương đồng gió nội cùng lời rao “Ai mua chổi rơm đi, ai mua chổi rơm nào” len lỏi khắp những khu tập thể, những con phố đông người. Cứ mỗi khi nghe tiếng rao ấy, các bà nội trợ lại í ới gọi nhau, chọn lựa những chiếc chổi tốt nhất cho gia đình. Thế rồi, chổi nhựa, chổi vải xuất hiện ngày một nhiều, những chiếc chổi rơm bị đẩy vào góc nhà rồi âm thầm “biến mất”. Nó chỉ còn xuất hiện trong những gia đình còn thâm canh cây lúa, trong các công trường để quét dọn vật liệu xây dựng. Người làm chổi cũng dần dần ít đi, chỉ còn những người già trong làng là giữ nguyên nếp cũ. Bà Trần Thị Nụ, vợ ông Du chia sẻ: Bây giờ chúng tôi làm cho vui thôi, chổi rơm chẳng có mấy người dùng, tuổi già thời gian rỗi nhiều, thóc gạo hay rơm rạ thì cũng là lộc, lá của trời, làm cho đỡ lãng phí.

“Một sợi rơm vàng là hai sợi vàng rơm”, chổi rơm chính là kết tinh sự khéo léo, sức sáng tạo cũng như khả năng thích nghi với đời sống nông nghiệp của người nông dân. Giữa cuộc sống hối hả, bộn bề, những lão nông vẫn cần mẫn giữ lại hồn quê cho những con người từng sinh ra và lớn lên nơi đất đồng lam lũ. Tuy không còn được sử dụng phổ biến, nhưng những cọng rơm vàng bện chặt vẫn là dấu ấn vô cùng đẹp đẽ của làng quê Việt. Ðể rồi, mỗi khi lúa đã gặt về sân, người ở xa hay gần luôn nhớ mãi những mùa làm chổi.

Thảo Tiên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày