Thứ 5, 22/05/2025, 08:34[GMT+7]

Ðông Thọ: Nhiều nỗi lo từ sản xuất miến

Thứ 6, 16/12/2016 | 08:47:11
2,724 lượt xem
Từ nhiều năm nay, người dân xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình) phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường do nghề sản xuất miến dong gây ra.

Hệ thống rãnh thoát nước ở Đông Thọ ô nhiễm trầm trọng.

 

Những tháng cuối năm, làng miến ở Đông Thọ lại bận rộn hơn, từ sáng sớm cho tới tối muộn để kịp giao những chuyến hàng cuối năm. Làng nghề càng phát triển thì hàng trăm hộ dân sống ven hệ thống sông trục, rãnh thoát nước trên địa bàn phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường. Đến làng nghề, chúng tôi thấy cảnh sản xuất tất bật của người dân. Nhưng một ấn tượng khiến ai nấy đều khó chịu đó là mùi hôi thối bay quanh khắp làng. Đường làng ngõ xóm đều được bê tông hóa, thông thoáng, sạch đẹp nhưng đi đến đâu cũng bắt gặp nước thải một màu đen kịt ở tất cả cống rãnh thoát nước.

 

Sau khi mục sở thị tại các cơ sở sản xuất miến dong, có thể khẳng định, hầu hết các cơ sở sản xuất ở đây đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc nếu có cũng chỉ là hình thức. Các hộ xả chất thải trực tiếp ra cống rãnh. Mùa nắng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, mùa mưa nước bẩn theo các con mương tràn vào khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước và không khí. Tìm hiểu từ các hộ làm nghề chúng tôi được biết, bột củ dong được các cơ sở sản xuất đặt hàng và nhập về từ các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… Bột dong sau khi nhập về được chế biến, lọc lấy tinh bột rồi mới tráng qua nồi hơi để ra sản phẩm bánh miến. Bánh miến này được đem phơi ráo rồi mới tiếp tục cho vào máy cắt thành những sợi miến thành phẩm đưa ra thị trường. Sau nhiều năm sản xuất, đến nay, các công đoạn làm miến dong ở Đông Thọ được áp dụng nhiều loại máy móc khác nhau để tăng hiệu quả và năng suất. Mỗi lò sản xuất đều đầu tư 3 - 4 loại máy khác nhau như nồi hơi, máy trộn bột, máy tráng, máy ra sợi… Tuy làng nghề đã bị thu hẹp, chỉ còn khoảng 17 - 18 hộ sản xuất nhưng quy mô lại lớn hơn, cùng với năng suất cao thì tình trạng ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải cũng gia tăng. Trung bình mỗi hộ sản xuất từ 20 - 25 tấn bột dong/tháng. Lợi nhuận từ 100 - 200 triệu đồng/hộ/năm. Nhưng kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường nước trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống hàng ngày của người dân. Bà Hà Thị Tơ ở thôn Quang Trung bức xúc: Tất cả người dân sống ở đây đều rất khó chịu vì mùi chua nồng bao phủ khắp làng do các hộ dân làm miến thường xuyên xả nước thải không qua xử lý xuống thẳng cống rãnh. Người dân chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên chính quyền xã nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Thỉnh thoảng xã tổ chức nạo vét, vớt rác để khơi thông cống rãnh nhưng rồi nước thải từ các cơ sở sản xuất miến dong lại xả ra nên đâu lại vào đó. Chỉ khoảng 1 - 2 tháng nữa thì muỗi và loăng quăng ở hệ thống cống rãnh sẽ phát triển rất nhanh. Dù đường làng ngõ xóm rộng rãi, sạch đẹp nhưng chúng tôi cũng không dám ra đường hóng mát vì mùi hôi thối từ hệ thống rãnh thoát nước. Ông Hà Văn Tuấn ở thôn Đoàn Kết cho biết: Ô nhiễm môi trường từ nguồn nước đã tích tụ từ bao năm nay vẫn đang là vấn đề hết sức nhức nhối của người dân. Nước thải từ hoạt động ngâm ủ bột dong có mùi hôi thối, chua nồng, lại không được tiêu thoát, chỉ luẩn quẩn trong hệ thống cống rãnh quanh xã thì sao mà không ô nhiễm.

 

 

Các phên miến được phơi ngay cạnh hệ thống thoát nước ô nhiễm và ngay đường giao thông liên thôn.

 

Không chỉ ô nhiễm nguồn nước mà làng nghề miến dong ở Đông Thọ còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đi từ đầu làng đã thấy những khoảng đất trống, sân vườn được người dân thiết kế riêng, bắc giàn cao để làm nơi phơi miến. Những phên miến đa dạng màu sắc, từ đen, xám đến vàng, trắng với mùi thơm dìu dịu của lứa bột mới khiến không khí nơi đây mang hương vị rất đặc trưng. Từ các lò, miến “chạy” ra phên đến đâu được người lao động nhanh tay chuyển lên giàn phơi đến đấy. Theo quy trình, miến làm ra phải được phơi ngay. Nhà ít cũng có trên 1.000 phên, nhà nhiều thì 2.000 - 3.000 phên, bày la liệt ra sân, gác lên mái nhà, ngoài vườn nhưng cũng không đủ chỗ nên đường giao thông, đường đê sông Trà Lý cũng trở thành nơi phơi miến. Sáng sáng, người dân trong làng lại cót két kéo những chiếc xe ba gác chở đầy các phên miến mới ra lò lên mặt đê tìm khoảng trống để phơi. Sự thuận tiện này của các hộ sản xuất lại gây ra không ít vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, gây mất an toàn giao thông khi con đường làng với hệ thống cống rãnh ô nhiễm, mùi hôi thối nồng nặc và đường đê sông Trà Lý, nơi người dân phơi miến là nơi xe cộ thường xuyên qua lại, nhất là ô tô tải chở nguyên vật liệu xây dựng. Mỗi khi ô tô đi qua, người lưu thông trên đường phải bịt mũi để tránh bụi còn những phên miến vừa ra lò còn thơm mùi dong lại không hề được che chắn.

 

Sự phát triển của nghề sản xuất miến đã nhanh chóng làm cho làng nghề “phình” ra, quy mô sản xuất của các cơ sở ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, không theo quy hoạch nên làng nghề đã nảy sinh vấn nạn ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Cao Luyện, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nghề làm miến là nghề thế mạnh của địa phương nên việc bà con tham gia mở rộng quy mô sản xuất là điều đáng mừng. Tuy nhiên, do phát triển phân tán trong khu dân cư nên vấn đề xử lý môi trường rất khó khăn. Giải pháp khả thi nhất hiện nay là di chuyển các cơ sở sản xuất về một khu tập trung, thế nhưng, với khả năng của xã thì giải pháp này không khả thi, cần có sự vào cuộc của thành phố và tỉnh trong việc đầu tư hạ tầng. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tháng 1/2017, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam sẽ hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường cho hộ sản xuất miến dong của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Thống Nhất. Hy vọng từ mô hình này sẽ nhân rộng ra các gia đình khác, qua đó hạn chế ô nhiễm môi trường từ nước thải của các cơ sở sản xuất miến dong.

 

Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày