Thứ 6, 22/11/2024, 18:39[GMT+7]

Khu nam Tiền Hải phát triển nghề, làng nghề

Thứ 5, 27/04/2017 | 08:48:11
2,803 lượt xem
Là một trong những xã nghề lâu năm, nghề nón lá Nam Hà đến nay vẫn duy trì và phát triển ổn định tạo việc làm cho 730 hộ với 1.117 lao động. Hàng năm, người dân Nam Hà sản xuất trên 15.000 chiếc nón lá bán ra thị trường.

Dệt chiếu bằng máy tại xã Nam Hải (Tiền Hải).

Những năm qua, huyện Tiền Hải đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển nghề, làng nghề ở các xã khu Nam như nghề nón lá ở Nam Hà, dệt chiếu ở Nam Hải, chế biến thủy sản ở Nam Thịnh… Qua đó tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy giá trị văn hóa và tạo thu nhập ổn định cho nhân dân.

Làng nghề tồn tại và phát triển đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống của nhân dân khu Nam huyện Tiền Hải. Là một trong những xã nghề lâu năm, nghề nón lá Nam Hà đến nay vẫn duy trì và phát triển ổn định tạo việc làm cho 730 hộ với 1.117 lao động. Hàng năm, người dân Nam Hà sản xuất trên 15.000 chiếc nón lá bán ra thị trường. Nón lá Nam Hà được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng nên thị trường tiêu thụ rộng khắp trong nước và xuất sang Trung Quốc. 

Ông Phạm Ngọc Dùng, Chủ tịch UBND xã Nam Hà cho biết: Tuy chỉ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận nhỏ khách hàng nhưng hiện nay sản phẩm nón lá của Nam Hà chịu sự cạnh tranh lớn. Để duy trì, phát triển nghề truyền thống mỗi một địa phương có cách làm khác nhau gắn với tiềm năng lợi thế của từng vùng. Đối với Nam Hà đã được công nhận là xã nghề, do đó những năm qua địa phương tuyên truyền các tổ hợp sản xuất nón lá cần quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm và giải quyết tốt khâu tiêu thụ. Xã tạo điều kiện về thủ tục hành chính đối với các hộ dân vay vốn sản xuất; đưa ổn định nghề thủ công vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; không phát triển nghề mới tràn lan khi chưa có quy hoạch. Chính quyền đã phối hợp với các cơ quan chức năng, đoàn thể tạo điều kiện mở lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động.

Trải qua bao thăng trầm, nghề dệt chiếu cói ở xã Nam Hải vẫn được lưu giữ, phát triển, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của địa phương. 

Anh Hoàng Văn Đỉnh, thôn An Tứ (Nam Hải) là một trong những hộ đi tiên phong sản xuất chiếu cói bằng máy cho biết: Trước đây, người dân Nam Hải chỉ biết sản xuất một loại chiếu trắng duy nhất từ nguyên liệu cói nguyên chất. Hiện nay, bà con đã nhanh chóng chuyển đổi sản xuất 3 mẫu mã: chiếu trắng, chiếu hoa và chiếu kẻ. Nắm bắt được thị trường, anh Đỉnh đã mạnh dạn đầu tư mua 5 máy dệt chiếu công nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Mỗi ngày cơ sở sản xuất hơn 100 lá chiếu mẫu mã đẹp, đủ chủng loại, có sự đổi mới so với chiếu cói truyền thống trước kia từ quá trình nhuộm cói, in hoa văn. Bước đầu được người tiêu dùng chấp nhận, chiếu cói có đầu ra ổn định, cơ sở sản xuất của anh Đỉnh đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương.

Ông Trần Lâm Thao, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tiền Hải cho biết: Hiện nay, nhiều làng nghề ở khu Nam của huyện được duy trì, phát triển ổn định, số lao động và doanh thu tăng dần theo các năm.  Tại một số địa phương sản phẩm các nghề như: chế biến thủy sản, dệt chiếu ở Nam Hải; nón lá Nam Hà; đan móc hộp, mây tre đan ở Nam Hưng, Nam Thắng; chế biến hải sản ở Nam Hồng, Nam Thịnh, Nam Cường…  đã có mặt ở khắp cả nước, một số mặt hàng đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Qua đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động theo tiêu chí nông thôn mới. Để duy trì phát triển nghề ổn định làng nghề khu Nam, Phòng Kinh tế và Hạ tầng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng đề án phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề khu Nam giai đoạn 2016 - 2020. 

Theo đó, đề án phát triển nghề, làng nghề khu Nam của Tiền Hải sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hưởng các chính sách đầu tư hỗ trợ của cấp trên. Chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách về phát triển nghề, làng nghề. Đối với mặt bằng sản xuất được thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; miễn giảm thuế đất 2 - 3 năm đầu cho các cơ sở sản xuất mới thành lập. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực cho công tác đào tạo, dạy nghề trong huyện. Tạo điều kiện về thủ tục vay vốn ưu đãi để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ dân duy trì phát triển sản xuất. Lồng ghép hỗ trợ quảng bá xúc tiến thương hiệu, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề khu Nam đến các thị trường du lịch trọng điểm trong và ngoài huyện.

Tố Uyên

(Sinh viên thực tập)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày