Khấm khá, đủ đầy nhờ nghề truyền thống
Làng nghề làm chổi chít (chổi đót) ở thôn Hợp Tiến, xã Tam Quang (Vũ Thư) những tháng cuối năm sôi nổi, khẩn trương với những xe ô tô vận chuyển hàng đi, hàng đến liên tục và tất bật của những người thợ làm nghề.
Tại cơ sở sản xuất chổi chít của gia đình ông Đỗ Đại Tần, thôn Hợp Tiến, quy trình sản xuất chổi như một chuỗi khép kín, người chuyên nhặt chít, người cuốn chổi, người hoàn thiện.
Ông Tần cho biết: Gia đình tôi làm nghề chổi chít hàng chục năm trước nhưng 15 năm nay mới mở rộng thành cơ sở sản xuất. Hiện tại, mỗi năm cơ sở nhập 25 tấn chít nguyên liệu, sản xuất ra 40.000 chiếc chổi, tổng doanh thu đạt từ 700 - 800 triệu đồng/năm, trừ chi phí thu lãi khoảng 150 - 200 triệu đồng/năm. Nhờ làm chổi chít, gia đình ông Tần có điều kiện xây nhà, lo cho con cái ăn học và mua sắm đồ dùng tiện nghi, nâng cao đời sống; tạo việc làm cho hàng chục lao động tại chỗ và lao động vệ tinh với thu nhập từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng...
Ông Hoàng Trọng Thư, Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết: Xã có 2 làng làm chổi chít là Nghĩa Khê và Hợp Tiến đã được công nhận là làng nghề, thu hút trên 200 hộ với khoảng 700 lao động địa phương tham gia, trong đó có 30 cơ sở sản xuất có quy mô từ 5 - 10 lao động/cơ sở. Ngoài ra, nghề làm chổi chít còn tạo việc làm cho khoảng 300 lao động vệ tinh như cung cấp nguyên liệu, vận chuyển, bán chổi rong. Thu nhập trung bình của lao động làm chổi đạt từ 2 - 4 triệu đồng/tháng, doanh thu các cơ sở sản xuất tùy thuộc vào quy mô, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Năm 2017, 2 làng nghề của xã mang lại nguồn thu ước tính 26 tỷ đồng, chiếm 65% giá trị sản xuất các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Làng nghề đã góp phần tích cực nâng cao đời sống người dân, đổi thay diện mạo làng quê Tam Quang.
15 làng nghề của Vũ Thư được tỉnh công nhận hầu hết là các làng nghề truyền thống. Ông Tô Thế Hệ, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Nét nổi bật dễ nhận thấy là tại 100% làng nghề, thu nhập của người dân được cải thiện, đời sống khấm khá hơn hẳn so với bà con trong khu vực, diện mạo làng quê cũng khang trang hơn. Điều này minh chứng cho hiệu quả của các làng nghề trong giai đoạn hiện nay. Với vai trò quan trọng này, những năm qua, huyện Vũ Thư đặc biệt quan tâm phát triển nghề và làng nghề, tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì và mở rộng các nghề truyền thống.
Ngoài duy trì hoạt động làng nghề tại khu dân cư, huyện đã xây dựng được 3 cụm công nghiệp làng nghề xã Nguyên Xá, Vũ Hội, Tam Quang, thu hút 13 cơ sở sản xuất và 7 doanh nghiệp, góp phần gia tăng giá trị sản xuất khoảng 200 tỷ đồng/năm. Những năm qua, tỉnh, huyện đã hỗ trợ xây dựng 2 biển quảng cáo làng nghề ở xã Minh Lãng, Vũ Hội, hiện đang hỗ trợ đầu tư xây dựng biển quảng cáo làng nghề ở xã Nguyên Xá. Huyện tập trung tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân tăng cường cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; phối hợp với các ngành, các cấp tiến hành đăng ký và xây dựng các thương hiệu rượu Keo, cốm Thanh Hương, bánh đa nem, bánh phở Vũ Hội.
Ngoài hiệu quả kinh tế, huyện và các địa phương triển khai đồng bộ giải pháp bảo đảm môi trường ở các làng nghề, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đã giảm tối đa, chỉ còn xảy ra cục bộ ở một số hộ sản xuất bún, bánh ở làng nghề Thanh Hương (Đồng Thanh) và Vũ Hội tại một số thời điểm khó tiêu thoát nước.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, những năm gần đây, nghề và làng nghề của Vũ Thư phát triển khá ổn định, giá trị sản xuất tăng qua các năm. Năm 2017, giá trị sản xuất từ nghề và làng nghề huyện Vũ Thư ước đạt 1.352 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2016 và chiếm tỷ trọng 14,17% tổng giá trị sản xuất toàn huyện. Nghề và làng nghề trên địa bàn huyện thu hút, tạo việc làm cho hơn 29.900 lao động với thu nhập ngày càng được nâng cao, hiện đạt từ 2 - 7 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp, cơ sở, tổ hợp sản xuất ở hầu hết các làng nghề đều thu lãi hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ nghề truyền thống, tiêu biểu như doanh nghiệp Khởi Tiếp sản xuất đồ gỗ ở làng nghề xã Nguyên Xá, cơ sở sản xuất chổi chít của gia đình anh Nguyễn Sỹ Hoạch, xã Tam Quang, tổ hợp thêu Ninh Nhuần, xã Minh Lãng…
Do nhiều nguyên nhân, một số nghề, làng nghề liên quan đến xuất khẩu như thêu, ươm tơ, đồ gỗ có nhiều biến động; ngoài ra, lao động nông thôn hiện nay tập trung nhiều trong lĩnh vực may mặc, việc mở rộng nghề truyền thống và phát triển nghề mới gặp nhiều khó khăn.
Ông Lại Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Nghề và làng nghề góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vì vậy, để làng nghề vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển nghề và làng nghề theo hướng giữ và bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống phù hợp với thị trường, đồng thời hình thành các làng nghề vệ tinh, dịch vụ cho các doanh nghiệp tại khu, cụm công nghiệp lớn. Việc sản xuất các sản phẩm truyền thống có sự kết nối, liên kết với nhau và gắn với phát triển du lịch như sản xuất rượu Keo, cốm Thanh Hương, miến dong Vũ Hội phục vụ các tuyến du lịch chùa Keo - làng vườn Bách Thuận. Đặc biệt, việc quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của các làng nghề truyền thống sẽ được huyện quan tâm đầu tư hơn nữa nhằm làm tốt công tác tiêu thụ sản phẩm, yếu tố quan trọng để duy trì ổn định, mở rộng sản xuất tại làng nghề.
Không chỉ sản xuất nông nghiệp giỏi để tạo nên những cánh đồng 5 tấn/ha đầu tiên, từ xa xưa, người Vũ Thư còn nổi tiếng tài hoa, khéo léo, làm ra nhiều mặt hàng độc đáo, đặc sản thơm ngon. Ngày nay, chính những sản phẩm riêng có từ các làng nghề truyền thống đã giúp người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá, đủ đầy.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”