Thứ 6, 22/11/2024, 23:43[GMT+7]

Anh Khoan đưa nghề về làng

Thứ 2, 17/09/2018 | 08:21:32
3,478 lượt xem
Với mong muốn tạo nhiều việc làm cho bà con nông dân trong lúc nông nhàn, nâng cao thu nhập, anh Phạm Hữu Khoan, thôn Nam, xã Đông Phương (Đông Hưng) đã từ bỏ nghề cơ khí để đưa nghề mây tre đan về làng.

Anh Khoan kiểm tra sản phẩm mây tre đan trước khi xuất xưởng.

Là thợ cơ khí có tay nghề cao nên lương của anh Phạm Hữu Khoan cũng khá. Làm thợ cứ đến tháng lĩnh lương, không phải lo nghĩ đến việc lỗ lãi song thấy nhiều người trẻ trong xã phải đi kiếm việc làm ở tỉnh ngoài. Trong khi đó, ở làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) quê vợ anh bà con tất bật đan túi suốt ngày, đời sống không ngừng được nâng cao. Anh bàn với vợ nghỉ việc, đưa nghề mây tre đan về Đông Phương tạo việc làm cho bà con. 

Năm 2010, cơ sở sản xuất của anh Khoan bắt đầu đi vào hoạt động với bộn bề khó khăn bởi anh chưa có nhiều kinh nghiệm. Để thuận tiện cho bà con vừa đan túi vừa có thể tranh thủ việc nhà mà cơ sở của anh cũng đỡ tốn diện tích, không phải quản lý lao động, sau thời gian đào tạo nghề, anh bán nguyên liệu cho bà con mang về nhà làm rồi thu mua sản phẩm. Đến nay, cơ sở sản xuất của anh Khoan tạo việc làm cho trên 500 lao động của xã Đông Phương, một số xã trong huyện Đông Hưng và huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy. Bình quân thu nhập của người lao động từ 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. 

Bà Vũ Thị Mỳ, thôn Thượng, xã Đông Phương cho biết: Từ khi anh Khoan mở cơ sở mây tre đan xuất khẩu thì chị em trong xóm có việc làm thường xuyên. Ban đầu học nghề còn bỡ ngỡ nhưng giờ thì quen tay rồi nên chị em có thể tận dụng thời gian rỗi để làm, có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. 

Hiện tổ của bà Mỳ có 20 người, dịp nghỉ hè thì nhiều hơn vì có thêm một số cháu học sinh tranh thủ thời gian nghỉ hè ngồi đan, kiếm thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ mua sách vở, quần áo đầu năm học. 

Anh Phạm Hữu Khương, thôn Thượng, xã Đông Phương là 1 trong 30 người khuyết tật được anh Khoan tạo việc làm cho biết: Nhờ có anh Khoan động viên, dạy nghề rồi làm nghề mây tre đan nên tôi đã thoát được mặc cảm, tự ti, sống vui vẻ, hòa nhập với mọi người. Công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của tôi và hơn hết tôi đã tự làm được việc để kiếm tiền nuôi sống bản thân.

Sản phẩm mây tre đan và túi cói của cơ sở anh Khoan được xuất sang thị trường các nước châu Âu và Nhật Bản. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, anh Khoan đã đầu tư hàng trăm triệu đồng làm nhà xưởng theo đúng tiêu chuẩn mà khách hàng đặt ra, xây dựng nhà sấy, hệ thống máy tách nước, hút ẩm bảo quản sản phẩm; thuê nghệ nhân về dạy nâng cao tay nghề cho người lao động. Mỗi năm cơ sở xuất đi 100.000 - 120.000 sản phẩm, thu về trên 1 tỷ đồng. Thời gian tới, anh tiếp tục đầu tư trên 100 triệu đồng lắp đặt thêm hệ thống máy tách nước mới công suất gấp 10 lần máy đang dùng để bảo quản sản phẩm được nhiều hơn, tốt hơn; đồng thời hoàn thiện khu nhà xưởng theo quy trình khép kín từ khâu nhập hàng thô, sơ chế, bảo quản, dán tem, đóng mác, đóng hộp… Sau khi hoàn thiện nhà xưởng, nâng cấp công nghệ, cơ sở mây tre đan của anh Khoan sẽ có thêm những hợp đồng mới, sẽ tạo thêm nhiều việc làm nữa cho người lao động.

Mạnh dạn đưa nghề về làng, anh Khoan đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới của xã, giúp nhiều người có tuổi và người khuyết tật có việc làm, tăng thu nhập.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày