Thứ 7, 23/11/2024, 05:19[GMT+7]

Thành phố: Hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật

Thứ 6, 02/11/2018 | 09:17:59
2,233 lượt xem
Những năm qua, công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động được các cấp, các ngành và các địa phương ở thành phố Thái Bình quan tâm, trong đó đối tượng lao động là người khuyết tật (NKT), khuyết tật vận động thường xuyên được trợ giúp, hỗ trợ qua đó giúp họ tự tin, khẳng định giá trị bản thân và vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Người khuyết tật thành phố Thái Bình vượt khó vươn lên tạo dựng cuộc sống.

Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, tính đến hết năm 2017 thành phố có gần 8.000 NKT, chiếm gần 3% dân số, trong đó số NKT vận động là 1.920 người. Số NKT vận động chưa có việc làm 788 người; NKT vận động có nhu cầu học nghề là 576 người và nhu cầu tìm việc làm là 695 người. Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền của thành phố đã quan tâm chăm lo, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với NKT nói chung và đối tượng là NKT vận động nói riêng. 

Cùng với chính sách chung, thành phố đã thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho NKT vận động thông qua một số hoạt động công tác xã hội như: tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực; hướng nghiệp và tạo việc làm cho NKT vận động và tư vấn cho các cơ sở, các trung tâm dạy nghề, các doanh nghiệp, cơ sở giải quyết việc làm; hỗ trợ kết nối nguồn lực cho NKT vận động với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và cộng đồng xã hội; hỗ trợ NKT vận động tiếp cận các cơ chế, chính sách về dạy nghề và tạo việc làm. 

Theo thống kê từ đầu năm đến nay, các cấp hội thành phố đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho gần 200 đại biểu là NKT; tổ chức 1 lớp dạy nghề may mặc cho gần 30 NKT. Bên cạnh đó, các tổ chức hội, đoàn thể triển khai các chương trình hỗ trợ sinh kế tạo cơ hội thoát nghèo, cải thiện điều kiện sống; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình cho NKT. Hàng năm, có khoảng trên 100 hộ gia đình có NKT vận động được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề hoặc tự tạo việc làm. Mức vay từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng/hộ đã hỗ trợ, giải quyết việc làm, tự tạo việc làm cho trên 100 lao động là NKT vận động.

Bằng việc thực hiện các giải pháp thông qua một số hoạt động công tác xã hội cơ bản đã góp phần giúp cho NKT vận động của thành phố được học nghề và tìm việc làm, không những tạo ra thu nhập để đáp ứng nhu cầu bản thân và gia đình của NKT mà còn giúp họ phục hồi chức năng, có cơ hội giao tiếp xã hội, hòa nhập cộng đồng. 

Tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn thành phố có gần 300 NKT được dạy nghề, tạo việc làm. Các khóa học nghề bảo đảm khi tốt nghiệp 70% học viên là NKT được các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc, giới thiệu cho học viên việc làm phù hợp và một số học viên tự tạo việc làm tại nhà hoặc mở cửa hàng. 

Đánh giá về công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT thành phố, bà Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội NKT tỉnh cho biết: Trong thời gian qua, công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT của tỉnh nói chung và thành phố nói riêng cơ bản đã có nhiều chuyển biến tích cực và hiệu quả. Cùng với sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư, NKT đã dần vượt qua mặc cảm, tự ti, tiếp cận với các cơ hội về giáo dục nghề nghiệp và lựa chọn việc làm phù hợp với đặc điểm khuyết tật của bản thân, tạo thu nhập, từng bước ổn định đời sống.

Để NKT nói chung và khuyết tật vận động nói riêng có cơ hội được học nghề và tạo việc làm để hướng tới cuộc sống ổn định, thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với NKT, thành phố cần tiếp tục tăng cường xã hội hóa trợ giúp NKT; ưu tiên cho vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm đối với NKT và các cơ sở sản xuất, kinh doanh của NKT; đồng thời động viên, khuyến khích NKT tự mình phấn đấu vươn lên làm chủ cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Bùi Thị Trâm
(Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày