Thứ 7, 23/11/2024, 05:07[GMT+7]

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm: Chưa thực sự quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động

Thứ 2, 03/12/2018 | 14:55:02
4,558 lượt xem
Tình trạng không bảo đảm ATVSLĐ tại làng nghề chạm bạc Đồng Xâm hiện nay ngoài nguyên nhân do ý thức của chủ cơ sở và NLĐ còn có một nguyên nhân khác là công tác quản lý bảo đảm ATVSLĐ dường như đang bị bỏ ngỏ.

Nghề chạm bạc mang lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động nhưng công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động chưa được quan tâm.

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, xã Hồng Thái (Kiến Xương) hiện có trên 150 tổ sản xuất với gần 2.000 lao động lành nghề và hàng nghìn lao động thời vụ. Những năm qua, để duy trì và phát triển nghề truyền thống, cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ để người lao động (NLĐ) yên tâm gắn bó với nghề, tổ chức các lớp dạy nghề cho NLĐ đồng thời hỗ trợ chủ các cơ sở sản xuất vay vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn mở xưởng, mua máy móc hiện đại để cải tiến và nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, để sản phẩm đẹp và có độ bóng, sản lượng tăng thì máy móc, hóa chất cũng được sử dụng nhiều hơn; trong khi đó, NLĐ tại đây hầu hết không sử dụng bảo hộ lao động.

Là người nhiều năm làm nghề, chị Nguyễn Huyền Trang luôn tin tưởng vào công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của chủ cơ sở. Chị chia sẻ: Tôi và nhiều lao động làm việc tại đây tin tưởng tuyệt đối vào chủ cơ sở, mọi vật dụng về an toàn lao động đều được họ chuẩn bị đầy đủ, còn những bất ngờ xảy ra hiếm lắm.

NLĐ thì chủ quan trong việc phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và hoàn toàn tin tưởng vào chủ sử dụng lao động còn chủ sử dụng lao động lại ít quan tâm đến công tác này. Dù đã có hơn 20 năm hoạt động nhưng công tác bảo đảm ATVSLĐ, phòng, chống cháy, nổ, bệnh nghề nghiệp vẫn chưa được cơ sở của bà Tạ Thị Tươi quan tâm nhiều. Theo bà Tươi, nếu tai nạn lao động xảy ra thì NLĐ sẽ xử lý theo bản năng chứ chưa có kiến thức phòng tránh và xử lý.

Không chỉ có cơ sở của bà Tươi mà tại một cơ sở khác, nhiều NLĐ đang vận hành máy đột dập nhưng hầu như chưa ai được tập huấn về an toàn lao động. Trong khi đó, đây là một trong những thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, nếu vận hành sai nguyên tắc có thể xảy ra tai nạn lao động bất cứ lúc nào. Chủ cơ sở này cũng không niêm yết quy tắc vận hành máy tại nơi làm việc. 

Thực tế, tại một số cơ sở, NLĐ đến làm việc đều được chủ cơ sở chuẩn bị bảo hộ lao động như găng tay, khẩu trang... nhưng ý thức tuân thủ quy định bảo đảm ATVSLĐ của họ còn rất hạn chế. 

“Trong từng công đoạn, chủ cơ sở đều sắm bảo hộ lao động, ví dụ như làm đột dập có găng tay hay mài bụi thì có khẩu trang nhưng nếu chủ cơ sở không nhắc nhở là NLĐ không thực hiện, họ chủ yếu làm theo ý thích, không nghĩ đến sự nguy hiểm khi mất ATVSLĐ” - ông Nguyễn Văn Ngoan, Chủ tịch Chi hội Chạm bạc mỹ nghệ Đồng Xâm cho biết. 

Cũng theo ông Ngoan, nếu không thực hiện quy định bảo đảm ATVSLĐ khi xảy ra sự cố hậu quả rất khó lường.

Tình trạng không bảo đảm ATVSLĐ tại làng nghề chạm bạc Đồng Xâm hiện nay ngoài nguyên nhân do ý thức của chủ cơ sở và NLĐ còn có một nguyên nhân khác là công tác quản lý bảo đảm ATVSLĐ dường như đang bị bỏ ngỏ. Có rất ít cuộc thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định bảo đảm ATVSLĐ trong làng nghề, kiểm tra các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt tại các gia đình, trong các doanh nghiệp.

Để làng nghề chạm bạc Đồng Xâm nói riêng, các làng nghề, xã nghề trong tỉnh nói chung phát triển bền vững, năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức tập huấn công tác bảo đảm ATVSLĐ, phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho chủ các cơ sở sản xuất ở một số làng nghề, xã nghề, trong đó tập trung vào việc hướng dẫn quy trình sử dụng các thiết bị máy móc, nhất là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Cùng với tập huấn, thời gian tới, các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra việc bảo đảm ATVSLĐ tại các làng nghề để hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.


Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày