Thứ 7, 23/11/2024, 05:17[GMT+7]

Nam Hải: Phát triển nghề truyền thống

Thứ 3, 06/08/2019 | 09:27:16
4,979 lượt xem
Những năm gần đây, các nghề truyền thống của xã Nam Hải (Tiền Hải) được quan tâm tạo điều kiện phát triển, góp phần tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Cơ sở sản xuất nước mắm Đoán Tuyết (xã Nam Hải, huyện Tiền Hải) mỗi năm bán ra thị trường trên 30.000 lít nước mắm.

Nghề làm chiếu cói ở Nam Hải trải qua nhiều thăng trầm nhưng đến nay vẫn được lưu giữ, phát triển, góp phần không nhỏ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Gia đình anh Hoàng Văn Đỉnh, thôn An Tứ là một trong những hộ tiên phong sản xuất chiếu cói bằng máy, anh cho biết: Trước đây, người dân Nam Hải chỉ biết sản xuất một loại chiếu trắng duy nhất từ nguyên liệu cói nguyên chất, hiện nay bà con đã sản xuất được 3 mẫu là chiếu trắng, chiếu hoa và chiếu kẻ. Nắm bắt thị trường, anh Đỉnh mạnh dạn đầu tư mua 5 máy dệt chiếu công nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất ra trên 100 lá chiếu mẫu mã đẹp, do có sự đổi mới so với chiếu cói truyền thống từ quá trình nhuộm cói, in hoa văn... nên bước đầu được người tiêu dùng chấp nhận. Đầu ra ổn định, cơ sở giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương.

Không chỉ nghề sản xuất chiếu tạo việc làm cho hàng trăm gia đình mà nghề làm nước mắm nổi tiếng của Nam Hải cũng đang phát triển, xây dựng thương hiệu của riêng mình. Tận mắt chứng kiến quy trình làm nước mắm của người dân Nam Hải mới thấu hiểu nhiệt huyết của họ trong giữ gìn nghề truyền thống của địa phương. Nhiều gia đình đã giữ vững nghề và tiếng tăm của mình qua nhiều thế hệ, tạo nên thương hiệu truyền thống nước mắm Nam Hải. Quy trình chế biến nước mắm truyền thống ở Nam Hải đòi hỏi nhiều công đoạn nghiêm ngặt. Mỗi công đoạn đều có ý nghĩa quan trọng, tác động đến chất lượng, hương vị, do vậy, làm nước mắm không bao giờ chấp nhận bất kỳ sai sót nào trong quy trình chế biến. Nước mắm truyền thống Nam Hải có hương vị và màu sắc được giữ nguyên vẹn trong bất kỳ thời tiết nào, càng để lâu càng ngon. Hiện toàn xã có trên 100 hộ làm nước mắm nhưng chỉ duy nhất gia đình anh Nguyễn Văn Đoán, thôn Nội Lang Nam làm nước mắm quy mô lớn, xây dựng được thương hiệu Đoán Tuyết. Cơ sở sản xuất nước mắm Đoán Tuyết đã đăng ký nhãn hiệu, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, mỗi năm bán ra thị trường trên 30.000 lít nước mắm, được người tiêu dùng ưa thích.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp ở Nam Hải vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đó là phần lớn các cơ sở sản xuất đều ở quy mô nhỏ, phát triển mang tính tự phát, sử dụng trang thiết bị lạc hậu; hình thức, kiểu dáng sản phẩm chưa phong phú, chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, các cơ sở đều gặp khó khăn về huy động nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ địa phương không còn mặn mà với nghề truyền thống, đặc biệt yếu tố thu nhập của người lao động có vai trò quyết định tới việc giữ chân họ với nghề truyền thống. Hiện nay, thu nhập của người lao động làm nghề truyền thống thấp nên buộc phải chuyển sang làm nghề khác như đi xuất khẩu lao động, đi làm việc ở tỉnh ngoài hoặc vào làm trong các khu, cụm công nghiệp...

Để bảo tồn và phát huy các giá trị của nghề truyền thống, xã Nam Hải cần phân loại những ngành nghề có khả năng tồn tại, phát triển để có chính sách phù hợp; lựa chọn sản phẩm đặc trưng để đầu tư phát triển, có sản phẩm tiêu thụ tại một số tỉnh, thành phố lớn; tổ chức tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của phát triển nghề và làng nghề trong quá trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời, thường xuyên quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hộ sản xuất, kinh doanh, tìm đầu ra cho các sản phẩm nghề truyền thống.

Mạnh Thắng

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày