Thứ 3, 23/07/2024, 04:32[GMT+7]

Giữ nghề trồng lúa nếp bể

Thứ 2, 07/10/2019 | 09:29:32
5,301 lượt xem
Lúa nếp cái hoa vàng truyền thống hay còn gọi là lúa nếp bể gieo trồng trên đất làng Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) từ xa xưa đã nổi tiếng đồ xôi dẻo thơm, hạt mềm, vị đậm đà, tạo hương vị đặc trưng riêng có cho sản phẩm “rượu nếp làng Keo” truyền thống. Trải qua thời gian, nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng được đưa vào đồng ruộng sản xuất nhưng người dân làng Keo vẫn một lòng duy trì cấy giống lúa quý của cha ông truyền lại.

Lúa nếp bể, đặc sản của làng Keo.

Làng Keo là tên gọi xưa, hiện nay gồm một số thôn, làng thuộc xã Duy Nhất. Xưa kia, chỉ người dân làng Keo mới gieo cấy lúa nếp bể do đặc thù đồng đất của làng Keo chua trũng, thích hợp với giống lúa này. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, bà con các làng lân cận cũng bắt đầu mở rộng diện tích gieo trồng lúa nếp bể. Nếu các lúa khác có thể gieo cấy cả “vụ chiêm”, “vụ mùa” thì lúa nếp bể chỉ có một mùa vụ duy nhất trong năm là vụ mùa. Hiện mỗi năm, xã Duy Nhất có trên 150ha lúa nếp bể, trong đó 80% diện tích tập trung ở HTXNN Hành Dũng Nghĩa. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc HTXNN Hành Dũng Nghĩa cho biết: Cùng thời gian gieo cấy nhưng lúa nếp bể thu hoạch chậm hơn so với các giống lúa thông thường khác khoảng 2 - 3 tháng, vì vậy, sau thu hoạch lúa đại trà, các loại sâu bệnh thường tập trung cao gây hại lúa nếp bể. Tuy nhiên, nông dân nơi đây có kinh nghiệm canh tác lúa nếp bể nên năng suất ổn định. Một số địa phương khác có diện tích cấy lúa nếp bể vụ mùa nhỏ lẻ thường bị bạc bông, lép hạt, năng suất kém, thì nếp bể làng Keo vẫn đạt năng suất bình quân 1,7 tạ/sào; tương đương với năng suất một số giống lúa tẻ chất lượng cao khác. Giá bán lúa nếp bể dao động từ 1,2 - 1,8 triệu đồng/tạ; hiện tại đạt 1,5 triệu đồng/tạ. Như vậy, nông dân thu về khoảng 2,5 triệu đồng/sào nếp bể.

Bà Nguyễn Thị Hậu, thôn Dũng Nghĩa cho biết: Chính cây lúa nếp bể đã giúp nông dân làng Keo chúng tôi biến cái khó của vùng đồng chua, đất trũng thành lợi thế thiên nhiên ưu đãi, tạo ra đặc sản lúa nếp bể nổi tiếng gần xa. Kinh nghiệm cho thấy, chất lượng lúa nếp bể được gieo cấy ở đây cao hơn hẳn so với các địa phương khác, hạt gạo sau khi đồ xôi rền, thơm, vị đượm, nấu rượu tạo hương vị đặc trưng, chỉ loại nếp bể này mới tạo ra thứ hương vị nồng nàn, ngây ngấy của rượu nếp làng Keo truyền thống mà bà con, du khách xa gần đều “say đắm”. Lúa nếp bể của dân làng chúng tôi hiện sản xuất ra chủ yếu phục vụ bà con sản xuất rượu nếp truyền thống, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, lúa sản xuất ra đến đâu tiêu thụ nhanh gọn đến đấy.

Vào vụ mùa hàng năm, gia đình bà Đặng Thị Vương, thôn Dũng Nghĩa thường xuyên gieo cấy 3 mẫu lúa nếp bể (đạt 100% diện tích lúa của gia đình). Bà Vương cho biết: Lúa nếp bể tuy khó phòng, trừ sâu bệnh hơn một số giống lúa khác nhưng bà con ở đây nắm rất vững kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh nên năng suất khá ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao 1,7 - 2 lần giống lúa khác. Bình quân mỗi vụ mùa, trừ chi phí, gia đình tôi thu được hơn 50 triệu đồng từ sản xuất lúa nếp bể truyền thống. Ngoài ra, tôi thu thêm 10 triệu đồng từ bán rơm nếp bể.

Không chỉ cho năng suất, giá trị hạt thóc, hạt gạo cao hơn các loại lúa khác mà gieo cấy lúa nếp bể truyền thống, người dân làng Keo còn tận dụng thu hoạch sản phẩm phụ là phần rơm nếp, thêm nguồn thu từ 400.000 - 500.000 đồng/sào từ rơm nếp bể. Nhiều hộ dân làng Keo thường tích trữ, thu mua rơm nếp để làm chổi rơm. Cây lúa nếp bể giúp bà con nơi đây phát triển nghề làm chổi rơm thủ công, tạo việc làm lúc nông nhàn cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập từ 1 - 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Làng Keo, bốn mùa quanh năm đều phảng phất trong gió mùi men rượu xen lẫn mùi gạo nếp thơm nồng. Chính sản phẩm lúa nếp bể đã giúp gần 70 hộ dân trong làng duy trì nghề nấu rượu nếp truyền thống của cha ông, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ mỗi năm. Rượu nếp làng Keo mang hương vị đặc trưng riêng, nhờ những hạt nếp bể căng tròn chắt lọc tinh túy từ đất và nước làng Keo mang lại hương vị rượu thơm nồng dễ chịu, không giống bất cứ thứ rượu nơi nào.

Ông Đặng Hồng Kha, Chủ tịch UBND xã Duy Nhất cho biết: Từ năm 2011, xã tiến hành quy hoạch, xây dựng và triển khai hiệu quả cánh đồng lớn sản xuất lúa nếp bể theo hướng sản xuất hàng hóa. Những năm gần đây, địa phương tuyên truyền, vận động bà con duy trì ổn định, từng bước mở rộng diện tích gieo cấy lúa nếp bể truyền thống ở các diện tích ruộng trũng, thích hợp. Xã rất mong các ngành chức năng có chương trình bảo tồn giống lúa nếp bể quý, chuyển giao kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh trên lúa nếp bể cho nông dân. Sản xuất lúa nếp bể truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân, đồng thời thúc đẩy phát triển các ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân địa phương.

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày