Thứ 6, 09/08/2024, 14:26[GMT+7]

Cho vay các đối tượng chính sách Làm gì để nâng cao chất lượng tín dụng ?

Thứ 2, 24/03/2014 | 07:37:09
649 lượt xem
Thành công lớn nhất của chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đó là đã giúp trên 35.000 hộ thoát nghèo, gần 7.200 lao động có việc làm mới, hơn 81.000 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập, gần 4.200 hộ được sử dụng nước sạch, hơn 5.200 hộ xây dựng được công trình vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn và gần 4.000 hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Không những thế, tỷ

Hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vũ Thư. Ảnh: Ngọc Linh

Ðến ngày 31/12/2013, tổng doanh số thu nợ các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh đạt 682,76 tỷ đồng, tăng 31,1% so với năm 2012. Nợ xấu 4,46 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn 4,39 tỷ đồng và nợ khoanh 70 triệu đồng. Phân theo các tổ chức hội, đoàn thể, nợ quá hạn của Hội Nông dân 1,23 tỷ đồng, Hội Phụ nữ 829,5 triệu đồng, Hội Cựu chiến binh 339,7 triệu đồng và Ðoàn Thanh niên 261,4 triệu đồng. Phân theo từng chương trình cho vay ưu đãi, chương trình cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài có số nợ xấu cao nhất, là 1,245 tỷ đồng, chiếm 27,91% tổng số nợ xấu. Ông Vũ Văn Thuân, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh cho biết: Khó khăn nhất trong quá trình giải quyết nợ xấu của các chương trình cho vay các đối tượng chính sách là một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc, chỉ giao cho các tổ chức hội, đoàn thể và ngân hàng đôn đốc xử lý, chính vì vậy hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, trong quá trình nhận bàn giao các chương trình cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước, chương trình cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ Ngân hàng TMCP Công thương hồ sơ chưa chặt chẽ, nợ quá hạn lâu ngày nên khó có điều kiện để xử lý. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khách quan làm cho công tác thu hồi nợ cũng gặp nhiều khó khăn: khủng hoảng kinh tế toàn cầu dẫn đến lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động làm ăn thua lỗ, học sinh, sinh viên ra trường không kiếm được việc làm...

Ðứng trước những khó khăn đó, việc làm gì để nâng cao chất lượng tín dụng được Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH Chi nhánh tỉnh quan tâm nghiên cứu để chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ thực sự mang lại hiệu quả cao. Ngay từ đầu năm, Chi nhánh đã chủ động phân khai kịp thời nguồn vốn các chương trình theo đúng quy định, kết hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn hộ vay làm hồ sơ cho vay vốn mới và vốn quay vòng kịp thời.

Ðược vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội Tiền Hải, gia đình chị Nguyễn Thị Mai (thôn Lương Ðiền, xã Ðông Cơ) đã phát triển mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, Chi nhánh chỉ đạo phòng giao dịch các huyện thường xuyên duy trì đều đặn 285 phiên trực giao dịch cố định hàng tháng tại các xã, nâng cao chất lượng các buổi họp giao ban tại xã nhằm phổ biến kịp thời các chính sách mới, nắm bắt các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Công tác kiểm tra chuyên đề cũng được Chi nhánh đặc biệt quan tâm. Năm 2013, Chi nhánh phối hợp với bộ phận kiểm tra, kiểm toán nội bộ kiểm tra 144.198 bộ hồ sơ với số tiền 1.943,6 tỷ đồng, qua đó phát hiện 423 bộ hồ sơ sai sót với số tiền 5,7 tỷ đồng; kiểm tra hồ sơ các khoản nợ xóa được Trung ương thông báo và hồ sơ các khoản nợ xấu đề nghị Trung ương xử lý...

Ðối với việc xử lý nợ xấu, cùng với việc thành lập 7 tổ đôn đốc thu hồi nợ xấu tại 7 xã thuộc 3 huyện, trong đó Ðông Hưng 4 tổ, Tiền Hải 1 tổ và Thái Thụy 2 tổ, Chi nhánh còn thành lập Ðoàn công tác kết hợp cùng Phòng giao dịch NHCSXH Tiền Hải trực tiếp thu hồi tại các địa phương có tỷ lệ thu yếu. Ông Mai Quang Chiêm, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Tiền Hải cho biết: Ðến nay, tổng số tiền nợ xấu toàn huyện còn 1,653 tỷ đồng, chiếm 0,47% tổng dư nợ, trong đó cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài 688 triệu đồng, cho vay giải quyết việc làm 458 triệu đồng, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 406 triệu đồng và cho vay hộ nghèo 101 triệu đồng. Là địa phương có tỷ lệ nợ xấu cao nhất tỉnh nên công tác thu hồi nợ được Phòng giao dịch NHCSXH huyện đặc biệt quan tâm. Cùng với việc tổ chức họp với các địa phương có tỷ lệ thu hồi nợ thấp, Tiền Hải còn tập trung tuyên truyền nhân dân tự giác trả nợ, đồng thời hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan pháp luật những trường hợp có điều kiện nhưng chây ỳ không trả nợ.

Với sự vào cuộc tích cực của toàn hệ thống, chất lượng tín dụng cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Năm 2013, toàn tỉnh đã thu hồi được 2,8782 tỷ đồng nợ quá hạn, trong đó cho vay hộ nghèo 94 triệu đồng, cho vay giải quyết việc làm 1,03 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 7,2 triệu đồng, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 1,65 tỷ đồng và cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài 97 triệu đồng.

Thời gian tới, Chi nhánh tăng cường phối hợp cùng các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn đôn đốc hộ vay; định kỳ phân tích nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ quá hạn mới phát sinh và các khoản nợ khoanh để có biện pháp xử lý thích hợp. Bên cạnh đó, Chi nhánh cũng thiết lập hồ sơ đề nghị Trung ương xử lý rủi ro đối với các khoản nợ quá hạn do nguyên nhân khách quan theo quy định, đồng thời hoàn thiện hồ sơ đối với các trường hợp chây ỳ, cố tình không trả nợ để khởi kiện trước cơ quan pháp luật.

Minh Hương

  • Từ khóa