Thứ 6, 22/11/2024, 06:14[GMT+7]

Hai ngày với Tổng Bí thư Đỗ Mười

Thứ 4, 03/10/2018 | 08:43:30
1,453 lượt xem
Hai ngày làm việc của đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng với Thái Bình, thực tế chỉ một ngày rưỡi mà tới hai mươi cuộc tiếp xúc, thăm hỏi và làm việc với cường lực thật phi thường. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi, những người chứng kiến đều cảm phục đức tính giản dị mà cương quyết, sâu sát, tỉ mỉ, thẳng thắn mà rất chân tình của Tổng Bí thư. Đức tính ấy còn dư vang mãi trong mỗi người dân Thái Bình hôm nay.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười gặp gỡ thiếu nhi Hà Nội và Thái Bình nhân dịp các cháu vào Lăng viếng Bác và thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1990. Ảnh tư liệu

Ngày 17/2/1994, buổi sáng Tổng Bí thư làm việc với tỉnh Nam Hà. Buổi chiều sang Thái Bình, Tổng Bí thư thăm luôn hai cơ sở sản xuất tập thể và tư doanh ở thị xã. Tổng Bí thư quay về làm việc với Thị ủy, xong đi trồng cây lưu niệm, tối tiếp xúc với các gia đình cơ sở và giới văn hóa, nghệ thuật.

Thời gian không nhiều nhưng cuộc làm việc mở đầu với Thị ủy diễn ra sôi nổi, thiết thực. Đồng chí Bí thư Thị ủy báo cáo với đồng chí Đỗ Mười về những chuyển biến, cả những non kém của một thị xã vùng đồng bằng. Đồng chí Tổng Bí thư nói:

- Đảng bộ và nhân dân thị xã đã có cố gắng trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Hai cơ sở tôi vừa đi thăm, có khó khăn, nhưng trụ được. Yếu tố con người là quan trọng phải không?

- Phải nhạy bén, năng động tiếp thu công nghệ mới, tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao mới cạnh tranh và tồn tại được.

Đồng chí Tổng Bí thư chất vấn, gợi mở những việc cụ thể để thị xã có hướng tháo gỡ. Đồng chí hỏi:

- Đời sống nhân dân hiện nay của thị xã như thế nào?

Đồng chí Bí thư Thị ủy trả lời:

- Dạ, báo cáo đồng chí Tổng Bí thư, nói chung là khá ạ.

- Đừng có nói chung! Đồng chí Đỗ Mười nói. Bây giờ phải bỏ cái kiểu báo cáo chung chung ấy đi. Phải cụ thể nhé.

Đồng chí Tổng Bí thư hỏi tiếp:

- Thị xã có bao nhiêu ti vi, bao nhiêu máy tính lớn nhỏ? Mấy gia đình có một điện thoại? Tổ chức dịch vụ các đồng chí có nắm được không? Số hộ nghèo thị xã còn bao nhiêu...?

- Dạ, còn 5% ạ...! Bí thư Thị ủy trả lời.

- Phải khuyến khích mọi người làm giàu! Đồng chí Tổng Bí thư nói. Nhưng phải làm giàu hợp pháp. Thị xã có bao nhiêu hộ giàu? Giàu có hợp pháp không? Các đồng chí có biết làm giàu trước hết phải cần gì?

Đồng chí Bí thư Thị ủy trả lời:

- Báo cáo đồng chí Tổng Bí thư, làm giàu trước hết phải có vốn sản xuất, kinh doanh. Cần phải biết khai thác các ngành nghề hiện có...

- Chưa đủ! Đồng chí Tổng Bí thư nói. Trước hết cần phải có hiểu biết đã. Không hiểu biết thì xem tranh hay nghe nhạc cũng chẳng biết hay dở ra sao, đúng không các đồng chí? Làm giàu cũng vậy, cần phải hiểu biết, phải có trí tuệ, phải chịu khó học mới làm giàu được.

Đồng chí Tổng Bí thư nói tiếp:

- Thị xã còn 5% hộ nghèo. Tôi mong các đồng chí phấn đấu hết năm 1995 hết hộ nghèo. Chúc Đảng bộ và nhân dân thị xã mãi mãi hết hộ nghèo.

Đồng chí Tổng Bí thư hỏi:

- Các đồng chí tham gia chống tham nhũng, buôn lậu thế nào? Có chống kiên quyết không? Chống tham nhũng, buôn lậu cũng rất khó phải không? Nhiều khi nó dí cho cái phong bì là mất chống. Tôi mong các đồng chí phải công bằng, sống trước hết đừng vì tiền. Tiền bạc mà. Trong gia đình cũng thế, sống nặng vì tiền thì vợ chồng, con cái chỉ cãi nhau. Phải sống vì tình. Sống vì tình mới lâu bền được.

Buổi tối, đồng chí Tổng Bí thư đến thăm gia đình cụ Hoàng Thị Hựu và gia đình cụ Nguyễn Ngọc Lộc là những gia đình có công chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ đồng chí Đỗ Mười khi đồng chí về hoạt động ở vùng Quỳnh Côi những năm 1951 - 1953. Do thời gian hạn hẹp, huyện Quỳnh Phụ đưa các gia đình lên nhà khách tỉnh để đồng chí Tổng Bí thư gặp mặt. Vừa bước vào phòng khách, đồng chí Đỗ Mười giơ hai tay về phía ông lão đang đi lại trước mặt:

- Kìa ông Lộc, ông vẫn khỏe chứ?

Ông Lộc cầm tay đồng chí Tổng Bí thư bồi hồi xúc động:

- Bác còn nhớ tên tôi, thật quý hóa quá, tôi vẫn khỏe.

Ông quay sang phía mọi người cũng đang xúc động nhìn đồng chí Đỗ Mười lần lượt giới thiệu. Đồng chí Tổng Bí thư mỉm cười:

- Cô Phấn đây phải không? Sao rày già thế? Hồi đó nấu cơm là hay để khê lắm nhé.

Bà Phấn rưng rưng:

- Hồi đó em vụng lắm. Em còn nhớ bác chê, cậu nấu riêu cá trê, không biết làm, tanh lắm, cóc ai ăn được.

Bà Phấn là con dâu cụ Hựu. Cụ Hựu ở xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, cụ mới về già. Ngồi vây quanh đồng chí Đỗ Mười, mọi người ôn lại tình xưa nghĩa cũ. Đồng chí Tổng Bí thư luôn luôn nhắc đến cụ Hựu. Gia đình cụ là một cơ sở tin cậy, cụ rất dũng cảm. Khi vờ đi bắt cua để mang thư của đồng chí Đỗ Mười đến cơ sở Quỳnh Hội, khi thì cụ mang gà, mang chuối vào bán cho lính ở bốt Quỳnh Côi để dò la tin tức. Bà Phấn hỏi:

- Bác còn nhớ mùa hè năm 1952 không? Hồi đó bác bị ốm nhưng không chịu nghỉ việc, sau ốm nặng hơn, không đi được. Chú Khâm, chú Chiến cần vụ phải cõng bác.

Bà Phấn tiếp:

- Sau trận ốm, tóc bác trùm gáy, mẹ em đi tìm chú Mộc là đảng viên trung kiên đến cắt tóc cho bác. Cắt xong cô người yêu của bác đến thăm, ngồi gội đầu cho bác tình cảm lắm.

Mọi người mỉm cười:

- Bà Phấn nhớ dai thật.

Gia đình ông Lộc cũng là một cơ sở tin cậy mà đồng chí Đỗ Mười thường lui tới những năm đó. Ông kể:

- Hồi đó, đi ra khỏi làng bác Mười thường gánh hai bó rọ cá rô để che mắt bọn mật thám. Hôm thì vác một cái đòn càn trông như một lão nông tri điền. Người bác to cao trông uy nghiêm lắm, có người sợ, nhưng gần bác lại thấy rất tình cảm.

Đồng chí Đỗ Mười nói:

- Năm 1971, tôi cho xe về đón cụ Hựu lên Hà Nội chơi. Cùng đi với cụ có cả người cháu nội nữa. Hôm nay chú ấy có lên đây không?

Ông Quỳ, chồng bà Phấn đáp:

- Có, cháu nó đây bác ạ. Cháu nó tên là Quỳnh.

Anh Quỳnh nói:

- Cháu với bà cháu lên chơi nhà bác một tuần. Về nhà, thỉnh thoảng cháu lại nhận được thư của anh Đỗ Chung và chị Thủy con bác gửi về hỏi thăm gia đình cháu. Năm sau bác lại cho xe về đón gia đình cháu lên chơi nhưng bà cháu ốm mệt, không đi được ạ.

Đồng chí Đỗ Mười thăm hỏi mọi người về chuyện làm ăn:

- Kinh tế gia đình các ông, các bà hồi này thế nào? Có khá hơn ngày xưa nhiều không?

- Gấp trăm lần ngày xưa bác ạ! Bà Phấn đáp.

- Có thịt, có sữa, có trứng ăn luôn không?

- Dạ, sữa thì không có nhưng thịt, trứng thì có. Chỉ ít thôi ạ.

- Có nuôi được nhiều gà không? Có dám giết gà ăn luôn không?

- Dạ, có ạ.

- Nói thế thôi, tôi biết chứ. Ở nông thôn bây giờ lắm lệ, lắm thứ phải chi tiêu lắm. Đi mừng, đi viếng, góp họ, ốm đau, thuốc men, bao nhiêu thứ cần tiêu. Nuôi được con gà là đem bán chứ đâu dám ăn, có đúng không?

- Dạ, đúng thế bác ạ! Bà Phấn nói. Sao bác hiểu cặn kẽ nông dân chúng em thế. Đúng là vậy bác ạ.

Đồng chí Đỗ Mười căn dặn:

- Cuộc sống có khá hơn ngày xưa nhưng chưa phải hết thiếu thốn. Các ông, các bà phải khuyên bảo con cháu chịu khó mà học mà làm. Có làm mới có cuộc sống ổn định. Như tôi chẳng hạn, năm nay đã 77 tuổi rồi mà vẫn làm việc ngày mười hai giờ. Tuy vất vả nhưng vẫn phải làm vì hạnh phúc của nhân dân.

(còn nữa)

Minh Chuyên

  • Từ khóa