Thứ 2, 20/05/2024, 00:16[GMT+7]

Phảng phất Thư Xuyên hầu

Thứ 2, 08/10/2018 | 09:06:24
2,138 lượt xem
Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Thân niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752) khóa thi Hội có 150 thí sinh chọn được 6 vị đỗ đại khoa, trong đó 4 đại khoa người Thái Bình.

Thư Xuyên hầu miếu thờ tiến sĩ Nguyễn Xuân Huyên, thôn Thái, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư.

Đệ nhất tiến sĩ là Lê Quý Đôn, đồng tam giáp tiến sĩ là Nguyễn Diêu (Nguyễn Xuân Huyên, tự Thư Hiên), quê làng Hoàng Xá, xã Hoàng Xá, huyện Thư Trì (nay là thôn Thái, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư). Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huyên được triều đình nhà Lê phong tước Thư Xuyên hầu, ông sinh ngày 18 tháng 2 năm Mậu Thân (1728) từng được vua Lê tín nhiệm cử tham gia đoàn sứ bộ sang nhà Thanh 2 lần. Lần thứ nhất vào năm Tân Tỵ (1761) và hơn mười năm sau (1772) ông là phó sứ cùng Trần Huy Mật, Lê Quý Đôn sang nhà Thanh lần thứ hai.

Rất khó khăn trong việc tìm được những tài liệu ghi chép tương đối đầy đủ về hai lần đi sứ của tiến sĩ Nguyễn Xuân Huyên sang nhà Thanh để hậu thế thấy được tài năng và tinh thần yêu nước của ông trong tình thế sứ giả Đại Việt chỉ là phiên thuộc của thượng quốc nhưng ông đã biết tận dụng mọi cơ hội để đề cao vị thế của dân tộc Việt trong khi tiếp xúc với các học giả, quan lại Trung Hoa và các sứ thần ngoại quốc đến Trung Hoa. Bang giao với nước ngoài, đặc biệt đối với Trung Hoa luôn được các vương triều phong kiến Đại Việt nói chung và triều đình vua Lê - chúa Trịnh nói riêng coi trọng. Các vương triều phong kiến nước ta luôn áp dụng chính sách bang giao mềm dẻo trên tinh thần hòa hảo. Trong quan hệ bang giao, Đại Việt cũng luôn thể hiện rõ quan điểm không khoan nhượng trước hành động xâm lấn lãnh thổ, chống sự khinh miệt của nước lớn với nước nhỏ. Để thực hiện được tinh thần tự tôn dân tộc trong quan hệ bang giao, triều đình nhà hậu Lê đặc biệt chú ý chọn những viên quan có học thức uyên thâm, có tài ứng đối, xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh để giao trọng trách đi sứ. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huyên là trọng quan triều đình có đầy đủ các phẩm chất của một sứ thần đã được vua Lê lựa chọn đi sứ nhà Thanh 2 lần vào năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760) và Cảnh Hưng thứ 33 (1772).

Trong “Lịch triều hiến chương loại chí” nhà sử học Phan Huy Chú viết: “Chức sứ thần là người có trách nhiệm ngoại giao, tất phải kén người đỗ tiến sĩ”. Đoàn sứ thần Đại Việt có tiến sĩ Nguyễn Xuân Huyên được cử sang sứ nhà Thanh dự định đến Bắc Kinh vào mùa đông năm 1761 nhưng bất ngờ Hoàng đế của triều Lê là Ý Tông mất nên đoàn đã lên đường chậm một năm. Theo Đại Nam sử ký toàn thư, tục biên quyển 4, mục ghi năm Cảnh Hưng 20 (1759) không ghi ngày tháng lên đường nhưng có ghi: “Cử Chánh sứ Trần Huy Mật, Phó sứ Lê Quý Đôn, Trịnh Xuân Thụ… sang nhà Thanh tuế cống và báo cáo việc Hoàng đế Ý Tông mất”. 

Sau chuyến đi sứ nhà Thanh cùng Nguyễn Diêu, trong bài Đề từ cuốn Bắc sứ Thông lục, Lê Quý Đôn viết: “Ta vừa qua Nam Quan, liền gặp quan Tuần Kiêm họ Tra đưa thơ thách họa. Dọc đường gặp các quan liêu, bậc cả, sĩ phu đặt những câu hỏi hóc búa, họ bắt bẻ tranh luận như là kẻ địch. Lại có sứ Triều Tiên, quan Khâm Sai bạn tống đều là những bậc văn hào. Họ đã không coi mình là người nước ngoài mà khinh, đã tiếp chuyện nhiều lần. Tôi may nhờ hồng phúc, dùng văn tự nói chuyện, may khỏi bị khinh khi mà còn được tán khen”… “Mùa đông năm Canh Thìn (1760) niên hiệu Cảnh Hưng 21 ta và Trần Huy Mật, Trịnh Xuân Thụ đến Yên Kinh. Hôm trừ tịch, gặp sứ nước ấy (Triều Tiên) là Hồng Khải Hi, Triệu Vinh Tiến, Lý Huy Trung ở Hồng Lô quán. Bày tiệc bút đàm, càng tăng thêm tình hữu hảo, sau khi về quán, lại sai 2 vị thiếu khanh (trong đó có Nguyễn Diêu) mang thổ sản đến tặng”. 

Giáo sư sử học người Nhật là Taro Shimizu đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cuốn Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn và sang Trung Quốc tìm đọc và dịch các tài liệu liên quan đến cuộc đi sứ nhà Thanh của sứ bộ Đại Việt năm 1760 và 1772, trong đó có Nguyễn Diêu đi cùng Lê Quý Đôn. 

Theo giáo sư Taro Shimizu,  hai tập sách mà Lê Quý Đôn viết là Quần thư khảo biện và Thánh mô hiền phạm lục có lời tựa của Hồng Khải Hi sứ thần Triều Tiên. 

Một tài liệu khác có liên quan đến sứ bộ Đại Việt mà giáo sư Taro Shimizu dịch: “Năm Quý Tỵ bạn đồng niên của ta phụng đi sứ sang Bắc Kinh, có gặp Phó sứ Triều Tiên Lý Chí Trung, người này nhận mình là cháu của Lý Huy Trung học sĩ. Lý Chí Trung lại nói chuyện là chú mình cùng Lê Quế Đường của Quý quốc kết bạn văn chương. Nay có bức thư gửi cho tôi có ý hỏi thăm tới kẻ quê mùa nay đang giữ chức gì, mong cho được bình an”. Năm Quý Tỵ tức năm 1773, tại thời điểm này Lý Chí Trung biết rằng trước đây Lê Quý Đôn và chú mình đã từng giao lưu gặp gỡ với nhau tại Bắc Kinh nên khi gặp có đề cập tới việc này. 

Theo Quốc triều bảng mục, Lý Chí Trung thi đỗ năm Anh Tổ, Tân Tỵ (1761). Mùa đông năm 1772, ông được nhận chức Lại tào phán thư, được phái đi sứ sang Bắc Kinh. Năm đó, phía Đại Việt cũng cử sứ bộ sang Thanh tuế cống, trong đoàn có Chánh sứ Đoàn Nguyễn Thục (Đệ nhị giáp đồng tiến sĩ với Lê Quý Đôn và Nguyễn Diêu) và Phó sứ Vũ Huy Đình (Toàn thư, tục biên, quyển 5, mục cuối năm Cảnh Hưng 32 (1772) có ghi: “Sai Chánh sứ Đoàn Nguyễn Thục, Phó sứ Nguyễn Huy Diên, Nguyễn Diêu sang Thanh tuế cống và trình tấu”. Như vậy là Nguyễn Diêu là một trong những quan lại sứ bộ Đại Việt đi sứ nhà Thanh thời điểm 1772. 

Giáo sư Taro Shimizu còn cẩn thận tra cứu “Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký” khẳng định tên của Nguyễn Diêu có trong Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (khoa Cảnh Hưng thứ 13 (1752) cùng Lê Quý Đôn). Theo tài liệu của giáo sư Taro Shimizu, Chánh sứ Triều Tiên là Hồng Khải Hy viết: “Kỳ ngộ chỉ ưng thông trữ cảo” nghĩa là “cuộc kỳ ngộ của chúng ta (chỉ sứ thần Đại Việt và Triều Tiên) nên kết lại thành sợi dây tơ, ý muốn nói để cho thật bền chặt và lâu dài”. 

Còn Học sĩ Lý Huy Trung đã viết: “Quy thác áng nhiên giai Việt tự” (Chứa đầy túi đưa về nước, đều là chữ của sứ thần Đại Việt).

Tương truyền, thuở nhỏ Nguyễn Diêu (Nguyễn Xuân Huyên) ham học. Một hôm cha mẹ đi vắng, giao cho Diêu coi sân thóc, mải đọc sách, mưa to trôi hết cả thóc mà Diêu không hề hay biết. Đỗ đồng tam giáp tiến sĩ, Nguyễn Xuân Huyên được cử đi sứ nhà Thanh hai lần, lần nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được triều đình giao phó. Ông được phong chức Tán trị Tây Sơn sứ, Đốc trấn Cao Bằng tỉnh, Thừa Chánh sứ, Tư tham Chánh sứ, Hàn lâm viện Thừa chỉ thắng thiêm sai tri bộ lại Công bộ, Hữu thị lang Thư Xuyên hầu. 

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Từ đường “Thư Xuyên hầu miếu” thờ tiến sĩ Nguyễn Xuân Huyên còn đôi câu đối tương truyền của vua Lê Hiển Tông ban tặng.

Thượng quốc hoàng hoa lưu phủ phất
Cố hương thế miếu mục thường y


Có nhiều người tưởng rằng “Thượng quốc hoàng hoa” ý là chỉ vua Lê đã đến Thư Xuyên hầu miếu thắp hương cho tiến sĩ Nguyễn Xuân Huyên. Thực ra, đây là câu đối vua Lê Hiển Tông ban tặng ông khi ông mất. Câu đối này ý chỉ ông là người có công lao với đất nước qua hai lần được triều đình nhà hậu Lê cử đi sứ nhà Thanh. Ông đã cùng bạn đồng khoa là Lê Quý Đôn làm rạng danh Đại Việt bằng con đường ngoại giao. Thượng quốc nghĩa ở đây là chỉ nước ở vị trí trên nước ta trong quan hệ ngoại giao mà thôi, đủ biết cha ông ta luôn có thái độ cương quyết đối với cách ứng xử kiểu nước lớn, nước nhỏ của Trung Hoa.
 Ông Vũ Đức Thơm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huyên là 1 trong 6 vị đại khoa năm Nhâm Thân 1752 cùng với Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Đỗ đạt thành danh ông  được triều đình tín nhiệm giao cho nhiều trọng trách, trong đó có hai lần đi sứ nhà Thanh. Hiện vật quý liên quan đến cuộc đời ông còn lưu giữ được là tấm Bát biểu khắc chữ “Ân tứ vinh quy” và cờ của vua Lê Hiển Tông ban tặng ông lúc ông về với cố hương. 
Ông Nguyễn Đức Vượng, 76 tuổi, hậu duệ đời thứ 10 Thư Xuyên hầu Nguyễn Xuân Huyên, thôn Thái, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư

Cụ tôi vốn là người đức độ, lại giỏi văn thơ, có tài biện bác, ứng đối linh hoạt nên triều đình hậu Lê cử ông tham gia đoàn sứ bộ sang nhà Thanh. Chỉ tiếc cụ tôi đột ngột mất sớm. Năm 1877, nhà Nguyễn sắc phong và chỉ dụ cho dòng họ Nguyễn ở thôn Thái xây từ đường thờ tiến sĩ Nguyễn Xuân Huyên và đặt tên là: “Thư Xuyên hầu miếu”. Miếu thờ tiến sĩ Nguyễn Xuân Huyên được tu tạo nhiều lần và lần tu tạo gần đây nhất vào năm 2002.

Quang Viện